📞

Phát triển Quảng Ninh bằng huy động mọi nguồn lực

13:00 | 14/02/2016
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành là những nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ninh.

Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Thành kiểm tra tiến độ dự án Đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng (Dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng).

Giai đoạn 2010-2015, Quảng Ninh đã đạt được những bước đột phá trong công tác xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư. Đó là gì, thưa ông?

Năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô cấp quốc gia. Đến nay, 19 bản ghi nhớ và thoả thuận hợp tác ký kết giữa Tỉnh với các nhà đầu tư đã được cụ thể hoá, triển khai hiệu quả. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức bộ máy và tổ chức thực hiện có chuyển biến tích cực. Những nút thắt trong hoạt động đầu tư kinh doanh như quy hoạch, thể chế, hạ tầng, cải cách hành chính, nguồn nhân lực từng bước được tháo gỡ. Tỉnh đi đầu trong cả nước khi thành lập cơ quan chuyên trách về xúc tiến và hỗ trợ đầu tư theo mô hình chuẩn quốc tế với phương thức xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp.

Tất cả nỗ lực đó đã đem lại kết quả rõ nét trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư. Điều đó được thể hiện qua việc thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng. Giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt 6,5 tỷ USD (vốn đầu tư FDI trên 2,5 tỷ USD). Tỷ trọng đầu tư công giảm dần (năm 2010 chiếm 60%, năm 2015 chiếm 37%); đầu tư nước ngoài tăng mạnh (năm 2010 chiếm 5%, năm 2015 chiếm 30%); đầu tư tư nhân trong nước tiếp tục tăng, chiếm 33% tổng vốn đầu tư.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh từ vị trí thứ 20 được nâng lên, duy trì trong nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước và đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng từ năm 2013 đến nay. Sự hiện diện của các tập đoàn, nhà đầu tư lớn như Texhong (Trung Quốc), Amata (Thái Lan), Charmvit (Hàn Quốc), Las Vegas Sands (Mỹ), Xi măng Hạnh Phúc (Đài Loan, Trung Quốc),  SE (Nhật Bản), Vingroup, Sun Group… đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của Tỉnh.

Các dự án mang tính động lực trên nhiều lĩnh vực được triển khai như: Hạ tầng giao thông (cải tạo nâng cấp quốc lộ 18A đoạn Uông Bí - Hạ Long, đường giao thông trục chính nối các khu chức năng Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn), hạ tầng khu công nghiệp (Việt Hưng, Cảng biển Hải Hà, Đầm Nhà Mạc), hạ tầng thương mại, siêu thị (Metro Hạ Long, Big C Hạ Long, Vincom Center Hạ Long), hạ tầng du lịch (Khu khách sạn nghỉ dưỡng biển cao cấp tại Đảo Rều, Công viên Đại Dương), hạ tầng điện (Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương, đưa điện lưới ra đảo Cô Tô), hạ tầng y tế (Bệnh viện Vinmec Hạ Long), hạ tầng khu đô thị (Khu phức hợp đô thị Hạ Long Xanh)...

Những kết quả trên đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,2%/năm.

Quảng Ninh đang là địa chỉ đỏ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Việc huy động nguồn lực cho các công trình trọng điểm, góp phần giúp Tỉnh xây dựng các dự án trọng điểm có sức lan toả, ông đánh giá như thế nào về công tác này?

Quảng Ninh đã tranh thủ tốt sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành và quyết tâm của toàn tỉnh, thu hút đầu tư nguồn lực ngoài ngân sách bằng cách kêu gọi đa dạng hoá các hình thức đầu tư: BT, BOT, BLT, O&M... Có thể nói, Quảng Ninh là tỉnh đứng đầu trong các địa phương thu hút nguồn lực xã hội hoá về vốn, tỉnh đầu tiên làm đường cao tốc bằng vốn xã hội hoá, tỉnh đầu tiên thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), tiêu biểu là dự án cầu Bạch Đằng (BOT), cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (PPP), toà nhà liên cơ quan số 3, số 4 (BLT)…

Quảng Ninh đã làm thế nào để khơi dậy sự nỗ lực, đoàn kết, nhất trí, sáng tạo và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân?

Xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015, Tỉnh đã dần xác định được hướng đi đúng trong hoạt động xúc tiến đầu tư, áp dụng phương pháp hợp lý để lựa chọn giải pháp thực hiện một cách thiết thực và hiệu quả.

Tỉnh đã thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA), hoạt động dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh. Bên cạnh đó, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư của Tỉnh luôn gắn kết chặt chẽ với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Quảng Ninh đã thực hiện biện pháp thiết thực hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp như đơn giản hoá 80% thủ tục hành chính; thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và huyện, thị xã, thành phố hoạt động theo cơ chế “Một thẩm định - Một phê duyệt” với nguyên tắc “Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hoạt động”.

Thời gian tới, Quảng Ninh có kế hoạch gì đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, nguồn nhân lực cho các dự án trọng điểm?

Trong nhiệm kỳ tới, Quảng Ninh đặt mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp hiện đại. Muốn vậy, Tỉnh cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, tạo sự chuyển biến về đổi mới tư duy, nhận thức và hành động.

Đặc biệt, Tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, tập trung thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông như: Dự án đường nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; mở rộng Quốc lộ 18A đoạn Bắc Ninh - Đông Triều; sân bay Vân Đồn, đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Quốc lộ 4B Lạng Sơn - Mũi Chùa (Tiên Yên), đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, cảng biển Hải Hà...

Đồng thời, Quảng Ninh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm huy động tối đa nguồn lực theo hình thức PPP để phát triển kết cấu hạ tầng, bao gồm cả việc phải có cơ chế linh hoạt trong huy động nguồn vốn tín dụng như vay vốn trái phiếu Chính phủ, phát hành trái phiếu địa phương... Chủ động đề xuất thể chế, cơ chế chính sách mang tính thiết thực; đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Hoàn thiện quy hoạch theo hướng động và mở, nhưng đảm bảo nhất quán để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận lựa chọn địa điểm, lĩnh vực và yên tâm đầu tư; kiên quyết thu hồi các dự án triển khai không đúng tiến độ.

Tỉnh cũng sẽ ưu tiên các nguồn lực cho các cơ sở đào tạo, tiến tới thành lập các trung tâm dạy nghề tầm cỡ khu vực và quốc tế để cung ứng cho các doanh nghiệp… tạo dựng môi trường sống và làm việc hấp dẫn, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cống hiến tài năng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Quảng Ninh.