📞

Phát triển thương hiệu cần gắn liền với xây dựng văn hóa doanh nghiệp

QT. 12:56 | 13/09/2020
TGVN. Báo Văn hóa vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) tổ chức Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu”.
Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu” ngày 11/9. (Nguồn: BCSI)

Lâu nay, văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thị trường luôn là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại cũng như khẳng định thương hiệu bền vững của mỗi doanh nghiệp.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ lên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Cuộc cách mạng này đang đặt các doanh nghiệp vào môi trường siêu cạnh tranh. Nó không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí, mà còn là làn sóng giúp các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất – kinh doanh nhằm đáp ứng nhanh, chính xác các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Theo PGS.TS Dương Thị Liễu - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh nêu rõ, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 bắt buộc các vận hành phải nhanh chóng, thuận lợi, những lề thói chậm chạp, trì trệ sẽ không thể gọi là văn hóa. Lẽ dĩ nhiên, mọi đối tác trên toàn cầu đều đánh giá văn hóa của doanh nghiệp qua tốc độ xử lý các thủ tục và giải quyết công việc.

Chính văn hóa tốc độ bắt buộc nhân viên phải có kỹ năng xuất sắc và tính kỷ luật cao, không có kỹ năng và kỹ luật, không tham gia được cái gọi là thời đại 4.0. Có thể nói, trong thời 4.0, quy mô không còn là lợi thế quyết định sức cạnh tranh mà tốc độ mới giữ vai trò quyết định. Để có được tốc độ trong cạnh tranh, cần phải thay đổi công nghệ và quản trị và để làm được điều đó phải chăm lo các nền tảng văn hóa, tinh thần.

Bà Liễu cho rằng, xây dựng văn hóa công ty bằng ứng dụng công nghệ có nhiều ưu điểm như: Việc kết hợp nhiều tính năng trong một ứng dụng vừa giúp công ty dễ dàng quản lý nhân sự, vừa phổ cập văn hóa doanh nghiệp tiếp cận nhân viên trọn vẹn nhất. Ngày nay, việc sử dụng công nghệ và giao tiếp trực tuyến cũng là một cách gắn kết nhân viên trong doanh nghiệp, giúp nhân viên luôn có thể gắn kết với công việc bất kể họ đang ở đâu.

Trước ý kiến cho rằng văn hóa doanh nghiệp có thực sự cần thiết trong thời kỳ 4.0, bởi robot rất phát triển và có thể tạo ra nhiều sản phẩm hiện đại, bà Liễu nhấn mạnh: "Dù robot và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người từ những công việc chân tay tới khả năng đánh giá tổng thể hay kỹ năng quản lý thì robot vẫn không thể thay thế con người bởi những giá trị đặc biệt là niềm tin, đạo đức và sự kết nối. Với văn hóa, con người sẽ không trở thành nô lệ cho robot. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời 4.0 tốt không chỉ tạo sự hài hòa, tương tác tốt giữa con người với robot mà còn tạo nên sự tương tác tốt giữa ông chủ với nhân viên, nhân viên với nhân viên… từ đó doanh nghiệp sẽ tạo nên những bản sắc, thương hiệu riêng để cạnh tranh phát triển", bà Liễu nhấn mạnh.

Trong bối cảnh không ít doanh nghiệp lao đao vì dịch bệnh, theo các chuyên gia, văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu càng cho thấy ý nghĩa và tác động thiết thực đến sự tồn tại bền vững của mỗi doanh nghiệp.

Môi trường văn hoá của doanh nghiệp có ý nghĩa tác động quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên và việc sử dụng đội ngũ lao động, giúp doanh nghiệp trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ. Trên cơ sở đó, hình thành tâm lý chung và lòng tin vào sự thành công của doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Vũ – Chuyên gia tư vấn truyền thông nội bộ và văn hóa doanh nghiệp chia sẻ: “Khủng hoảng (Covid-19) chính là cơ hội để thể hiện sứ mệnh lớn: Lý do tồn tại luôn lớn hơn chuyện cơm áo gạo tiền. Lý tưởng lớn thì trong khó khăn càng cần thắp sáng. Khủng hoảng chính là phép thử của giá trị cốt lõi, là cơ hội gắn kết để nhận ra những người vượt qua cùng bạn sẽ là những người lâu dài với bạn. Khủng hoảng cũng là lúc nhìn rõ giá trị và đóng góp của cá nhân, khả năng tiềm tàng của mỗi người, xóa đi khoảng cách thứ bậc, hình thức rườm rà, kéo mọi người xích lại gần nhau hơn. Khủng hoảng chính là cơ hội để nhìn vào bên trong tổ chức, nhìn lại chính mình, và sẵn sàng cho những thay đổi”.

Ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn chiến lược CSCI Indochina cho rằng, thương hiệu được hình thành từ cách hành xử, ứng xử của con người trong công ty, nên văn hóa là nền tảng của thương hiệu và ảnh hưởng sâu sắc tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Vì thế, theo ông Thành, trong bối cảnh có nhiều khó khăn vì dịch bệnh, sự chung tay gánh vác trách nhiệm với cộng đồng của nhiều doanh nghiệp chính là một cách khẳng định thương hiệu, chinh phục niềm tin từ phía khách hàng.