TIN LIÊN QUAN | |
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ | |
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chào Tổng thống Ấn Độ và dự Đối thoại Delhi lần thứ 9 |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh tham dự khai mạc Đối thoại Delhi lần thứ 9. (Nguồn: TTXVN) |
Thưa Bà Sushma Swaraj, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ
Thưa các vị khách quý,
Thưa quý ông, quý bà,
Trước hết, tôi xin cảm ơn Bà Bộ trưởng Sushma Swaraj đã dành cho tôi vinh dự đặc biệt được phát biểu tại diễn đàn danh tiếng này. Đối thoại Dehli năm nay với chủ đề “Quan hệ ASEAN - Ấn Độ: chặng đường 25 năm tới” diễn ra đúng vào thời điểm ASEAN và Ấn Độ kỷ niệm 25 năm Quan hệ Đối thoại và 5 năm Quan hệ Đối tác chiến lược. Đây là dịp để chúng ta bắt đầu hình dung về tương lai lâu dài của mối quan hệ đặc biệt này, và đó cũng là một sứ mệnh quan trọng của chúng ta - những nhà hoạch định, thực thi chính sách và các học giả - tại Đối thoại lần này.
Quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ đã đi qua chặng đường một phần tư thế kỷ, song đó chỉ là một khoảng thời gian ngắn trong lịch sử hàng ngàn năm của mối quan hệ giữa nhân dân các quốc gia Đông Nam Á và nhân dân Ấn Độ. Ấn Độ đã để lại dấu ấn đặc biệt tại Đông Nam Á qua hình ảnh một đất nước hòa bình, một nền văn hóa lâu đời và đặc sắc. Giao thoa giữa Ấn Độ và Đông Nam Á trong quá trình hưng thịnh và nâng cao bản sắc văn hóa của cả hai bên góp phần đặt nền móng cho sự tin cậy và gắn bó giữa Ấn Độ và ASEAN ngày nay.
Khi chúng ta chuẩn bị bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ 21, mối quan hệ đối tác ASEAN- Ấn Độ lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể làm được nhiều điều lớn lao với mối quan hệ này. Tôi đánh giá cao việc Thủ tướng Modi đã khẳng định ASEAN là trọng tâm trong “Chính sách Hành động hướng Đông” của Ấn Độ và hai bên chia sẻ các mối liên kết lịch sử, sự gần gũi về địa lý, sự giao thoa văn hóa và không gian chiến lược chung.
Thưa quý vị và các bạn
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến những chuyển dịch mạnh mẽ về địa chính trị và địa kinh tế. Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là đầu tàu của kinh tế thế giới song môi trường an ninh khu vực có nhiều bất định rủi ro, từ cạnh tranh quyền lực, nguy cơ tranh chấp thương mại đến các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống... Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ thay đổi căn bản kinh tế thế giới. Thế giới đang hướng tới trật tự đa cực mà không một nước nào có thể chi phối. Chính trong một thế giới đang thay đổi mạnh mẽ như vậy, những quốc gia như các nước chúng ta có thể và cần đóng vai trò quan trọng hơn tại khu vực và trên quốc tế. ASEAN và Ấn Độ cùng chia sẻ những lợi ích lớn về chính trị, kinh tế và xã hội ở châu Á - Thái Bình Dương. Chúng ta có thể và cần đóng vai trò quan trọng hơn nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên toàn cầu.
Trong một viễn cảnh như vậy, điều lạc quan là những dự báo, kịch bản về thế giới đều hội tụ ở một điểm: Thế kỷ này, Thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương và châu Á - Thái Bình Dương sẽ là trọng tâm của của kinh tế toàn cầu. Đến năm 2030, Ấn Độ là cường quốc kinh tế lớn thứ ba và khối ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới. Trong một tương lai thay đổi to lớn song cũng đầy lạc quan đó, chúng ta hãy cùng định vị mối quan hệ ASEAN - Ấn Độ.
Trước hết, chúng tôi tin tưởng rằng ASEAN và Ấn Độ sẽ cùng nhau tạo dựng một không gian phát triển năng động về kinh tế, dựa trên sự kết nối chặt chẽ về hạ tầng, kết nối số và kết nối hàng hải, trao đổi thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân. Chúng ta sẽ hợp tác hiệu quả để tranh thủ các cơ hội đặt ra, trở thành nhân tố trung tâm thúc đẩy xây dựng một cấu trúc khu vực mở, cân bằng, dựa trên luật lệ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hợp tác ASEAN - Ấn Độ sẽ là nhân tố then chốt trong câu chuyện thành công của Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương.
Tôi xin chia sẻ sau đây một vài suy nghĩ về các bước đi sắp tới của hợp tác ASEAN - Ấn Độ:
Thứ nhất, về chính trị-an ninh.
ASEAN ủng hộ Ấn Độ đóng vai trò to lớn hơn với tư cách là một cường quốc hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. ASEAN mong muốn tăng cường phối hợp cùng Ấn Độ để ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên, xây dựng một cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm.
