Theo đó, Trung Quốc tuyên bố chống lại “việc sử dụng UNCLOS là vũ khí chính trị để tấn công các nước khác”, khẳng định “UNCLOS không bao trùm mọi vấn đề trên biển”.
Châu Âu đưa ra lập trường cứng rắn hơn ở Biển Đông. (Nguồn: SCMP) |
Điểm 2 của công hàm nêu: “Chủ quyền lãnh thổ và các quyền lợi về biển của Trung Quốc tại Biển Đông đã được xác lập trong quá trình lịch sử lâu dài và luôn được các chính quyền Trung Quốc liên tục duy trì”, khẳng định các quyền này “phù hợp với luật quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS”, đồng thời phủ nhận giá trị của phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực.
Bình luận về công hàm của Trung Quốc phản hồi công hàm của 3 nước Anh-Pháp-Đức, Vụ trưởng Vụ Luật pháp Quốc tế, Bộ Ngoại giao Indonesia Damos Agusman ngày 19/9 cho rằng công hàm này có một số lập luận mới mà Trung Quốc chính thức đưa ra lần đầu tiên.
Thứ nhất, về lập luận Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 không phải cơ sở duy nhất để điều chỉnh các vấn đề trên biển, ông Agusman cho rằng nếu nói về quyền lịch sử thì vấn đề này đã được được UNCLOS điều chỉnh.
Thứ hai, về vấn đề quần đảo ngoài khơi của quốc gia lục địa, ông Agusman nói chưa có bằng chứng đầy đủ chứng minh luật quốc tế đã điều chỉnh vấn đề này. Nhà ngoại giao Indonesia nhấn mạnh việc Trung Quốc từ chối Phán quyếtkhông có ảnh hưởng đến giá trị của Phán quyết.
Trước đó, ngày 16/9, Phái đoàn thường trực của Pháp, Đức và Anh tại Liên hợp quốc đã gửi công hàm thể hiện quan điểm với 7 công hàm mà Phái đoàn Trung Quốc đề nghị lưu hành tại Liên hợp quốc, làm rõ lập trường pháp lý trong vấn đề Biển Đông, trong đó khẳng định:
- UNCLOS là cơ sở chung, phổ quát trong việc đặt ra khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động thực hiện trong các vùng biển và đại dương;
- Sự quan trọng của việc thực thi quyền tự do không bị cản trở trên vùng biển cả, trong đó bao gồm khu vực Biển Đông;
- Các quốc gia lục địa không thể có cơ sở pháp lý khi vẽ đường cơ sở quần đảo;
- Hoạt động xây dựng hay các hình thức chuyển đổi nhân tạo khác không thể thay đổi việc phân loại thực thể địa lý theo như quy định của UNCLOS;
- Các yêu sách liên quan đến việc thực thi "quyền lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông là không phù hợp với luật quốc tế và các quy định của UNCLOS;
- Tất cả các yêu sách biển ở Biển Đông cần phải được đưa ra và giải quyết một cách phù hợp với các quy tắc, quy định của UNCLOS và các công cụ, thủ tục cho việc giải quyết tranh chấp như được quy định trong Công ước.
Bình luận về công hàm chung của Pháp, Anh và Đức có chung nội dung liên quan đến Biển Đông và UNCLOS gửi tới Tổng thư ký Liên hợp quốc, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao bình luận trên báo Vietnamnet: “Dù rất quan tâm đến quan hệ thương mại với Trung Quốc nhưng châu Âu, bao gồm cả trong EU và ngoài EU, không thể làm ngơ để luật pháp quốc tế bị lạm dụng. Sự ủng hộ của châu Âu làm tăng cường thêm tính chính danh của các lực lượng đấu tranh cho sự toàn vẹn của Công ước Luật Biển, coi Công ước là cơ sở pháp lý duy nhất để giải quyết các tranh chấp biển ở Biển Đông”.
Cuộc chiến công hàm liên quan tới Biển Đông khởi đầu từ Malaysia vào tháng 12/2019, đến nay đã có 23 công hàm và công thư (Trung Quốc - 8, Philippines - 2, Malaysia - 3, Việt Nam - 3; Indonesia - 2, Mỹ - 1, Australia - 1, Pháp - Anh - Đức - 3).