Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Nol Poirier đã chia sẻ như vậy với báo TG&VN nhân kỷ niệm 43 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (12/4/1973-12/4/2016).
Xin Đại sứ đánh giá về những thành tựu nổi bật của quan hệ Pháp - Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2013?
Quan hệ Đối tác Chiến lược mang tới một xung lực mới cho mối quan hệ song phương giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chiến lược, giáo dục... Cụ thể, kể từ khi quan hệ Đối tác Chiến lược được triển khai vào năm 2013, đối thoại kinh tế thường niên cấp cao giữa hai nước đã diễn ra hàng năm, mở ra cơ hội để hai bên trao đổi về những kế hoạch đang được triển khai và xác định những dự án hợp tác mới. Phiên Đối thoại lần tới sẽ diễn ra tại Pháp.
Trong khuôn khổ mối quan hệ đối tác này, hai nước cũng đã cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác đa dạng và sâu rộng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và giáo dục đại học. Con số khoảng 7.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Pháp là minh chứng sinh động cho thành công của hoạt động hợp tác giáo dục giữa hai bên.
Đại sứ Pháp Jean-Nol Poirier (trái) trong một Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác với Việt Nam. |
Quan hệ Đối tác Chiến lược cũng tạo điều kiện để hai nước đạt được sự nhất trí trên nhiều vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu. Pháp và Việt Nam đã tích cực cùng nhau đảm trách việc theo dõi thực hiện thỏa thuận đạt được tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp). Nỗ lực này cần được tiếp tục bởi Việt Nam chịu ảnh hưởng đặc biệt từ những tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tới Việt Nam, dự kiến vào tháng 6/2016 sẽ tạo ra nhiều cơ hội để hai bên đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và an ninh.
Quan hệ Đối tác chiến lược giữa Pháp và Việt Nam cũng được tăng cường thông qua những cuộc gặp gỡ cấp cao, với tần suất dày đặc trong 6 tháng qua. Chúng ta có thể kể tới các chuyến thăm Việt Nam của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Pháp Elisabeth Guigou vào tháng 12/2015 và một đoàn đại biểu Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt của Thượng viện Pháp tháng 2/2016, ít lâu trước chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Pháp tới Việt Nam. Ngoài chuyến thăm dự kiến sắp diễn ra của Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng thống Cộng hòa Pháp vừa qua cũng nhắc lại cam kết sẽ sang thăm Việt Nam trong những tháng tới.
Đại sứ có thể chỉ ra những lĩnh vực ưu tiên hợp tác của Pháp đối với Việt Nam trong thời gian tới? Chính phủ và doanh nghiệp hai nước cần làm gì để thúc đẩy phát triển thương mại và đầu tư, xứng với tiềm năng của hai bên?
Việc tăng cường và cân đối lại quan hệ kinh tế và thương mại giữa Pháp và Việt Nam là một ưu tiên. Các doanh nghiệp Pháp có thể mang tới những kinh nghiệm trong các lĩnh vực chủ chốt đối với sự phát triển của Việt Nam, như giao thông, năng lượng hoặc đô thị bền vững. Việc ký kết hợp đồng mới đây giữa hãng xe Renault và Mai Linh liên quan đến triển khai một đội xe taxi điện và thỏa thuận hợp tác giữa UBND Tp. Hà Nội và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là minh chứng cho đóng góp tích cực từ phía Pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí tại đô thị của Việt Nam.
Hơn nữa, trong bối cảnh Hội nghị về hợp tác phi tập trung Pháp-Việt sắp diễn ra tại Cần Thơ từ ngày 14-16/9 tới, việc tăng cường hợp tác phi tập trung cũng được coi là một mục tiêu hàng đầu trong quan hệ hai nước. Cuối cùng, chúng tôi mong muốn hai nước tiến hành những dự án hợp tác quan trọng khác. Như trên phương diện văn hóa, có thể kể tới dự án “Ngôi nhà Pháp” tại Tp. Hồ Chí Minh. Trong lĩnh vực giao thông, Pháp tham gia tài trợ dự án tuyến số 3 tàu điện ngầm Hà Nội, đây là một dự án quy hoạch đô thị lớn của Thủ đô.
Là một thành viên EU, Pháp có kế hoạch gì để thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA?
Trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược, Pháp đã tái khẳng định mong muốn thấy Việt Nam phát triển mối quan hệ chặt chẽ với EU. Nghị viện Pháp đã thông qua dự thảo luật phê chuẩn và Quốc hội Pháp cũng đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA) vào ngày 17/3 vừa qua.
Tôi rất vui mừng về sự ra đời của EVFTA. Đây là một Hiệp định đầy tham vọng và khi có hiệu lực sẽ tạo điều kiện để hai nước tăng cường mối quan hệ kinh tế. Việc giảm các hàng rào thuế quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trao đổi tự do giữa Việt Nam và EU. Có thể nói, Việt Nam là đất nước có tiềm năng lớn trong việc đầu tư ra nước ngoài. Trong khi đó, hiệp định này sẽ mang tới cho các nhà đầu tư châu Âu một khuôn khổ đầu tư được bảo vệ và mang tính khích lệ.
Đại sứ đánh giá như thế nào về nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Việt Nam? Pháp đã có những hỗ trợ cụ thể nào để giúp Việt Nam trong quá trình này?
Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Nước Pháp, thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đang cố gắng dành cho Việt Nam sự hỗ trợ lớn trong lĩnh vực này. AFD đã tài trợ cho Việt Nam thông qua các dự án góp phần giảm nhẹ tác động tiêu cực từ hoạt động của con người tới môi trường. Cụ thể, Pháp tài trợ Việt Nam trong công trình cải tạo bãi thải gây ô nhiễm Vịnh Hạ Long với khoản cho vay không bảo lãnh của Chính phủ lên tới 35 triệu Euro. AFD cũng giúp đỡ Việt Nam thích nghi với biến đổi khí hậu thông qua các dự án như dự án cải tạo hệ thống đê kè chống lũ lụt tại Cần Thơ. Sau cùng, AFD hỗ trợ 100 triệu Euro cho Chương trình quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (SPRCC) của Việt Nam trong giai đoạn 2010-2015.
Liên quan tới COP21, lễ ký chính thức Thỏa thuận Paris về Khí hậu sẽ được tổ chức tại New York vào ngày 22/4 tới. Buổi lễ này sẽ mở đầu cho tiến trình phê chuẩn tại mỗi nước. Sự tham gia của Thủ tướng và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam tại COP21 Paris đã được đánh giá rất cao. Tôi hy vọng rằng, Việt Nam cũng sẽ có đại diện ở cấp cao tại New York để đánh dấu sự ủng hộ chính trị cho Thỏa thuận Paris.
Xin cảm ơn Đại sứ!