📞

Phát hiện vi khuẩn bệnh sốt mò gây chết người ở Nam Mỹ

16:12 | 08/09/2016
Sốt mò - một căn bệnh nguy hiểm chết người phổ biến ở khu vực Đông Nam Á do vi khuẩn gây ra và truyền sang người thông qua trung gian là ấu trùng mò, đã xuất hiện tại Nam Mỹ. 

Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Y học New England ngày 7/9, nhóm các nhà khoa học đến từ trường Đại học Oxford (Anh), Đại học Thiên chúa giáo và Đại học Phát triển (Chile), xác định căn bệnh nhiệt đới từng cướp đi sinh mạng của ít nhất 140.000 người/năm tại châu Á - Thái Bình Dương này đã xuất hiện tại Chiloe, một hòn đảo lớn ngoài khơi Chile, tức là cách "khu vực truyền thống" ở bên kia bờ Thái Bình Dương khoảng 12.000km.

Vi khuẩn Orientia tsutsugamushi. (Nguồn: Getty) 

Bệnh sốt mò từng được biết đến cách đây nhiều năm, nhưng phải đến khoảng những năm 1916-1921, người ta mới xác định được ấu trùng mò là trung gian truyền bệnh và tới năm 1930, một giáo sư người Nhật mới phân lập vi khuẩn Orientia tsutsugamushi gây bệnh này ở trong máu bệnh nhân. Bệnh truyền ngẫu nhiên sang người khi bị ấu trùng mò nhiễm R.orientalis đốt, khiến người bệnh ớn lạnh, đau đầu, sốt cao, nổi hạch và bị các vết loét trên cơ thể cũng như trên mí mắt. Ấu trùng mò nhiễm R.orientalis sẽ xâm nhập vào hệ bạch huyết gây viêm hạch, đồng thời xâm nhập vào máu gây viêm nội mạc huyết quản toàn thân, khiến các phủ tạng tổn thương, viêm nhiễm.

Trước đây, bệnh sốt mò đã được khoanh vùng tại một khu vực có tên gọi "tam giác tsutsugamushi", trong đó Pakistan là đỉnh phía Tây, vùng Viễn Đông Nga là đỉnh phía Đông và phía Nam là miền Bắc Australia. Nhưng năm 2006, đã có 2 trường hợp nhiễm bệnh sốt mò ở ngoài khu vực tam giác trên, 1 tại Trung Đông do một loài vi khuẩn có họ với Orientia tsusutgamushi gây ra và 1 tại đảo Chiloe. Vào tháng 1/2015 và những ngày đầu năm nay, đã có thêm 3 trường hợp nhiễm bệnh sốt mò tại Chiloe.

(tổng hợp)