Theo TS. Nguyễn Văn Đáng, phiên trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ngày 18/3 khẳng định nỗ lực và bản lĩnh của ngành Ngoại giao Việt Nam. (Ảnh: NVCC) |
Sự kiện ít diễn ra
Các vấn đề đối ngoại chủ yếu liên quan đến mối quan hệ giữa các quốc gia, hay giữa các quốc gia với các tổ chức quốc tế, chứ không thường xuyên, trực tiếp liên quan đến các vấn đề dân sinh nóng bỏng diễn ra hàng ngày. Cũng bởi thế, nhìn trên phạm vi toàn cầu, các phiên điều trần công khai trước Quốc Hội của ngành Ngoại giao thường ít được thực hiện hơn so với các lĩnh vực khác.
Ở nước ta, ngày 18/3, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thực hiện phiên trả lời chất vấn công khai trước Ủy ban thường vụ Quốc Hội. Trong bối cảnh tình hình thế giới xuất hiện nhiều sự kiện bất ngờ và với những gì diễn ra tại Bộ Ngoại giao khoảng ba năm gần đây, việc Bộ trưởng trả lời chất vấn không chỉ thực hiện trách nhiệm giải trình trước cơ quan quyền lực Nhà nước, mà còn đáp ứng mối quan tâm của đông đảo người dân.
Tại phiên ngồi “ghế nóng” đầu tiên, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã trả lời tổng số 38 câu hỏi, liên quan đến nhiều vấn đề diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, thuộc trách nhiệm của ngành Ngoại giao. Trong khoảng 3 giờ đồng hồ, Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, ngắn gọn, rõ ràng các vấn đề được nêu ra. Bộ trường đã không né tránh trước những câu hỏi “nóng” liên quan đến vụ “chuyến bay giải cứu”, trách nhiệm bảo hộ công dân ở nước ngoài, hay những giải pháp để Bộ Ngoại giao góp phần giảm thiểu tình trạng di cư tự do, ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp.
Một trong những ấn tượng nổi bật nhất sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn là những quan điểm rõ ràng và nỗ lực hành động quyết liệt của ngành Ngoại giao để vượt qua giai đoạn khó khăn, đạt được những kết quả công việc tích cực, qua đó khẳng định bản lĩnh của nền ngoại giao Việt Nam.
Vượt qua sóng gió
Vụ “chuyến bay giải cứu”, với hàng chục cán bộ ngành Ngoại giao bị khởi tố, là một sự kiện nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Có thể nói, chưa khi nào mà ngành Ngoại giao ở nước ta lại phải hứng chịu những chỉ trích công khai, gay gắt từ phía dư luận xã hội như thời gian gần đây. Vì thế, có thể coi ba năm vừa qua là một giai đoạn sóng gió bậc nhất của ngành Ngoại giao Việt Nam.
Trước những nghi ngờ của đại biểu về khả năng còn những “tảng băng” lớn hơn ẩn dưới những gì đã phát lộ ra, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã thẳng thắn: Vụ “chuyến bay giải cứu” là một “sự việc đau lòng”, gây hệ lụy nghiêm trọng cho cá nhân, người thân của những cán bộ trực tiếp vi phạm. Trong cách trả lời của Bộ trưởng, người theo dõi cũng cảm nhận được tâm trạng day dứt của ông về những tác động không tốt của vụ “chuyến bay giải cứu” đến hình ảnh, uy tín của ngành Ngoại giao vốn được vun đắp trong suốt 80 năm qua.
Theo Bộ trưởng, sau vụ “chuyến bay giải cứu”, ngành Ngoại giao đã nghiêm túc kiểm điểm, triển khai nhiều giải pháp để phòng ngừa các tiêu cực, sai phạm trong tương lai. Khẳng định quyết tâm làm việc nghiêm túc của đội ngũ cán bộ chủ yếu “tác chiến độc lập” ở bên ngoài lãnh thổ, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của bản lĩnh và đạo đức cán bộ, thể hiện qua lời khẳng định rất thuyết phục: “nếu không giữ được bản lĩnh, phẩm chất đạo đức thì không làm được”.
Để giúp cán bộ ngoại giao làm việc ở nước ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết ưu tiên hàng đầu của ngành Ngoại giao là nhanh chóng hoàn thiện quy trình làm việc, nhất là công tác lãnh sự và bảo hộ công dân của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Theo Bộ trưởng, tính đến hiện nay, hơn 70 quy chế, quy trình cấp Bộ và hơn 100 quy trình quản lý nội bộ tại các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan đại diện đã được rà soát, cập nhật.
