Đại diện các quốc gia thành viên NAM tham dự Hội nghị 50 năm Phong trào Không liên kết tại Beograde (Serbia) hôm 5/9/2011. |
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Lương Minh dẫn đầu tham gia Hội nghị. Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Lương Minh đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về những thách thức mà NAM đang gặp phải cũng như những đóng góp của Việt Nam cho Phong trào.
Xin Thứ trưởng cho biết đôi nét về Hội nghị kỷ niệm 50 năm Phong trào Không liên kết?
Hội nghị kỷ niệm 50 năm Phong trào Không liên kết tại Serbia đầu tháng 9/2011 là một sự kiện đặc biệt của Phong trào. Sau 50 năm, các nước thành viên Không liên kết lại tập hợp tại thành phố Beograde, ngay chính nơi khai sinh ra Phong trào để cùng nhau ôn lại quá trình phát triển của Phong trào nửa thế kỷ qua và định hướng cho con đường phát triển của Phong trào trong thời gian tới. Hội nghị tập trung đánh giá tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, thảo luận những thách thức mới đối với Phong trào cũng như các biện pháp tăng cường sự đoàn kết, tính năng động và vai trò của Phong trào trong bối cảnh quốc tế mới.
Phong trào Không liên kết đang đứng trước những thách thức gì, thưa Thứ trưởng?
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, các nước Không liên kết và đang phát triển nói chung đang đứng trước những thách thức to lớn về phát triển kinh tế và các tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa. Trong khi vẫn phải tiếp tục nỗ lực giải quyết các vấn đề nan giải như tình trạng đói nghèo, bất ổn xã hội, xung đột sắc tộc, tôn giáo và các vấn đề toàn cầu cấp bách, nhiều nước đang phát triển đồng thời phải đối phó với chính sách cường quyền, áp đặt và can thiệp của bên ngoài. Đồng thời, do khó khăn nội tại và sức ép của bên ngoài đối với một số thành viên, trong Phong trào xuất hiện xu hướng đi chệch các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của Phong trào thể hiện qua quan điểm về việc giải quyết một số xung đột khu vực và thái độ đối với các vấn đề nhạy cảm, trong đó các nguyên tắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia đã không được tôn trọng.
Là một thành viên tích cực của Phong trào, Việt Nam đã và sẽ có đóng góp gì cho sự phát triển của Phong trào?
Thông qua cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ chống ngoại xâm, giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc của mình, Việt Nam đã sớm gắn bó và đóng góp vào quá trình phát triển của Phong trào Không liên kết. Việt Nam đã tham dự Hội nghị Á-Phi năm 1955 tại Indonesia, tiền thân của Phong trào Không liên kết. Tại Hội nghị, ta đã tích cực thúc đẩy đoàn kết giữa các nước mới giành độc lập, góp phần xác lập những nguyên tắc cơ bản sau này trở thành các nguyên tắc chỉ đạo cho hoạt động của Phong trào. Trong những năm 1960-1970, tuy chưa là thành viên chính thức của Phong trào, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh của các nước Không liên kết và đang phát triển bằng việc đi đầu trong phong trào giải phóng dân tộc, góp phần quan trọng xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, chống đế quốc. Từ 1976 khi ta tham gia Phong trào, Việt Nam luôn tích cực phối hợp chặt chẽ các nỗ lực tăng cường sự đoàn kết của Phong trào, đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của Phong trào vì các mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội và phát triển.
Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và chủ trương tích cực và chủ động hội nhập quốc tế của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục phấn đấu tham gia một cách hiệu quả, thực chất vào công việc của Phong trào Không liên kết. Chúng ta sẽ tích cực phối hợp cùng các nước Không liên kết phấn đấu duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, tạo dựng môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển của các dân tộc thông qua việc thúc đẩy đối thoại để ngăn ngừa, giải quyết các tranh chấp, xung đột trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Chúng ta sẽ thúc đẩy tăng cường đoàn kết để tăng cường sức mạnh của Phong trào, kiên trì các mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của Phong trào, tăng cường hợp tác Nam-Nam trong việc ứng phó với nhiều vấn đề toàn cầu như tác động của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế, vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, bảo đảm nguồn nước. Chúng ta sẽ tích cực đóng góp vào cuộc đấu tranh của Phong trào nhằm dân chủ hóa quan hệ quốc tế thông qua việc cải tổ LHQ và các thể chế đa phương, kể cả các thể chế tài chính, nhằm đảm bảo các thể chế này có thể ứng phó tốt hơn với khủng hoảng và phục vụ lợi ích của các nước thành viên, đặc biệt các nước đang phát triển./.