Phó Thủ tướng chỉ đạo giữ ổn định mức học phí năm học 2021-2022 |
Theo thông báo, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục tổng kết, đánh giá việc xã hội hóa biên soạn, phát hành sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội để có các giải pháp kịp thời đề xuất phương án quản lý giá sách giáo khoa phù hợp nhằm bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng thời, phối hợp với các bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức học phí năm học 2021-2022 và thực hiện các khoản thu dịch vụ hỗ trợ giáo dục, đào tạo theo đúng quy định.
Cơ sở giáo dục chia sẻ khó khăn với phụ huynh
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Bộ, UBND các tỉnh, thành và các cơ sở giáo dục về việc giữ ổn định mức học phí để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên và phụ huynh trong tình hình dịch Covid-19.
Theo Bộ GD&ĐT, thời gian qua, theo phản ánh của người dân, một số địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo chưa thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và các văn bản của Bộ GD&ĐT, còn tình trạng một số cơ sở giáo dục và đào tạo tăng học phí, thu một số khoản thu ngoài quy định trong bối cảnh đời sống và kinh tế của người dân đang gặp nhiều khó khăn.
Do đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo khẩn trương rà soát, tổ chức công tác dạy học hợp lý, đảm bảo yêu cầu chất lượng và cắt giảm tiết kiệm tối đa các chi phí để tiết giảm các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo không cần thiết và giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như mức học phí năm học 2020-2021 đã ban hành.
Đối với việc triển khai dạy học trực tuyến, Bộ đề nghị các địa phương và cơ sở giáo dục cần căn cứ các công văn, hướng dẫn của Bộ để tính toán xác định mức thu hợp lý trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học, theo nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh trong tình hình dịch bệnh và công khai, minh bạch.
Bên cạnh các chính sách miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập theo các quy định của Nhà nước, các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu và chỉ đạo các cơ sở giáo dục kêu gọi và huy động các nguồn lực xã hội để có các chính sách hỗ trợ thêm như: miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo cho các học sinh, sinh viên và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong năm học 2021-2022.
Bộ cũng đề nghị các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với xã hội về hoạt động của cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý, trong đó đặc biệt quan tâm đến các khoản thu theo đúng quy định, để cùng chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh, sinh viên.
| Người đồng hành với học sinh không thay đổi, triết lý giáo dục vẫn sẽ 'vẽ trên giấy'? Dù triết lý giáo dục tốt, đúng đắn nhưng thầy cô giáo lẫn cha mẹ không thay đổi tư duy thì những triết lý giáo ... |
| TP. Hồ Chí Minh: Điểm chuẩn xét tuyển vào lớp 10 của 108 trường THPT Sáng 23/8, Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 của 108 trường THPT trên địa bàn. |