Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với Liên hiệp Hội địa phương ở 62 tỉnh, thành phố, trong đó có điểm cầu ở Liên hiệp Hội thành phố Đà Nẵng và Hải Phòng.
Hội thảo “Phát triển bền vững kinh tế biển đảo trong bối cảnh dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu” tại đầu cầu Hà Nội. (Nguồn: Báo Công Thương) |
PGS.TS. Phạm Quang Thao - Phó Chủ tịch VUSTA cho biết, mục đích của Hội thảo là “tạo diễn đàn cho các tổ chức thành viên ở trung ương và địa phương của VUSTA, các nhà khoa học trao đổi các vấn đề và giải pháp bền vững kinh tế biển trước tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, góp phần thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW”.
Theo PGS.TS. Phạm Quang Thao, Nghị quyết 36-NQ/TW ban hành ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được triển khai hơn 3 năm với nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tầm nhìn và tư duy mới của Nghị quyết đã đem đến kỳ vọng cho nhiều địa phương, nhiều ngành kinh tế biển về sự phát triển lớn mạnh và bền vững. Việc thể chế hóa Nghị quyết đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện quyết liệt.
Trước thách thức ngày càng lớn của biến đổi khí hậu và bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp trong thời gian qua có tác động lớn đối với việc triển khai các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế biển nói riêng.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam đã cùng nhau tập trung thảo luận về các nội dung như: Nhìn lại 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng nội lực khoa học và công nghệ biển Việt Nam và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay; phát triển điện gió ngoài khơi, chuỗi cung ứng và cảng biển ở Việt Nam: Tiềm năng phát triển, cơ hội, thách thức và giải pháp; phát triển nuỗi thủy sản trên biển ở Việt Nam trong quy hoạch tích hợp không gian biển.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS.Nguyễn Chu Hồi - đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF) nhận định, các kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế quốc dân, ổn định chính trị - xã hội; bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích biển của nước ta; góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước.
Theo đó, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên; cơ cấu ngành nghề bước đầu thay đổi theo hướng chuyển dần từ kinh tế biển “nâu” sang “xanh”, cùng với sự chuẩn bị và thúc đẩy một số lĩnh vực/ngành nghề kinh tế mới, triển vọng.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 nhưng biển và vùng ven biển vẫn đóng góp lớn vào xuất khẩu, thu ngoại tệ, chuỗi cung ứng được giữ vững. Kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng mở, bước đầu đã xây dựng được một số khu kinh tế ven biển, đảo - là các trung tâm kinh tế hướng biển. Đã có bước phát triển mới ở một số đảo, vai trò “kinh tế đảo” tăng lên rõ rệt, kết cấu hạ tầng trên đảo được tăng lên rõ rệt. Công tác quốc phòng, an ninh trên biển đảo được tăng cường kể cả về đội ngũ, trang thiết bị và khả năng tác chiến; chủ quyền quốc gia được giữ vững; nhiệm vụ phát triển kinh tế biển gắn với phát triển an ninh quốc phòng, an ninh được quan tâm thực hiện….
Các đại biểu cũng đưa ra nhiều nội dung cụ thể để VUSTA tập hợp và kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền, đóng góp thiết thực vào việc tiếp tục triển khai và hiện thực hóa tinh thần của Chiến lược biển Trung ương đã đề ra tại Nghị quyết 36-NQ/TW; đồng thời, mở ra nhiều cơ hội mới cho sự hợp tác trong và ngoài hệ thống VUSTA trong thời gian tới.