Nhỏ Bình thường Lớn

Phát Diệm – Bái Đính: Một mẩu chuyện lương giáo

Ninh Bình, cách đây mấy năm, đoàn Quỹ Thụy Điển – Việt Nam phát triển văn hóa, chúng tôi, nhân dự lễ Phật Đản, trao tặng một bộ nhạc cụ truyền thống cho năm chục em mồ côi và nhà nghèo được ni cô chùa Đông Trang (Hoa Lư) nuôi và cho ăn học. Sau đó, ni cô Diệu Nhân xin đi cùng chuyến xe chúng tôi đến một trung tâm Phật giáo đang xây dựng ở Bái Đính.
phat diem bai dinh mot mau chuyen luong giao
Nhà thờ Phát Diệm. (Nguồn: Emeralda)

Trên đường đi, chúng tôi rẽ vào xứ đạo Phát Diệm để tặng một bộ kèn đồng cho ban nhạc nhà thờ. Cha xứ giữ đoàn ở lại ăn trưa: trước khi ăn, cha làm dấu câu rút và tạ ơn Chúa, còn ni cô thì chắp tay a di đà Phật. Khi đoàn từ biệt lên xe, cha lại cho một cán bộ giáo dân đi theo đoàn viếng Bái Đính. Cảnh giao lưu lương – giáo như vậy không thể có vào thời Pháp thuộc, nhất là không thể tưởng tượng nổi cách đây hơn một thế kỷ rưỡi ở Kim Sơn, một trung tâm truyền đạo ở ta từ mấy trăm năm.

Năm 1833, vua Minh Mạng ra lệnh bài trừ Công giáo trong cả nước. Thí dụ: Trong Nam một giáo phận, chỉ qua vài ngày 300 nhà thờ bị phá, 18 nhà tu kín bị giải tán, 6 vạn giáo dân phải trốn tránh. Tiếp đó trong 40 năm, 8 giám mục và 20 nhà truyền giáo người Âu bị giết, hơn hai chục bị phanh thây (theo giám mục Depierre). Sự tàn sát ấy là cớ để thực dân Pháp can thiệp và cũng là lý do khiến nhiều giáo dân theo Pháp để được bảo vệ sinh mạng. Và từ khi Pháp đánh Đà Nẵng (1858) cho đến khi đất nước thống nhất, cái hậu lương – giáo vẫn tồn tại. Từ sau “Đổi Mới” 1986, vấn đề dần dần thoáng hơn cả về hai phía.

Trở lại Phát Diệm, tôi đến nơi đây lần đầu tiên vào hồi kháng chiến chống Pháp, khi ta còn giữ được khu Ba. Khoảng năm 1947-1948, ta bắn rơi một máy bay Pháp. Tôi đang làm báo tiếng Pháp địch vận Létincelle và là Chủ tịch văn hóa kháng chiến Nam Định, chúng tôi đem chiến lợi phẩm (rượu, bánh) trong máy bay tặng cho giám mục Lê Hữu Từ. Sau chuyến đi đó, chỉ vài lần qua Phát Diệm, có lần này ở khá lâu và được cha xứ trẻ, cởi mở dẫn đi giới thiệu kỹ mới thấy hết giá trị của quần thể nhà thờ Phát Diệm, xây dựng những năm 1875-1899 (Nhà thờ Lớn xong năm 1891). Người xây là linh mục Trần Triêm (1825-1899), gốc Nga Sơn (Thanh Hóa) thường dược gọi là Cha Sáu hay Trần Lục (Pere Six). Vì muốn là linh mục thì phải qua bảy chức, cha khi bị bắt lên Lạng Sơn mới có 6 chức (sau được phong đặc cách), 34 năm cuối đời làm cha xứ Phát Diệm. Theo Hoàng Đạo Thúy, Trần Lục được Pháp phong làm khâm sai đi đánh dẹp ở Ba Đình. Chính kiến gác sang một bên, quần thể kiến trúc Phát Diệm do ông nghĩ ra và thực hiện với bao công sức trong mấy chục năm quả là một đóng góp quý giá cho di sản văn hóa Việt Nam (di tích đã được Bộ Văn hóa xếp loại). Công trình này có thể coi là một điển hình cho tiếp biến văn hóa Đông Tây, hội thoại nghệ thuật giữa nhiều tôn giáo tín ngưỡng (đạo Thiên Chúa, đạo Phật, Khổng học, Lão học). Nhìn chung là kiến trúc đình chùa và cung điện Việt Nam, Trung Quốc (hồ trước mặt như ao trước đình, mái cong, gác chuông có chuông chùa, hệ thống kèo và cột gỗ lim, cung thánh sơn son thếp vàng, nhiều mô típ trang trí kết hợp tùng, cúc, trúc, mai), hình âm dương để thể hiện sự thống nhất Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con trong Đức Chúa Thánh Thần, chấn song đá hình cây tre hay những con tiện gỗ ở các chùa, chữ Nho). Nhưng dĩ nhiên vì là nhà thờ đạo Thiên Chúa nên công trình cũng thể hiện kiến trúc và trang trí tôn giáo với những đề tài phương Tây (cấu trúc bên trong nhà thờ với ban thờ, bục giảng cao, những hàng ghế cho con chiên, động Chúa sinh...), dáng dấp kiến trúc nhà thờ Rô-man (style Roman). Quần thể kiến trúc gồm có hồ, bốn nhà thờ nhỏ, hai hang đá, núi Sọ và nổi bật là Phương Đình, Nhà thờ Lớn và Nhà thờ Đá. Trước khi đến Nhà thờ Lớn phải qua Phương Đình, được dư luận đánh giá là tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất quần thể. Đó là nhà gác chuông có ba tầng. Tài liệu chính thức có chỗ dịch sang tiếng Pháp là: Maison Communale (Phương Đình) Carrée (Đình vuông) và giải thích là kiến trúc giống đình làng. Tôi ngờ ngợ vì chữ Nho: Phương Đình có nghĩa là: Nhà vuông (như trường dạy học của cụ Nguyễn Văn Siêu cũng là phương đình), đình làng ta thì không vuông. Nhà thờ Lớn dài 74m, rộng 21m, quả thật là một công trình đồ sộ có 4 mái và 6 hàng cột gỗ lim, 16 cột ở 2 hàng giữa cao 11m, chu vi 2,35m, gỗ son thếp vàng chạm trổ công phu. Người ngoài thường gọi nhầm Nhà thờ Lớn là Nhà thờ Đá Phát Diệm là không đúng. Nhà thờ Đá nhỏ hơn nhiều, ở sân Nhà thờ Lớn (bên trái) toàn làm bằng đá, cột, xà, tường, tháp...

Với phương tiện thô sơ cách đây hơn trăm năm, xây quần thể Phát Diệm là một kỳ công. Để xây móng trên đất lầy cần đóng hàng triệu cọc tre. Phải mất chục năm tích lũy vật liệu trước khi khởi công, chở cây gỗ lim nặng 7 tấn suốt 200km (Nghệ An, Thanh Hóa), đá tảng từ 30-60km theo tuyến sông đào.

Rời khỏi Phát Diệm, xe băng qua những cánh đồng lúa xanh bát ngát của Kim Sơn, chúng tôi nghĩ đến công lao của doanh điền xứ Nguyễn Công Trứ. Không có cụ làm gì có Phát Diệm trù phú ngày nay.

Hữu Ngọc