TIN LIÊN QUAN | |
Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan: Thách thức và triển vọng | |
Một vành đai, một con đường |
Quan điểm ủng hộ thương mại tự do
Cuối tháng Hai vừa qua, Tổng thống Italy Sergio Mattarella và Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve đã thăm chính thức Trung Quốc, hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Trong các cuộc họp riêng, cả bốn nhà lãnh đạo này đã ca ngợi hợp tác Trung - Âu và kêu gọi trao đổi nhiều hơn giữa hai khu vực. Một số thỏa thuận song phương đã được ký kết, bao gồm một thỏa thuận Trung - Pháp về năng lượng hạt nhân và một thỏa thuận khoa học Trung - Italy về hợp tác không gian.
Tổng thống Italy Sergio Mattarella và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Trung Quốc ngày 23/2. (Nguồn: Reuters) |
Ông Mattarella và ông Cazeneuve là những người ủng hộ mạnh mẽ thương mại tự do. Chuyến thăm của họ đến Trung Quốc thể hiện sự sẵn sàng của châu Âu trong việc phát triển quan hệ tốt đẹp hơn với Trung Quốc. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sỹ), ông Tập Cận Bình đã ủng hộ mạnh mẽ sự hội nhập của châu Âu và kêu gọi châu Âu, Trung Quốc chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Chính sách ngoại giao gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump và việc từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể là cơ hội để châu Âu trở thành đối tác chính của Trung Quốc. Sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" của Trung Quốc có thể mang lại lợi ích cho cả hai khu vực, nhưng cả Trung Quốc và các nước châu Âu cần phải xác định lại cách tiếp cận sáng kiến này để tăng cường trao đổi kinh tế và thương mại.
Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Xinhua) |
Trong chuyến thăm này, cả ông Mattarella và ông Cazeneuve đều tỏ ra quan tâm đến chiến lược "Một vành đai, Một con đường" do Trung Quốc khởi xướng và phát triển. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn than phiền về sự thiếu phối hợp giữa hai nước láng giềng châu Âu này. Cả hai nước đều nêu ra những tài sản và đóng góp của họ trong việc hoàn thiện "Con đường Tơ lụa mới”. Do đó, ông Mattarella đã nhấn mạnh đến chất lượng và vị thế của các cảng mới của Italy ở Genoa và Trieste dẫn tới trung tâm châu Âu, còn ông Cazeneuve lại nhắc tới việc ông đến thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, bằng một chuyến tàu chở hàng từ thành phố Lyon, Pháp.
Mặc dù Tổng thống Italy và Thủ tướng Pháp đều tới thăm Trung Quốc cùng thời điểm, nhưng không có cuộc họp chung hoặc các sự kiện chung nào được tổ chức. Các nhà lãnh đạo Chính phủ Pháp và Italy chủ yếu tập trung vào cách tiếp cận song phương trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng sự thành công của chiến lược trên phần lớn phụ thuộc vào khả năng quản lý các dự án đa phương của các bên tham gia.
Cần phát triển một “ngôn ngữ cầu nối”
Tất nhiên, Trung Quốc có thể có lợi khi châu Âu bị chia cắt, nhờ Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) và sự mong muốn của châu Âu đối với các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc rõ ràng sẽ tăng cường sức mạnh đàm phán của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc không nên sử dụng lợi thế này đối với châu Âu để hoàn thiện chiến lược trên.
Thứ nhất, Trung Quốc và các cường quốc châu Âu không sử dụng chung thước đo thời gian và điều này có thể ảnh hưởng đến sự tham gia của châu Âu vào chiến lược "Một vành đai, Một con đường". Trái ngược với Bắc Kinh, các chính phủ châu Âu có động lực là các khoản đầu tư và tạo thêm việc làm. Điều này có nghĩa là các nước châu Âu có thể sẽ tham gia tích cực vào sáng kiến này chỉ khi họ có thể thấy được kết quả trong vài năm tới.
Thứ hai, các nước châu Âu được hưởng lợi từ chiến lược "Một vành đai, Một con đường". Châu Âu đang bị lung lay bởi những bất ổn chính trị, đặc biệt là sự gia tăng của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và chủ nghĩa bảo hộ, được thúc đẩy bằng chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông Trump. Phong trào Mặt trận Quốc gia của Pháp, đảng cánh tả Pháp La France Insoumise (Không phục), và Movimento Cinque Stelle (Phong trào Năm Sao) của Italy đều kêu gọi gia tăng chủ nghĩa bảo hộ. Cả Pháp và Italy đều bị thâm hụt thương mại với Trung Quốc vào năm 2015 (lần lượt là 29 tỷ Euro và 18 tỷ Euro).
Nếu kim ngạch thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc trở nên mất cân bằng, các quốc gia châu Âu sẽ bị áp lực bởi dư luận và phải ngừng nhập khẩu các sản phẩm của Trung Quốc. Nhằm biến mối quan hệ đối tác mới giữa EU và Trung Quốc trở thành hiện thực, cần phải bổ sung thêm tầm nhìn mới cho sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" để cả hai khu vực đều có thể tận hưởng những lợi ích từ chiến lược này một cách nhanh chóng.
Các nước châu Âu được hưởng lợi từ chiến lược "Một vành đai, Một con đường". (Nguồn: Think Global) |
Quan hệ Trung Quốc - châu Âu cần chú ý nhiều hơn đến phiên bản kỹ thuật số của sáng kiến trên (tức hợp tác không gian mạng) và mối quan hệ hợp tác này không chỉ giới hạn trong các ngành công nghiệp truyền thống mà còn mở rộng ra cho các lĩnh vực sáng tạo khác. Hiện vẫn còn nhiều rào cản ngăn các doanh nghiệp vừa và nhỏ của châu Âu xâm nhập thị trường Trung Quốc. Ví dụ, các công ty châu Âu vẫn cần phải có giấy phép mới được tham gia vào thị trường bán lẻ trực tuyến của quốc gia châu Á này. Họ cũng lo lắng về quyền tác giả và bảo vệ bản quyền.
Giải quyết vấn đề này không yêu cầu đầu tư hoặc cơ sở hạ tầng lớn, nhưng cần một tầm nhìn mới trong quan hệ Trung-Âu để tập trung vào các dự án nhỏ. Chỉ khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ của châu Âu được thuyết phục về các cơ hội mà họ sẽ có thì các quốc gia châu Âu mới phối hợp các chính sách của họ và tài trợ một phần cơ sở hạ tầng cho chiến lược "Một vành đai, Một con đường".
Như vậy, để tạo ra “Con đường Tơ lụa mới", Trung Quốc và châu Âu cần phát triển một "ngôn ngữ cầu nối" chung để các doanh nghiệp hai bên có thể vận hành một cách dễ dàng và an toàn ở cả hai khu vực.
Trung Quốc dùng phóng viên robot đưa tin nghị trường Viễn cảnh mọi người sẽ đọc, xem các bài báo, chương trình do robot thực hiện không còn xa vời, khi các hãng thông tấn ... |
Morocco - cửa ngõ để Trung Quốc vào châu Phi? Theo bài phân tích của ông Joseph Hammond, thành viên cao cấp của Viện Truyền thông Mỹ, trên tạp chí Diplomat mới đây, quan hệ ... |
Trung Quốc "bơm" thêm hơn 57 tỷ USD vào thị trường tài chính Ngày 15/2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) đã "bơm" thêm 393,5 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 57 tỷ USD) vào 22 thể chế ... |