📞

Phố Nguyễn Cơ Thạch chính thức được gắn biển

15:08 | 12/09/2008
Kỷ niệm 63 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày 31/8, UBND TP. Hà Nội tổ chức lễ gắn biển tên cho 3 đường, phố mới, trong đó có Phố Nguyễn Cơ Thạch. Con phố này bắt đầu từ ngã ba đường Hồ Tùng Mậu (cạnh UBND huyện Từ Liêm) đi qua Khu đô thị Mỹ Đình I, Mỹ Đình II.
Lễ gắn biển Phố Nguyễn Cơ Thạch, ngày 31/8/2008

Vài nét về ông Nguyễn Cơ Thạch

Ông tên thật là Phạm Văn Cương, sinh ngày 15/5/1921, tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Năm 1937, ông bắt đầu tham gia cách mạng, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1943. Ông là đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI...

Nhà ngoại giao tài ba và khôn khéo

Từ tháng 2/1980-7/1991, ông Nguyễn Cơ Thạch được cử giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao. Là nhà ngoại giao thông minh, sáng tạo và có tầm nhìn chiến lược, ông đã có những đóng góp quan trọng vào việc ký kết và thực hiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Trước cục diện chính trị thế giới năm 1989-1991 có bước ngoặt cơ bản, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã khôn khéo chèo lái quan hệ quốc tế của Việt Nam vượt qua những thử thách và biến động trên thế giới, tạo ra đột phá để triển khai chính sách đối ngoại trong thời kỳ đổi mới.

Trên cơ sở tư duy đổi mới, ông Thạch đã đóng góp tích cực và có hiệu quả bằng việc kiến nghị và góp phần chỉ đạo thực hiện những điều chỉnh có ý nghĩa chiến lược về đường lối, chính sách đối ngoại, đưa nước ta thoát khỏi thế bị bao vây, cô lập; tiến hành bình thường hóa và mở rộng quan hệ với các nước, trong đó có những nước lớn và tổ chức quốc tế quan trọng.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người khởi xướng việc đổi mới công tác xây dựng ngành Ngoại giao, coi công tác này quan trọng ngang với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Dưới sự lãnh đạo của ông, bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ ngoại giao có bước phát triển mạnh mẽ.

Ông qua đời ngày 10/4/1998 tại Hà Nội. Trong Điếu văn do Thủ tướng Phan Văn Khải đọc tại Lễ truy điệu ông, có đoạn: "…Hơn 40 năm gắn bó với ngành Ngoại giao Việt Nam, đồng chí đã có những đóng góp to lớn vào việc nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, làm phong phú thêm kinh nghiệm đấu tranh ngoại giao Việt Nam, phát triển quan hệ hữu nghị với các nước, đồng thời chăm lo đến công tác xây dựng ngành và đào tạo đội ngũ cán bộ ngoại giao ngày càng lớn mạnh".

Tháng 1/2007, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng. Tại Lễ truy tặng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: “Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, với phẩm chất một chiến sĩ cộng sản ưu tú, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã dành cả cuộc đời chiến đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với những cống hiến cho ngành Ngoại giao, đồng chí xứng đáng là người con xuất sắc của Ngành, góp phần to lớn đưa Ngoại giao đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác...”.

*

Việc lấy tên ông đặt cho một con phố ở Thủ đô, như lời phát biểu của bà Phan Thị Phúc - phu nhân cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch - “là sự ghi nhận của lịch sử về những đóng góp của ông đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc”.

Hải Hiền