Điểm nhấn thứ hai mà Bộ trưởng nêu ra trong định hướng hành động nhằm khuyến khích cán bộ ngoại giao nỗ lực làm việc để phụng sự nhân dân, phục vụ đất nước là cần cải thiện chế độ đãi ngộ cho cán bộ ngoại giao ở nước ngoài. Theo đó, nếu mức sinh hoạt phí của cán bộ làm việc ở nước ngoài được tăng lên 1500 USD/tháng, và hỗ trợ thêm chi phí bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người thân đi cùng thì sẽ giúp cán bộ yên tâm hơn, trách nhiệm và tận tâm hơn trong công việc.
Nỗ lực làm việc
Sau những “sóng gió” nội bộ xảy ra trong những năm gần đây, phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho thấy ngành Ngoại giao vẫn vững vàng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Nhiều dấu ấn xuất sắc đã được tạo ra, tác động tích cực đến không chỉ hình ảnh của ngành, mà cả vị thế và tầm vóc của đất nước. Cụ thể, tính riêng năm 2023, đã có tới 22 chuyến thăm của lãnh đạo nước ta đến các nước khác và 28 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam được tổ chức thành công.
Hình ảnh lãnh đạo nước ta nồng nhiệt đón tiếp lãnh đạo các nước, cùng đạp xe hoặc đi bộ dạo phố, cùng ngồi uống cà phê, hoặc thăm phố sách… đã gửi thông điệp về một Việt Nam thanh bình, mến khách đến với bạn bè thế giới. Mặc dù Bộ trưởng không đề cập cụ thể trong phần trả lời nhưng chúng ta không thể không ghi nhận công sức của đội ngũ cán bộ ngoại giao trong việc tham mưu công tác tổ chức để tạo nên những dấu ấn mới mẻ, hiện đại trong quan hệ bang giao giữa Việt Nam và các nước.
Trong các sự kiện đối ngoại của năm 2023, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu bật chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Việc đồng thời tiếp đón nguyên thủ của hai siêu cường, nâng cấp quan hệ với Mỹ lên “đối tác chiến lược toàn diện” đã chứng minh những thành quả tích cực từ triết lý ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt, sẵn sàng làm bạn, trở thành đối tác tin cậy với tất cả các nước của Việt Nam.
Năm 2023 cũng chứng kiến vị thế, uy tín và tiếng nói của Việt Nam được khẳng định nổi bật tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, tiểu vùng Mekong, APEC, AIPA, IPU, UNESCO, Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28), Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường… Tham gia các diễn đàn quốc tế, đóng góp nhiều ý kiến và đề xuất nhiều giải pháp đã thể hiện sự tích cực, chủ động, trách nhiệm của Việt Nam trước các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Nhận thức rõ trách nhiệm phục vụ nhân dân cũng là một ấn tượng nổi bật trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn. Trước nhiều sự kiện quốc tế bất thường xảy ra trong thời gian gần đây, Bộ trưởng đã báo cáo những kết quả tích cực trong việc hỗ trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Theo thống kê, đã có hàng ngàn công dân Việt Nam tại Israel và Myanmar được Bộ ngoại giao hỗ trợ di tản khi xung đột xảy ra. Liên quan chiến sự giữa Nga và Ukraine, Bộ Ngoại giao cũng hỗ trợ khoảng 7.000 người Việt, sơ tán đến nơi an toàn.
Cũng theo Bộ trưởng, sau đại dịch Covid-19, số lượng công dân Việt Nam ra nước ngoài đã gia tăng nhanh chóng (3,8 triệu người trong năm 2022, và hơn 10 triệu lượt người trong năm 2023). Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng không chỉ khẳng định trách nhiệm của ngành Ngoại giao trong việc hỗ trợ và bảo hộ công dân khi cần thiết, mà còn cảnh báo về hiện tượng xuất cảnh để làm việc bất hợp pháp. Theo Bộ trưởng, Bộ Ngoại giao sẽ đặc biệt quan tâm vấn đề này, phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan để giúp người lao động nhận thức được những rủi ro, từ đó góp phần giảm bớt tình trạng di cư bất hợp pháp ra nước ngoài.
Phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã cho thấy nhận thức, quan điểm rõ ràng với những vấn đề mà ngành Ngoại giao đang phải đối diện, những nỗ lực làm việc nghiêm túc cùng kết quả tích cực trong thời gian gần đây. Vì thế, có thể nói, dù là lần đầu tiên ngồi “ghế nóng” trên diễn đàn Quốc Hội nhưng Bộ trưởng đã thỏa mãn nhu cầu của những người quan tâm, qua đó góp phần khôi phục và củng cố lòng tin của người dân với ngành Ngoại giao Việt Nam.