📞

Pháp: Đẩy nhanh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thành phố Paris triển khai nhiều sáng kiến mới

Nguyễn Hoàng 15:06 | 13/12/2020
TGVN. Thủ đô Paris của Pháp đang hướng tới xây dựng một cơ chế cho phép các cá nhân và doanh nghiệp đền bù lượng phát thải khí carbon của họ bằng cách tài trợ cho các dự án xanh.

Nhân kỷ niệm 5 năm đạt được Thỏa thuận khí hậu tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu 2015 (COP21), thành phố mà tên gọi được đặt cho hiệp ước quốc tế này đã thúc đẩy việc triển khai nhiều sáng kiến mới.

Chống biến đổi khí hậu, Paris thiết lập một cơ chế "đền bù phát thải khí carbon". (Nguồn: E&T)

Để đẩy nhanh cuộc chiến chống lại sự ấm lên toàn cầu, Paris đã quyết định thiết lập một cơ chế "đền bù phát thải khí carbon". Ông Dan Lert, Phó Thị trưởng phụ trách chuyển đổi sinh thái, công bố dự án này vào ngày 11/12.

Ông cảnh báo rằng bất chấp Thỏa thuận Paris, sự ấm lên toàn cầu vẫn tiếp tục là một thảm họa và tháng 11/2020 là thời điểm nóng nhất được ghi nhận trên thế giới. "Do đó, chúng ta phải hành động ở tất cả các cấp, đặc biệt là ở các thành phố. Cơ chế mà chúng tôi muốn thành lập là một phần của các giải pháp để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sinh thái ở Paris", ông khẳng định.

Cơ chế này sẽ giúp tất cả cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng... - những người muốn bồi thường thiệt hại về môi trường do lượng phát thải khí carbon của họ gây ra trong cuộc sống và sản xuất hàng ngày, bằng cách tài trợ cho các dự án xanh.

Thành phố La Rochelle, miền Tây nước Pháp là thành phố đầu tiên quyết định vào năm 2019 thiết lập một cơ chế kiểu này, dưới hình thức hợp tác xã vì lợi ích tập thể.

Ở Paris cũng vậy, theo ông Dan Lert, "cơ chế được đề xuất có thể dưới hình thức hợp tác xã". Khoản đầu tư ban đầu được xác định từ 3-4 triệu euro, với mục tiêu chuẩn bị cho việc thành lập hợp tác xã này trong năm 2021 và khởi động hiệu quả vào năm 2022.

Thành phố đặc biệt mong muốn hoàn thành cơ chế này trước khi diễn ra Đại hội thể thao mùa Hè (Olympic) và Đại hội thể thao mùa Hè dành cho người khuyết tật (Paralympic) năm 2024, một sự kiện mà nhân dịp đó nhiều doanh nghiệp có thể quan tâm đến một hệ thống bảo vệ môi trường như vậy. Để giành được quyền đăng cai Thế vận hội, Paris đã hứa sẽ thực hiện mục tiêu trung hòa carbon, một phần thông qua hệ thống đền bù.

Một ví dụ, một công ty tổ chức sự kiện liên quan đến Thế vận hội đưa khách VIP bằng máy bay, dùng xe tải để vận chuyển thiết bị... nhưng muốn được chứng nhận đạt yêu cầu về lượng phát thải carbon, đặc biệt là dưới áp lực chính trị. Công ty này có thể gia nhập “hợp tác xã carbon” trong tương lai, và trả một khoản tiền về mặt lý thuyết cho phép bù đắp lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà hoạt động của họ tạo ra.

Ông Dan Lert lưu ý: “Điều này liên quan đến việc xác định giá carbon". Hợp tác xã sẽ có thể sử dụng số tiền thu được để tài trợ cho các dự án nhằm giảm phát thải khí nhà kính, chẳng hạn như lắp đặt các tấm pin mặt trời.

Ý tưởng bù đắp lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bắt đầu vào cuối những năm 1980, đã từng là chủ đề của nhiều chỉ trích. Một số nhắm vào nguyên tắc của một hệ thống như vậy, mà theo các nhà phê bình, sẽ cho phép con người tiếp tục thực hiện những hành động gây hại đối với khí hậu chỉ bằng cách chi tiền. Các chỉ trích khác tập trung vào việc áp dụng cụ thể việc bồi thường, mà ở giai đoạn hiện nay chưa thể hiện được khả năng giảm phát thải khí nhà kính một cách rõ ràng và bền vững.

Giới chức thành phố Paris nhận thức rõ những giới hạn này. Phó Thị trưởng Dan Lert ngay lập tức thiết lập các biện pháp bảo vệ. Theo ông, việc bù đắp không thể thay thế cho những nỗ lực giảm phát khí thải. Cơ chế này chỉ nhằm bồi thường cho lượng khí thải còn sót lại, mặc dù đã tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo để hạn chế phát thải carbon.

Cùng với dự án mới này, giới chức Paris triển khai hai dự án khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sinh thái của thành phố. Trước hết, một hội đồng khoa học đặc biệt của Paris sẽ ra mắt trong những tháng tới. Hội đồng tập hợp các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau để "làm sáng tỏ các lựa chọn của thành phố về khí hậu".

Tiếp đó, chính quyền Paris lên kế hoạch thành lập một bộ máy điều hành năng lượng công cộng. Mô hình sẽ tương tự như công ty Eau de Paris, được chính quyền thành lập vào năm 2009 để giành lại quyền kiểm soát việc phân phối nước tại thủ đô.

Công ty Energies de Paris trong tương lai sẽ chịu trách nhiệm phát triển sản xuất điện mặt trời và thúc đẩy mua năng lượng xanh. Mục tiêu là năng lượng tái tạo chiếm 45% năng lượng tiêu thụ của Paris vào năm 2030, trong đó 10% được sản xuất ngay tại Paris.

(theo TTXVN)