Tham dự Hội nghị có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; ông Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, cùng sự tham dự của gần 200 đại biểu đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành, các hợp tác xã tiêu biểu trên cả nước...
Hội nghị là hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới theo nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 23/8/2022 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Chương trình phối hợp số 178/CTPH-BTGTW-LMHTXVN.
Ông Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn là chủ trương lớn, được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng. Kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã, là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Nội dung của Nghị quyết số 20 cũng nêu rõ các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, giải pháp, trong đó nhấn mạnh: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững”…
Tại Hội nghị, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Báo chí đã trở thành công cụ, phương tiện sắc bén đưa nghị quyết, cơ chế, chính sách về kinh tế tập thể của Đảng, Chính phủ đến với các tầng lớp nhân dân, giúp người dân hiểu, ủng hộ và đoàn kết thực hiện nghị quyết có hiệu quả. Qua đó, nhận thức xã hội được nâng cao, nhiều bất cập được báo chí nhận diện, góp phần tham mưu tháo gỡ nhiều khó khăn”.
Đồng chí Lê Quốc Minh cũng cho biết, nhiệm vụ chủ yếu đầu tiên mà báo chí góp phần thực hiện hiệu quả là tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể trong các cơ quan quản lý, đồng thời thay đổi, nâng cao nhận thức của nhân dân, tạo sự thống nhất về quan điểm và hành động trong toàn Đảng, toàn dân về bản chất, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong xây dựng và phát triển đất nước.
Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) |
Báo chí đã trở thành một trong những kênh thông tin hữu hiệu nhất hiện nay trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, là cầu nối giữa hợp tác xã, doanh nghiệp và người tiêu dùng, giúp người dân-hợp tác xã-doanh nghiệp tìm đến với nhau, qua đó triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thông qua việc giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra.
Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế rộng rãi, tham gia sâu vào các diễn đàn kinh tế đa phương, các hiệp định thương mại toàn cầu, báo chí có vai trò nổi bật trong việc cung cấp thông tin thị trường thế giới, làm rõ các vấn đề luật pháp quốc tế, phân tích ưu nhược điểm của các hiệp định thương mại, kết nối cung cầu, thúc đẩy xuất khẩu, giúp hàng hóa của hợp tác xã làm ra tiếp cận được các thị trường lớn. Nhờ thông tin báo chí, nhiều hợp tác xã đã bước đầu tận dụng được cơ hội từ EVFTA và các FTA khác mang lại, mở ra con đường đưa sản phẩm Việt Nam đến EU và nhiều thị trường quan trọng của thế giới.
Với tinh thần xây dựng, báo chí không chỉ tuyên truyền chủ trương đúng đắn của kinh tế tập thể, phản ánh bất cập trong thực thi chính sách, mà còn lên tiếng đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận, đòi xóa bỏ mô hình kinh tế tập thể của các phần tử cơ hội chính trị, thế lực thù địch. Từ đó, vai trò của kinh tế tập thể được đánh giá đúng hơn, đầy đủ hơn, nhiều mô hình hợp tác xã mới ra đời, khu vực kinh tế tập thể ngày càng được nâng cao về quy mô và chất lượng.
Ngày nay, báo chí tiếp tục đồng hành tích cực cùng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Đặc biệt, trong thời đại cách mạng công nghệ thông tin phát triển như vũ bão ngày nay, nhu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ, nhu cầu chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội đang ngày càng mạnh mẽ.
Do vậy, báo chí với vai trò định hướng tư tưởng xã hội cần nỗ lực tuyên truyền để các hợp tác xã hiểu rõ hơn những khó khăn, thuận lợi, và trên hết là lợi ích mà chuyển đổi số mang lại trong sản xuất, kinh doanh, từ đó thay đổi nhận thức, tư duy, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Ông Bùi Trường Giang, Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) |
Theo ông Bùi Trường Giang, Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, tình hình hoạt động, phát triển kinh tế tập thể đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Những hạn chế, yếu kém của mô hình hợp tác xã kiểu cũ, dù công cuộc đổi mới diễn ra đã hơn 35 năm, vẫn chưa được khắc phục triệt để. Kinh tế tập thể phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.
Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã hiệu quả còn thấp, chưa đồng bộ, chưa nhất quán, chưa toàn diện, chậm triển khai thực hiện, chưa có tính khả thi cao và chưa tạo động lực thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển. Nhiều hợp tác xã tổ chức và hoạt động chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Hợp tác xã; các quan hệ sở hữu, tổ chức quản lý, phân phối trong nhiều hợp tác xã còn biểu hiện xa rời bản chất và các giá trị của hợp tác xã.
Tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể còn thấp và đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm liên tục, vai trò và đóng góp của kinh tế tập thể nói chung, hợp tác xã nói riêng còn thấp. Các hợp tác xã phát triển chủ yếu theo chiều rộng, không đồng đều giữa hợp tác xã nông nghiệp và phi nông nghiệp, giữa các vùng, miền trong cả nước. Tổng số thành viên và số lượng thành viên trung bình của một hợp tác xã giảm xuống.
Nhìn chung, khu vực hợp tác xã có hiệu quả thấp, thiếu bền vững, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh chưa cao. Đa số hợp tác xã có quy mô nhỏ, năng lực nội tại yếu, cơ sở vật chất, trình độ khoa học - công nghệ, tiềm lực tài chính yếu, đội ngũ cán bộ, phạm vi hoạt động của hợp tác xã còn hạn chế; hoạt động của các hợp tác xã còn thiếu gắn bó với nhau, chưa có sự liên kết hệ thống cả về kinh tế, xã hội và tổ chức…
“Như vậy, một số mục tiêu mà Nghị quyết số 13/NQ-TW Trung ương đề ra là đưa kinh tế tập thể thoát khỏi tình trạng yếu kém, đạt tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, có tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP của nền kinh tế, đến nay vẫn chưa thực hiện được. Kinh tế tập thể cùng với kinh tế nhà nước chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế, chưa thể hiện rõ vai trò, phương thức, con đường đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn”, ông Bùi Trường Giang chỉ rõ.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam - ông Nguyễn Ngọc Bảo - thông tin, nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số làm thay đổi so với phương thức quản trị truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã diễn ra chậm; khoảng 50% số hợp tác xã được khảo sát chưa có định hướng và kế hoạch chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng thông tin của phần lớn hợp tác xã ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số.
Để thúc đẩy nhanh quá trình này, ông Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị, cần ban hành hướng dẫn về chuyển đổi số cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo ngành, lĩnh vực mà các bộ, ngành, địa phương quản lý trên cơ sở Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ…
Cũng tại Hội nghị, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đề nghị bổ sung, sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 với nhiều nội dung. Trong đó có chỉnh sửa quy định về việc kết nạp thành viên theo hướng tạo điều kiện tối đa cho mọi cá nhân, tổ chức có nguyện vọng, tự nguyện tham gia vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ước tính đến thời điểm 31/12/2022, cả nước có 29.021 hợp tác xã, 123.241 tổ hợp tác và 125 liên hiệp hợp tác xã. Các hợp tác xã thu hút 6,94 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn (tăng 22.466 thành viên so năm 2021) và 2,6 triệu lao động (tăng 71.000 lao động so năm 2021). Tổng số vốn điều lệ đạt 54,15 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,86 tỷ đồng/hợp tác xã; tổng giá trị tài sản đạt 187,75 nghìn tỷ đồng, bình quân 6,5 tỷ đồng/ hợp tác xã, tăng 8,7% so năm 2021. |
| Kinh tế tập thể - Xu hướng hội nhập quốc tế và hợp tác xã thông minh TGVN. Sáng 11/12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên minh hợp tác xã Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh ... |
| Tháng 4/2020, lần đầu tiên Việt Nam sẽ công bố Sách Trắng hợp tác xã TGVN. Việc ban hành "Sách Trắng hợp tác xã Việt Nam" nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà quản lý, nghiên cứu, sử dụng ... |
| Quảng Ninh: Kinh tế tập thể nở rộ, HTX đóng vai trò nòng cốt xây dựng nông thôn mới TGVN. Hội Nông dân (HND) tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều cách làm linh hoạt, thiết thực nhằm khuyến khích các hộ nông dân chủ động ... |
| Nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể TGVN. Xây dựng lòng tin cho các thành viên và tăng cường kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ là những giải pháp cơ ... |
| Xây dựng hợp tác xã kiểu mới là con đường tất yếu TGVN. Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong điều kiện hội nhập hiện nay, để phát triển ... |