Châu Âu hiện tại không những chỉ thê thảm bởi tác động càn quét của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp covid-19 do virus corona gây ra mà còn sôi động bởi những chuyện vốn gốc rễ từ xa xưa nhưng giờ lại thời sự. Chuyện không chỉ đơn thuần giữa hai nước Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ hay giữa hai cá nhân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mà còn là chuyện giữa thế giới Phương Tây và thế giới Hồi giáo. Cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất, chuyện hiện tại này đâu có hoàn toàn mới mà chỉ là phần tiếp theo mới đây nhất của câu chuyện cũ về chính trị, tôn giáo và ý thức hệ.
Chuyện không chỉ đơn thuần giữa hai nước Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ hay giữa hai cá nhân Tổng thống Pháp và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mà còn là chuyện giữa thế giới Phương Tây và thế giới Hồi giáo. (Nguồn: Getty/TTXVN) |
Đối đầu về ý thức hệ, bất hòa về tôn giáo
Ông Macron đương nhiên được các nước thành viên EU ủng hộ, nhưng sự ủng hộ này chủ yếu dưới hình thức phê phán ông Erdogan về những ngôn từ nhằm vào cá nhân ông Macron chứ không hẳn dành cho chủ ý và cách thức ông Macron xử lý vụ việc người thầy giáo ở Pháp bị một phần tử Hồi giáo cực đoan chặt đầu. Họ đồng tình với quan điểm chính sách của ông Macron về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan nhưng, cho dù không nói hẳn ra, đồng thời lại thiên về nhìn nhận rằng ông Macron có thể đã đi quá xa và quá vội với việc công khai chủ trương "cải cách đạo Hồi" ở nước Pháp.
Tạp chí Charlie Hebdo bị tấn công khủng bố dù đã qua mấy năm hiện vẫn là nỗi ám ảnh đối với nước Pháp và người Pháp, như một nỗi nhức nhối chưa nguôi ngoai, như một vết thương chưa hẳn đã lành vết. Nó vẫn dai dẳng tác động mạnh về chính trị xã hội nội bộ ở nước Pháp, vẫn còn rất nhạy cảm về tôn giáo và chính trị đối nội ở nước Pháp. |
Hơn ở mọi nơi trên thế gian này, các nước thuộc khối Phương Tây phải ý thức được đầy đủ và rõ ràng nhất việc xoá nhòa ranh giới giữa đạo Hồi và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan rủi ro và nguy hiểm như thế nào về an ninh đối với họ. Phản ứng của nhiều quốc gia Hồi giáo trên thế giới về phát ngôn và hành động của ông Macron là sự cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ bất hoà về tôn giáo có thể nhanh chóng diễn tiến tới đối đầu về ý thức hệ giữa thế giới Phương Tây và thế giới Hồi giáo.
Chuyện mới lần này xuất xứ từ chuyện cũ là những biếm hoạ ở một số nước châu Âu bị người theo đạo Hồi cảm nhận là phỉ báng Thánh Mohammed của họ. Nước Pháp không khởi nguồn chuyện cũ nhưng lại lún trong cuộc sâu nhất và cũng đã phải trả giá đắt hơn các nơi khác trên châu lục khi tạp chí Charlie Hebdo bị nhóm Hồi giáo cực đoan tấn công khủng bố. Vụ việc người thầy giáo ở Pháp bị sát hại một cách rất tàn bạo đã đưa đến hệ luỵ là ông Macron buộc phải hành động bởi những lý do sau.
Từ ba lý do của ông Macron…
Thứ nhất, tách bạch giữa nhà nước và tôn giáo cũng như coi nhà trường là nơi khai sáng cho trẻ em, học sinh và mọi người ở Pháp về sự tách bạch này và về những giá trị mà sự tách bạch ấy đưa lại xưa nay được coi là một bản chất và bản sắc của nước Pháp, được nước Pháp và người Pháp vinh danh và tôn thờ, giúp nước Pháp và người Pháp luôn khác biệt hẳn so với các nước và người dân khác ở châu Âu.
Bây giờ, nước Pháp và người Pháp cảm nhận như thể bản chất và bản sắc ấy bị tấn công, bị thách thức và bị đe doạ bởi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Ông Macron vì thế phải hành động mạnh mẽ và quyết liệt.
