Ngày 16/10, Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi tuyên bố Manila sẵn sàng bảo vệ hoạt động thăm dò dầu khí mà nước này đã quyết định nối lại ở vùng biển mà Manila nói là được quốc tế công nhận của Philippines ở khu vực Biển Đông tranh chấp và sẽ không từ bỏ quyền đó cho bất cứ nước nào.
Thúc đẩy thực hiện các “quyền kinh tế”
Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Alfonso Cusi nêu rõ, các công ty có hợp đồng thăm dò với chính phủ đã được thông báo nối lại hoạt động tìm kiếm dầu mỏ của họ.
Ông cũng cho biết Trung Quốc đã được thông báo về quyết định của Chính phủ Philippines nối lại hoạt động thăm dò ở vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy các rạn san hô ở bãi cạn Scarborough bị tàn phá, được cho là do hoạt động khai thác ngao của ngư dân Trung Quốc. (Nguồn: Phistar) |
Khi được hỏi Philippines sẽ phản ứng thế nào nếu Trung Quốc phản đối hoặc can thiệp vào hoạt động thăm dò ở biển khơi, ông Cusi đáp: "Chúng tôi bảo vệ các quyền của chúng tôi, đó là điều mà chúng tôi sẽ làm". Ông cho biết, các công ty thăm dò đã được đảm bảo rằng họ sẽ được bảo vệ bởi một vùng đệm an ninh 500 mét, song không công bố thêm chi tiết.
Trước đó, ngày 15/10, Bộ trưởng Alfonso Cusi cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte đã thông qua đề xuất của Bộ này về việc gỡ bỏ lệnh đình chỉ hoạt động dầu mỏ, cho phép nối lại hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt ở Biển Đông.
Ông Alfonso Cusi cho biết một thông cáo "nối lại công việc" đã được chuyển tới các nhà thầu dịch vụ đang đảm trách các hoạt động liên quan đến dầu mỏ tại khu vực này. Hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt của các nhà thầu tại Philippines vốn bị đình chỉ từ năm 2014 do các tranh chấp về lãnh thổ.
Ông Cusi nói thêm rằng ngoài 3 dự án được phép khởi động lại, 3 dự án thăm dò dầu khí khác ở Biển Đông cũng đang được Bộ Năng lượng Philippines xem xét.
Theo lời Bộ trưởng Năng lượng Cusi, quyết định bãi bỏ lệnh cấm không ảnh hưởng gì đến các đàm phán hiện nay giữa Philippines và Trung Quốc, cụ thể là giữa công ty trách nhiệm hữu hạn Forum của Philippines và Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC), xung quanh khả năng phát triển và thăm dò dầu khí chung.
Là một đơn vị của tập đoàn Philippines PXP Ernergy, Forum có thể khởi động lại dự án thăm dò dầu khí ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), khu vực tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc.
Ông Cusi nhấn mạnh việc bãi bỏ lệnh cấm thăm dò dầu khí ở Biển Đông là một hành động “đơn phương” của Philippines mà Trung Quốc có thể là sẽ tôn trọng.
Ông bày tỏ tin tưởng rằng các công ty Philippines sẽ không gặp cản trở từ phía Trung Quốc, vì đó là “các quyền kinh tế” của Philippines.
Khả năng duy trì liên doanh phát triển dầu khí Philippines – Trung Quốc
Về phản ứng của Bắc Kinh, trong cuộc họp báo ngày 16/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố Bắc Kinh “hy vọng sẽ hợp tác với Philippines trong các dự án phát triển năng lượng ở Biển Hoa Nam” theo bản ghi nhớ ký năm 2018, nhấn mạnh “Trung Quốc và Philippines đã đạt được đồng thuận về việc cùng phát triển các nguồn dầu khí ở Biển Hoa Nam và đã thiết lập một cơ chế hợp tác cho các cuộc thảo luận”.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/10, Tập đoàn năng lượng PXP của Philippines cho biết đang trong tiến trình đàm phán với Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) liên quan đến bản ghi nhớ giữa Manila và Bắc Kinh trong việc khai thác chung dầu khí tại Biển Đông.
Theo PXP, các cuộc đàm phán được tổ chức bởi Forum (GSEC 101), một công ty con của Forum Engergy (công ty liên doanh giữa Anh - Philippines do PXP nắm kiểm soát), nhưng các bên vẫn chưa thống nhất được về bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào mà có thể tiết lộ.
Manila ban hành lệnh cấm khai thác dầu khí ở Biển Đông từ năm 2014 dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III, trong khi chờ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Philippines tại Biển Đông.
Năm 2016, PCA kết luận các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Trung Quốc cho đến nay vẫn bác bỏ và không tuân thủ phán quyết của PCA. Tháng 9 vừa qua, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Rodrigo Duterte từng tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ phán quyết năm 2016 song Manila vẫn buộc phải dỡ bỏ lệnh cấm thăm dò dầu khí Biển Đông để có thể đáp ứng nhu cầu về năng lượng nội địa, trong bối cảnh trữ lượng khí đốt của mỏ khí Malampaya, phía Tây Philippines, đang cạn dần.
Năm 2019, Tổng thống Duterte cho biết Bắc Kinh đã đề xuất Manila tham gia một liên doanh khai thác dầu khí với Trung Quốc ở Biển Đông với quyền kiểm soát 60% cổ phần, nếu Philippines chấp nhận gạt phán quyết Biển Đông sang một bên.