📞
KỶ NIỆM 77 NĂM QUỐC KHÁNH 2/9 VÀ NGÀY THÀNH LẬP NGÀNH NGOẠI GIAO 28/8:

Phát huy sức mạnh tổng hợp của ngoại giao Việt Nam

Vũ Hải Hà 09:30 | 31/08/2022
Trong bối cảnh mới nhiều thách thức, các hoạt động đối ngoại cần phát huy thế mạnh của từng trụ cột đối ngoại và sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam để triển khai đồng bộ, hiệu quả, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra tầm nhìn, mục tiêu, phương hướng phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI, trong đó, về công tác đối ngoại, Đại hội tiếp tục khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Góp phần gia tăng thế và lực của đất nước

Đối ngoại luôn đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, góp phần tạo nên những thắng lợi to lớn, từ thế trận đánh đàm đưa đến thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến phá thế bị bao vây, cấm vận, khơi thông, mở rộng quan hệ với các đối tác, đưa các mối quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo nên môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển và bảo vệ đất nước.

Sau hơn 35 năm mở cửa, đổi mới, hội nhập, đối ngoại Việt Nam ngày càng chủ động, tích cực, đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng. Cho đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia trên thế giới; là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế lớn và ngày càng có nhiều đóng góp có trách nhiệm vào công việc chung của khu vực và thế giới; Quốc hội Việt Nam có quan hệ với hầu hết quốc hội, nghị viện các nước thành viên Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và tham gia tích cực tại nhiều diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế.

Trong 77 năm qua, ngành Ngoại giao luôn đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, làm cho “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh.

Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 12/2021 đã một lần nữa khẳng định vị thế, vai trò của công tác đối ngoại, một trong những ưu tiên quan trọng trong tổng thể chiến lược xây dựng, bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới. Bối cảnh mới đòi hỏi sự đổi mới liên tục, mang tính chiến lược, đột phá về nhận thức, chủ trương và những cách làm mới nhằm phát huy vị trí tiên phong của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.

Kết hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng

Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động nhanh chóng, khó lường, các thách thức an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống ngày càng gia tăng, công tác đối ngoại cần tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên tất cả các trụ cột đối ngoại, từ trung ương tới địa phương, nhằm đạt được sự thống nhất trong nhận thức và hành động để đối ngoại tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Đối ngoại trong bối cảnh chiến lược mới đòi hỏi sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó có nòng cốt là Bộ Ngoại giao và các cơ quan đối ngoại như Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với tư tưởng chỉ đạo, nguyên tắc, phương hướng, nhiệm vụ đặt ra cho công tác đối ngoại, quán triệt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, các hoạt động của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gắn kết với ngành Ngoại giao, tiếp tục triển khai với tinh thần chủ động, sáng tạo, triển khai từ sớm, từ xa trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội theo luật định, bám sát Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 161/2021/QH14 ngày 09/4/2021 của Quốc hội; chú trọng xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và giám sát thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế; thúc đẩy, giám sát triển khai công tác biên giới lãnh thổ và việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); quyết định các vấn đề quan trọng về đối ngoại của Nhà nước và tổ chức triển khai các hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong khuôn khổ song phương, đa phương.

Hội nghị phối hợp triển khai công tác đối ngoại năm 2022. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đặc biệt, đối ngoại Quốc hội phát huy vai trò gắn kết giữa ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân để phát huy tối đa tính đặc thù-lợi thế của ngoại giao nghị viện cũng như hiệu quả sức mạnh tổng hợp trong việc đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác theo các mức độ ưu tiên trong quan hệ.

Với đặc thù vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính nhân dân, đối ngoại Quốc hội cùng với ngành Ngoại giao cần phát huy vai trò tiên phong, chú trọng thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội/Nghị viện các nước theo ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ta, tranh thủ sự ủng hộ của Nghị viện, nghị sĩ và chính giới các nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc; góp phần tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trên kênh hợp tác đa phương, đối ngoại Quốc hội tiếp tục kết nối, phối hợp chặt chẽ với ngoại giao Nhà nước nhằm đạt sự thống nhất cao về chủ trương, quan điểm đối với các nội dung nghị sự thuộc ưu tiên của ta; triển khai hiệu quả Chỉ thị 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư; nâng tầm đối ngoại đa phương, tích cực, chủ động, sáng tạo trong tham gia và nâng cao vai trò của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế nghị viện đa phương then chốt như AIPA, IPU, APPF, ASEP, APF cũng như chuẩn bị tốt cho sự tham gia của Quốc hội Việt Nam trong khuôn khổ các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới.

Triển khai Chỉ thị mới của Ban Bí thư về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, các cơ quan đối ngoại, trong đó có đối ngoại Quốc hội sẽ chú trọng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các cơ quan đối ngoại cần tăng cường phối hợp và đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược trong lĩnh vực đối ngoại; nâng cao hiệu quả cơ chế điều hòa, phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan Đảng, Chính phủ trong triển khai các hoạt động đối ngoại; tăng cường công tác thông tin đối ngoại ở trong và ngoài nước; chú trọng công tác xây dựng đội ngũ làm công tác ngoại giao nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Ngoại giao, với sự kết hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam sẽ được tăng cường, hướng tới mục tiêu “cao hơn về chất lượng hiệu quả, sâu rộng hơn về lĩnh vực và lực lượng tham gia, đồng bộ chặt chẽ hơn về phối hợp, chủ động tích cực hơn trong triển khai”, qua đó hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước theo đường lối Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.