Grave of Fireflies (Mộ đom đóm) Lấy bối cảnh nước Nhật cuối thế chiến thứ hai, phim đã phản ánh một phần nào đó sự tàn khốc đau thương tang tóc của chiến tranh ác liệt. Nhân vật chính là Seita, một cậu bé giàu tình yêu, hơi ương ngạnh và cô em gái dễ thương Setsuko của cậu. |
"Phim hoạt hình Nhật Bản đang tràn ngập hành tinh", là một nhận xét của Hãng thông tấn AFP!
Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi bộ phim Một vụ mất tích (hay Bị ma giấu) đoạt giải Oscar cho phim hoạt hình hay nhất tại Lễ trao giải Academy Awards lần thứ 75 (2003). Chuyến đi của Chihiro đoạt giải Gấu vàng ở Berlin năm 2002. Phim hoạt hình Nhật Bản với kỹ thuật hình ảnh tuyệt vời, nội dung đa dạng và phong phú, đã trở thành một văn hóa phẩm sáng giá ở nước ngoài và mang lại những lợi nhuận khổng lồ. Tiền xuất khẩu phim năm 1975 là 4,6 tỷ yên và tăng vọt gấp 40 lần vào năm 2002 (200 tỷ yên = 1,5 tỷ euro).
Sách tranh truyện liên hoàn (manga) cũng là một trụ cột của văn hóa đại chúng Nhật Bản, đã là hậu thuẫn cho phim hoạt hình nước này phát triển vì những câu chuyện và nhân vật manga được đưa lên màn ảnh hoạt hình. Theo C.Lombardo (người Mỹ) truyện tranh (và phim hoạt hình) ngồ ngộ hơn, không trẻ con như của Mỹ. Chúng toát ra một cảm giác dịu nhẹ (kawai) mà con trai Mỹ không thích. Theo một chuyên gia Pháp: “Ở Nhật, truyện tranh và phim hoạt hình thay đổi cho phù hợp với lứa tuổi người đọc và người xem. Còn ở Pháp, đến một lứa tuổi nào đó, trẻ con thôi không xem truyện tranh và phim hoạt hình vì nội dung không thay đổi cho phù hợp với nhu cầu mới”.
Có thể nói Nhật Bản ngày nay là thủ đô của phim hoạt hình trên thế giới. Phim hoạt hình Nhật được các nước hâm mộ từ đầu thập niên 1990. Gần 90% người Tây Ban Nha có thói quen xem Người máy siêu đẳng Nhật (Mazinger Z). Người Mỹ rất mê những nhân vật hoạt hình Nhật như Cậu bé người máy (Astro Boy) hay Người đua xe (Speed Racer), phim Thủy thủ mặt trăng (Sailor Moon) đã chinh phục khán giả Đức. Nhiều vận động viên bóng đá cảm thấy tinh thần phấn khởi khi xem phim Thủ quân Tsubasa. Ở châu Á, phim Doremon và Bảy viên ngọc rồng được các em rất thích. Phim viễn tưởng như Pokemon cũng gây ấn tượng ở Mỹ và nhiều nước khác. Nhật Bản chiếm 60% thị trường phim hoạt hình trên thế giới.
Hiện nay phim hoạt hình Nhật Bản chiếm ngôi bá chủ, vậy mà, cuốn phim hoạt hình đầu tiên của Nhật Bản mới ra đời cách đây 90 năm.
Mầm mống phim hoạt hình thế giới xuất hiện khoảng những năm 1892 – 1900 với Sân khấu thị giác ở Bảo tàng Grévin tại Pháp (vẽ từng hình ảnh lên phim). Mãi đến những năm thập niên 1920, phim hoạt hình mới chiếm lĩnh được đỉnh cao nghệ thuật với những tác phẩm của P.Sullivan, anh em Fleischer, và nhất là W.Disney. Vào những năm 1934 – 1937, W.Disney đã đưa ra những phim màu hoạt hình dài, mỗi phim có khoảng 400.000 hình vẽ, như Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn.
Phim hoạt hình Nhật Bản phát triển nhanh trong bối cảnh điện ảnh thế giới phát triển, các trò chơi điện tử và vô tuyến, video… Nhật Bản là một cường quốc công nghệ điện tử, đó là một yếu tố thuận lợi. Cơ sở và nguồn gốc phim hoạt hình Nhật lại là truyện tranh manga truyền thống, một thể loại văn hóa dân gian rất phổ biến, độc giả manga dĩ nhiên dễ biến thành khán giả hoạt hình. Nhà báo Pháp P.Giner, đã ở Tokyo 6 năm, nhấn mạnh về tính chất đa dạng, lĩnh vực rất mạnh của phim hoạt hình Nhật: “Có đủ mọi loại cho những công chúng khác nhau: người câu cá, người đánh mạt chược, nhà thể thao… ai cũng có thể tìm thấy cái mình thích, dù già hay trẻ, nam hay nữ, có đủ khẩu vị từ khoa học, giáo dục, triết lý đến bạo lực, tình dục, phiêu lưu, lãng mạn…”
Phim hoạt hình Nhật Bản ra đời từ trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, sau chiến tranh, đầu tiên là phim Truyền thuyết rắn trắng, bắt chước W.Disney. Nhưng phải đợi đến phim Cậu bé người máy của Tesaka Osamu, phim hoạt hình Nhật mới thực sự thoát ly ảnh hưởng Disney mang dấu ấn riêng do nhân vật và cốt truyện, cùng nhiều thủ thuật (như giảm số lượng khung hình, sử dụng lại những hành động tương tự, chụp những tấm hình bất động rồi làm chúng chuyển động. Cậu bé người máy mở đầu cho hoạt hình khoa học viễn tưởng, mô hình kinh doanh mới).
Đầu những năm 1970, Nagai Go với Mazigner Z đã đưa những người máy khổng lồ vào hoạt hình, kéo theo sản xuất đồ chơi người máy khổng lồ và truyện tranh. Điển hình là phim Chiến hạm vũ trụ Yamato đã tạo ra sự bùng nổ các thể loại về khoa học viễn tưởng, kể cả tạp chí hoạt hình.
Từ những năm 1990, khía cạnh thẩm mỹ và giải trí của phim hoạt hình rất được chú ý.
Ở Nhật Bản, có khoảng 400 công ty sản xuất phim hoạt hình, hơn 3.500 người làm phim hoạt hình. Năm 2001, doanh thu phòng chiếu ở các rạp Nhật là 52,7 tỷ yên cho phim điện ảnh, 43,2 tỷ yên cho phim hoạt hình. Doanh thu ngành sản xuất phim hoạt hình Nhật Bản đạt khoảng 5.000 tỷ yên.