ASEAN là cửa ngõ của Ấn Độ vào Thái Bình Dương. Sự thịnh vượng của ASEAN và Ấn Độ tùy thuộc nhiều vào an ninh và ổn định của các tuyến giao thương không bị cản trở ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Chúng tôi hoan nghênh những đóng góp tích cực gần đây của Ấn Độ và đề nghị Ấn Độ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải hàng không, thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) hiện nay và Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong tương lai. ASEAN cũng mong muốn Ấn Độ chia sẻ kinh nghiệm giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình và hỗ trợ ASEAN tăng cường năng lực xử lý các vấn đề trên biển.
Thứ hai, về kinh tế.
ASEAN và Ấn Độ cùng chia sẻ những lợi ích chung trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư. Trao đổi thương mại giữa ASEAN và Ấn Độ đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2005-2016, đạt 56,3 tỉ USD năm 2016. Đầu tư của Ấn Độ vào ASEAN tăng 164% trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2016. Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới. Các nhà đầu tư và người tiêu dùng tại ASEAN và Ấn Độ đứng trước cơ hội chưa từng có trong một thị trường 1,8 tỉ dân, tổng GDP 4,5 ngàn tỉ USD. Doanh nghiệp Ấn Độ có thể tiếp cận thị trường ASEAN thống nhất với quy mô gần 650 triệu dân, liên kết cao với các nền kinh tế hàng đầu trong khu vực thông qua mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Hội nhập kinh tế sâu rộng hơn là yếu tố căn bản đối với thịnh vượng của các quốc gia. Ấn Độ đã hội nhập sâu rộng vào khu vực Đông Á và đóng vai trò quan trọng tại các sáng kiến tiểu khu vực. Ấn Độ và ASEAN cần khai thác tiềm năng lớn để tạo ra các chuỗi giá trị khu vực, trở thành động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực. Chúng ta có thể biến sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” trở thành “Cùng sản xuất tại Ấn Độ và ASEAN”.
Cùng chia sẻ mục đích về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, các nước ASEAN hoàn toàn có thể là đối tác hàng đầu của Ấn Độ trong việc thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua các mối hợp tác về phát triển nông nghiệp, công nghệ xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin.
Như thực tế đã chứng minh, các tiềm năng to lớn này chỉ có thể được hiện thực hóa trên cơ sở kết nối chặt chẽ hơn giữa ASEAN và Ấn Độ. Chúng tôi đã xây dựng Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN. ASEAN mong muốn Ấn Độ là một phần quan trọng của Kế hoạch này. Hai bên cần tích cực triển khai các dự án đường cao tốc, cảng biển, sớm hoàn tất đàm phán các Hiệp định vận tải biển và hàng không. Khoản tín dụng 1 tỷ USD mà Tổng thống Ấn Độ đã công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ năm 2015 là nguồn lực hỗ trợ quan trọng cho các hoạt động hợp tác này.
Thứ ba, hai bên cần thúc đẩy hợp tác về giáo dục, du lịch, trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ hai bên. Những mối liên hệ về lịch sử và văn hóa hàng ngàn năm có thể giúp chúng ta vun đắp cho quan hệ Đối tác chiến lược giữa ASEAN và Ấn Độ. Tôi mường tượng về một hành trình chung nối các không gian văn hóa, tâm linh đặc sắc của Đông Nam Á và Ấn Độ. Việc kết nối Angkor Wat của Campuchia, Borobudur của Indonesia, Wat Phu của Lào, Bagan của Myanmar, Sukhothai của Thái Lan và thánh địa Mỹ Sơn của Việt Nam với những miền đất quê hương của nền văn minh Ấn Độ sẽ không chỉ thúc đẩy trao đổi du lịch giữa nhân dân hai bên mà còn là sự quảng bá tuyệt vời đối với thế giới bên ngoài.
Thưa Quý vị,
Là nước điều phối quan hệ Đối tác ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam tự hào về sự phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai bên, nhất là sự tham gia tích cực của Ấn Độ trong các vấn đề an ninh khu vực, an ninh biển, hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, thúc đẩy kết nối khu vực. Việt Nam đã và sẽ làm hết sức mình để cùng các nước thúc đẩy mối quan hệ này và hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025 trong sự gắn kết với Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ.
Để kết thúc, tôi xin nhắc lại lời của Mahatma Gandhi, một người mà tôi hết sức kính trọng và ngưỡng mộ. Ông từng nói “Sức mạnh không đến từ cơ bắp. Sức mạnh có được từ một ý chí không chịu khuất phục”. Để thúc đẩy quan hệ Đối tác ASEAN - Ấn Độ, chúng ta cần có một tầm nhìn chiến lược hướng tới những hành động cụ thể, và hơn tất cả, một quyết tâm mạnh mẽ từ “ý chí không chịu khuất phục” để hiện thực hóa tầm nhìn đó.
Xin chúc Đối thoại Delhi lần thứ 9 thành công.
Cảm ơn Quý vị và các bạn.
Khai mạc cuộc Đối thoại Delhi lần thứ 9 Chiều 4/7, cuộc Đối thoại Delhi lần thứ 9 (Đối thoại Delhi 9) đã khai mạc tại khách sạn Taj Palace ở trung tâm thủ ... |
Hoạt động của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh tại Ấn Độ Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thăm chính ... |
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ thăm chính thức Ấn Độ Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushama Swaraj, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ thăm chính ... |