Áp dụng thuế số đang trở thành vấn đề thời sự lớn của cả thế giới và sớm muộn cũng sẽ được thực hiện. |
Pháp là thành viên EU đầu tiên thông qua luật về đánh thuế vào doanh thu của những tập đoàn nước ngoài kinh doanh trên nền mạng Internet ở nước Pháp.
Loại thuế này được gọi là "Thuế số" hay "Thuế công nghệ số". Thực chất ở đây là một cách tận thu thuế. Nó xuất phát từ một thực tế là các tập đoàn này đạt được doanh thu lớn nhưng lại chỉ nộp thuế ít do lợi nhuận được chu chuyển liên quốc gia. Vì thế, loại thuế mới này được đưa ra và vận dụng theo cách suy diễn rằng đạt được doanh thu ở đâu thì phải nộp thuế ở đó.
Ý tưởng "thoả thuận toàn cầu"
Việc áp dụng thuế này đang trở thành vấn đề thời sự lớn của cả thế giới và sớm muộn rồi cũng sẽ được thực hiện ở mọi nơi trên thế giới. Nhưng hiện tại, cả trong G7 lẫn G20 hay trong EU đều chưa có được sự đồng thuận cần thiết để có thể có được những thoả thuận chung liên quan.
Hồi tháng 3 vừa qua, EU đã thất bại với ý định thông qua quy định chung cho tất cả các thành viên EU về áp dụng loại thuế này vì không có được sự nhất trí của tất cả các thành viên. Sau đó, EU đã tự an ủi bằng việc tung ra ý tưởng đạt "thoả thuận toàn cầu" về việc này. Còn Pháp và Đức dự định nhất trí về quy định áp dụng chung cho 2 nước. Trong bối cảnh tình hình như thế, ngày càng có thêm nhiều thành viên EU không muốn chờ đợi đến khi EU có quy định chung mà chủ trương thực hiện ngay việc đánh thuế này, đi đầu là Pháp, sau đấy là những thành viên như Tây Ban Nha, Italy, Áo và Anh.
Thật ra, không thành viên nào của EU không đồng tình với việc đánh thuế này nhưng điều khiến nhiều thành viên EU hiện còn khá ngần ngại là thuế ấy nhằm vào tất cả các hãng nhưng trước hết và chủ yếu nhằm vào các tập đoàn lớn của Mỹ là Amazon, Google, Facebook và Apple. Cũng vì thế mà loại thuế này còn được gắn cho cái biệt danh là Thuế AGFA. Họ ngại Mỹ nên còn chần chừ và chờ đợi. Mỗi nước có cách tính thuế khác nhau. Riêng Pháp áp dụng mức thuế 3%, lại còn truy thu từ ngày 1 tháng 1 năm nay. Chính phủ Pháp ước tính sẽ thu về được từ 400 đến 500 triệu Euro.
Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Bộ thương mại Mỹ xem xét tác động và thiệt hại đối với doanh nghiệp Mỹ, đi bước đi đầu tiên hướng tới áp dụng những biện pháp trả đũa Pháp về thương mại. Gây xung khắc thương mại với đối tác khác và áp dụng những biện pháp trừng phạt đối tác lại là những việc ông Trump vốn rất thích và hay làm, giờ lại còn buộc phải làm để trả đũa Pháp.
Có thể trù liệu được là phản ứng từ phía ông Trump sẽ còn quyết liệt hơn vì ba lý do.
Thứ nhất, chính trong bối cảnh tình hình hiện tại ở nước Mỹ và quan hệ của Mỹ với các đối tác bên ngoài, ông Trump càng cần đến những tác động của việc trả đũa Pháp để duy trì hình ảnh kiên định, trung thành với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết".
Thứ hai, ông Trump phải mạnh tay trả đũa Pháp để răn đe các đối tác khác, ngăn chặn họ dùng Pháp làm tiền lệ và "sự đã rồi" (fait accompli) để làm theo Pháp gây bất lợi cho Mỹ.
Thứ ba, ông Trump vốn luôn chủ động áp thuế đối với nước khác để buộc các nước này nhượng bộ Mỹ nên giờ càng khó chấp nhận bị nước khác áp thuế đối với doanh nghiệp Mỹ và sẽ làm mọi cách, trả mọi giá để không cho các nước khác dùng đúng chiêu sách của ông Trump đánh vào các hãng của Mỹ.
Mưu tính của ông Macron
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không phải không lường trước cách thức, hình thức và mức độ phản ứng của phía Mỹ và cá nhân ông Trump mà chủ ý bất chấp phản ứng ấy khi thúc đẩy việc này ở Pháp. Mưu tính của ông Macron với việc này có thể được chỉ rõ ở những khía cạnh sau.
Thứ nhất là cái lợi hiện diện trong dạng "tiền tươi thóc thật" đối với nước Pháp. Chỉ riêng với biện pháp này thôi mà thu về hàng năm khoản tiền lớn đến thế sẽ là thành quả cầm quyền rất có ý nghĩa đối với ông Macron. Tác động kinh tế, chính trị xã hội và dân tuý của việc ấy rất đáng kể ở nước Pháp. Thể hiện bản lĩnh và coi trọng lợi ích quốc gia trong xử lý quan hệ của Pháp với Mỹ và với cá nhân ông Trump sẽ giúp ông Macron nâng cao được đáng kể uy tín và độ tin cậy trong dân chúng ở Pháp.
Thứ hai là nắm bắt xu thế và đi trước thời cuộc. Ông Macron chắc đã nhận thấy rằng việc áp dụng loại thuế mới này là không còn tránh khỏi trên thế giới, vấn đề chỉ là sớm hay muộn, ở nơi này hay nơi kia trước hết và cấu trúc loại thuế này như thế nào thôi. Vì thế, nếu Mỹ trả đũa Pháp chỉ vì phía Pháp áp dụng loại thuế mới này thì rồi Mỹ sớm muộn cũng sẽ bị cô lập trên thế giới bởi khi tất cả các nước đều áp dụng thì làm sao ông Trump lại có thể trả đũa tất cả các nước trên thế giới được.
Thứ ba là mượn dịp phất cờ trong EU. Pháp là thành viên EU đi đầu trong việc này, mở đường và khích lệ cho các thành viên khác làm theo. EU hiện vốn trắc trở quan hệ với Mỹ và nội bộ EU không có sự đồng thuận quan điểm về quan hệ với Mỹ. Ông Macron dùng việc này làm chiêu thức tập hợp lực lượng trong EU, giành về vai trò dẫn dắt EU trên phương diện EU hiện như rắn không đầu và trong vòng luẩn quẩn mãi không thoát ra được.
Ông Macron sử dụng việc này để gây dựng vai trò lãnh đạo EU. Điều này đã được thể hiện ở quá trình EU tìm chọn nhân sự cho 5 cương vị quyền lực nhất trong bộ máy thể chế EU. Ông Macron đã chơi trên cơ thủ tướng Đức Angela Merkel khi phủ quyết đề nghị nhân sự được bà Merkel dàn xếp trong hậu trường cho cương vị Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (ông Manfred Weber) nhưng đồng thời lại tiến cử một người Đức vào cương vị ấy (bà Ursula von der Leyen), bây giờ lại đi đầu trong EU với việc áp dụng loại thuế mới và đi đầu trong việc đối phó Mỹ cản phá việc áp dụng loại thuế mà rồi EU cũng sẽ phải áp dụng.
Ở đây, không phải ông Macron đã cướp cờ mà chỉ mượn dịp để phất cờ.
Dịch Dung