Một nửa dân số thế giới hiện đang sống tại các thành thị. Điều này tăng áp lực lên không gian xanh vốn đã hạn chế của đô thị.
Nhiều đô thị đang chứng kiến sự suy giảm không gian xanh. Để đảo ngược xu hướng này và đảm bảo những lợi ích do không gian xanh mang lại, các hoạt động thiết thực rất cần được tiến hành.
Không gian xanh ở đô thị là rất cần thiết cho cuộc sống người dân. (Nguồn: AP) |
Hiện nay, do sự phát triển và tác động của con người, khí hậu bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, thời tiết bất thường cộng với nhiều nguồn ô nhiễm, tất cả đang gây ra cho con người nhiều vấn đề về sức khỏe. Do đó, việc cung cấp đủ không gian xanh trong đô thị là vô cùng quan trọng.
Thu hút cộng đồng tham gia
Chương trình nghị sự đô thị mới của Mỹ kêu gọi tăng diện tích xanh công cộng. Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc cam kết “cung cấp khả năng tiếp cận các không gian xanh nơi công cộng, đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật”.
Một báo cáo gần đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổng kết các biện pháp làm tăng không gian xanh, từ những hàng cây trên đường phố, các vườn nhỏ đến những khoảng không lớn hơn như công viên và các vành đai xanh. Báo cáo cho thấy các nhà quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn vượt ra ngoài các công viên truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu về không gian xanh tại các đô thị đang phát triển.
Báo cáo cho thấy việc mở rộng không gian xanh đô thị sẽ có hiệu quả nhất khi hoạt động cải tạo môi trường có sự tham gia của cộng đồng dân cư.
Một ví dụ về mở rộng không gian xanh đô thị trong báo cáo của WHO là dự án Con đường xanh của cộng đồng dân cư vùng Connswater (Bắc Ireland). Dự án đã thu hút được người dân tham gia trồng cây xanh, do đó đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng địa phương. Dự án được coi là một khoản đầu tư dài hạn, do đó một kế hoạch quản lý 40 năm cho Con đường xanh đã được phát triển.
Dự án Con đường xanh vùng Connswater (Bắc Ireland) có sự tham gia của cộng đồng dân cư. (Nguồn: The Conversation) |
Công viên rừng ở Milan
Một số thành phố trên thế giới đã làm rất tốt công tác phát triển không gian xanh.
Thành phố Milan (Italy) là một trong những đô thị phát triển nhất châu Âu. Sau Cách mạng công nghiệp (đầu thế kỷ 19), xung quanh Milan có vô số khu công nghiệp và rất thiếu không gian xanh khiến chính quyền vô cùng lo ngại.
Năm 1995, chính quyền thành phố Milan thông qua bản quy hoạch đô thị, trong đó một phần quan trọng là quy hoạch hệ thống công viên cây xanh. Trọng tâm là dự án phát triển 9 công viên lớn ở trung tâm thành phố, kết hợp với hệ thống các quảng trường và vườn hoa trên khắp thành phố.
Các hệ thống này được kết nối với nhau nhờ các đại lộ cây xanh. Do quy hoạch hợp lý, hệ thống này khiến cho người đi lại trên các tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp luôn được đi qua những tuyến phố xanh mát bóng cây.
Không chỉ có không gian xanh trong nội đô, Milan còn có vành đai xanh bao quanh, đó là hệ thống rừng kiêm công viên với diện tích lớn. Các công viên rừng này kết nối với các công viên cây xanh trong thành phố nhờ dự án Green Ray.
Dự án này tạo nên một hệ thống xanh trong kết cấu đô thị của Milan. Tám trục đường xanh, mỗi trục cho một khu vực đô thị, bắt đầu từ nội thành và mở rộng ra các khu vực ngoại ô, kết hợp với vành đai xanh bao quanh thành phố.
Nhờ tích cực thực hiện các dự án phủ xanh thành phố, mật độ cây xanh công cộng ở Milan nay đã đảm bảo được nhu cầu của người dân và giữ cho không khí thành phố trong lành.
Một công viên rừng ở thành phố Milan, Italy. (Nguồn: Flickr) |
Kinh nghiệm Singapore
Tại châu Á, Singapore là một trong những quốc gia đi đầu về thiết kế không gian xanh cho đô thị.
Đảo quốc Sư tử là nơi có rất nhiều tòa nhà chọc trời, nhưng ở đây người ta không có cảm giác ngột ngạt, bức bối như ở nhiều thành phố khác, do mật độ cây xanh rất cao đem lại sự hài hòa cho cảnh quan.
Trước kia, Singapore không xanh tốt như hiện nay. Thành phố thiếu nhà ở và điều kiện vệ sinh môi trường rất kém. Từ thập niên 1980, cùng những thành tựu kinh tế, chính quyền Singapore đã chú trọng phát triển thành phố xanh – sạch – đẹp. Các khu đô thị chất lượng cao dần dần được hình thành.
Dựa trên các nghiên cứu khoa học về điều kiện tự nhiên và quy hoạch kiến trúc của Singapore, chính phủ nước này đã xác định các loài cây quan trọng để trồng trên đường phố, đó là lim, lọng ô, muồng tím, angsana và xà cừ.
Thông thường, tỉ lệ phủ xanh của các thành phố sẽ tụt giảm, tỷ lệ nghịch với đà phát triển kinh tế và dân số. Tuy nhiên, ở Singapore thì hoàn toàn trái lại. Từ thập niên 1990 đến nay, dù dân số và kinh tế liên tục tăng trưởng, tỉ lệ phủ xanh của Singapore cũng liên tục được nâng cao.
Chính phủ Singapore đã chọn một ngày trong tuần thứ nhất của tháng 11 là Ngày Trồng cây toàn quốc. Người dân Singapore coi đây là một ngày hội thật sự, với nhiều hoạt động vui chơi, ca hát… bên cạnh nhiệm vụ chính là trồng cây.
Singapore đang đứng đầu danh sách những đất nước sở hữu số cây xanh tại các khu đô thị nhiều nhất trên thế giới. (Nguồn: AFP) |
Theo quy định, những công trình cỡ lớn bắt buộc phải có không gian cho cây xanh mới được cấp phép xây dựng. Do vậy, các tòa nhà cao tầng đều được thiết kế để có không gian cho cây xanh phát triển. Phần mái và sảnh của nhiều tòa nhà chính là nơi trồng cây.
Tất cả các khoảng trống trên đường phố Singapore đều được tận dụng để trồng cây xanh. Mọi dải phân cách, đảo giao thông, các dải đất ven sông... đều được trồng cây xanh một cách bài bản.
Hơn nữa, cây xanh ở nước này được bảo vệ nghiêm ngặt. Ai xâm hại cây có thể bị phạt đánh roi hoặc vào tù.
Hiện nay đảo quốc này đang đứng đầu danh sách những đất nước sở hữu số cây xanh tại các khu đô thị nhiều nhất trên thế giới, với 30% các khu đô thị lớn được cây xanh bao phủ.
Singapore đang thực hiện kế hoạch “xanh hóa” rất bài bản, phấn đấu để có số công trình xanh đạt 80% vào năm 2030.