Thứ hai, vụ việc tạp chí Charlie Hebdo bị tấn công khủng bố dù đã qua mấy năm hiện vẫn là nỗi ám ảnh đối với nước Pháp và người Pháp, như một nỗi nhức nhối chưa nguôi ngoai, như một vết thương chưa hẳn đã lành vết. Nó vẫn dai dẳng tác động mạnh về chính trị xã hội nội bộ ở nước Pháp, vẫn còn rất nhạy cảm về tôn giáo và chính trị đối nội ở nước Pháp.
Nước Pháp và người Pháp cảm nhận như thể bản chất và bản sắc ấy bị tấn công, bị thách thức và bị đe doạ bởi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Ông Macron vì thế phải hành động mạnh mẽ và quyết liệt. |
Pháp lại còn là quốc gia ở châu Âu có cộng đồng đông đảo nhất người theo đạo Hồi. Vụ việc vẫn không nguôi thôi thúc nước Pháp phải sắp xếp lại nhận thức và hành động liên quan đến mối quan hệ giữa đạo Hồi với các tôn giáo khác và giữa người theo các tôn giáo khác với người theo đạo Hồi ở nước Pháp. Ông Macron xem ra đang quyết tâm làm việc ấy.
Thứ ba, ông Macron còn theo đuổi cả mục đích đi tiên phong ở châu Âu trong chuyện chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và cải tổ đạo Hồi ở châu Âu theo hướng dùng luật pháp quốc gia để tách biệt đạo Hồi với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, không để cho các thế lực, tổ chức hay phần tử theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan lợi dụng và lạm dụng đạo Hồi ở nước Pháp và châu Âu.
Từ giác độ lợi ích cơ bản lâu dài của các nước châu Âu mà nhìn nhận thì chủ ý này thể hiện tầm nhìn xa của ông Macron, nhưng lại tiềm ẩn không ít rủi ro đối với ông Macron bởi hai lý do. Thứ nhất, đại đa số các quốc gia châu Âu hiện cùng thuyền như chưa hoàn toàn cùng hội với ông Macron trong chuyện này và không mấy sẵn sàng chịu xếp hàng đứng sau nước Pháp của ông Macron. Thứ hai, nước Pháp vì thế sẽ trở thành mục tiêu tấn công và đối địch chính của phía chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Không chỉ có mối quan hệ giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ mà còn cả toàn bộ mối quan hệ giữa thế giới Phương Tây và thế giới Ả rập hiện phải trực diện thách thức mới. (Nguồn: Reuters/TTXVN) |
… đến lý lẽ của ông Erdogan
Giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ hiện cọ sát và xung khắc lợi ích chiến lược cơ bản đồng thời trên nhiều phương diện. Nhưng những quyết sách và phát ngôn mới rồi của ông Macron liên quan đến đạo Hồi và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan lại không liên quan gì đến các mối bất hoà nói trên giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan công kích cá nhân ông Macron và làm cho mối quan hệ song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Pháp gặp thêm trắc trở mới chủ yếu nhằm gây dựng và thể hiện hình ảnh và vai trò người bảo vệ cho người theo đạo Hồi ở châu Âu, củng cố uy tín cá nhân ở trong nước và tăng cường ảnh hưởng của cá nhân trong thế giới Hồi giáo.
Không chỉ có mối quan hệ giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ mà còn cả toàn bộ mối quan hệ giữa thế giới Phương Tây và thế giới Ả rập hiện phải trực diện thách thức mới mà thách thức này chỉ có thể được khắc phục khi trước hết Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đi vào hoà giải với nhau.
Ở Pháp và châu Âu, ông Macron đã đi xa tới mức không còn có thể lùi. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan cũng vậy. Sẽ không có chuyện người này nói ra lời xin lỗi ông Macron - Xưa nay, nhà lãnh đạo nước ngoài duy nhất mà ông Erdogan phải nói ra lời xin lỗi là Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Vì thế, phần đoạn mới của câu chuyện cũ sẽ còn dài dài chứ không thể ngắn.