📞

“Phóng viên chiến trường” của Patrick Chauvel

16:00 | 10/06/2013
Năm 1968, chàng trai Patrick Chauvel, con trai một nhà báo nổi tiếng và cháu đích tôn một đại sứ Pháp, rời Paris để đến với Sài Gòn trong giai đoạn chiến tranh ác liệt. Lần đầu tiên đối mặt với một Việt Cộng bằng xương, bằng thịt khi cả hai đâm xầm vào nhau lúc cùng chạy ngược chiều trong một con phố nhỏ tại Chợ Lớn vào thời điểm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của nhân dân miền Nam mà sau này báo chí quốc tế thường gọi là cuộc tấn công Tết Mậu thân hoặc Tết 68 đang diễn ra là một kỷ niệm không thể nào quên đối với Chauvel.
Ông Patrick Chauvel phát biểu tại buổi giới thiệu phim.

Lúc đó anh vừa bước sang tuổi 19. Sài Gòn là điểm khởi đầu cho một chặng đường dài 35 năm là phóng viên chiến trường tại khắp các điểm nóng trên thế giới của anh. Các bức ảnh của anh xuất hiện nhiều lần trên trang nhất những tạp chí và tờ báo lớn trên thế giới. Anh đã nổi tiếng trong làng báo nhiều năm trước khi được nhận giải World Press danh giá vào năm 99.

Người lính trở về nhà khi cuộc chiến kết thúc nhưng những phóng viên chiến trường như anh lại đến với một cuộc chiến khác, ở một nơi nào đó trên trái đất còn nhiều xung đột này. Họ hiểu rõ những thách thức, vất vả và mất mát đang chờ họ giữa hai làn đạn trong khi thực hiện công việc báo chí của mình. Lúc sinh thời, Isabel Ellsen, một nữ phóng viên đã trải qua 12 năm ở các chiến trường khác nhau, từ Nam Tư cũ, Somalia đến Vùng Vịnh từng viết “Chauvel chắc chắn là phóng viên nhiếp ảnh dũng cảm nhất, hào phóng nhất, hài ước nhất mà tôi từng biết. Anh là kẻ phiêu lưu đích thực. Cơ thể anh là một vết sẹo lớn... Sau lần bị hai lính thủy đánh bộ Mỹ bắn trọng thương tại Panama bằng súng M16, anh đã nhiều lần bị coi như đã chết trên thực địa... Chúng tôi tự hỏi phải chăng anh là người gác cổng thiên đường, khu dành cho nhiếp ảnh”

Giao lưu với đồng nghiệp Việt Nam và khán giả.
Thấu hiểu sâu sắc những rủi ro, những ngộ nhận của công chúng cũng như trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, Patrick Chauvel đã dành gần 3 năm để những người bạn đồng nghiệp của mình kể lại những câu chuyện, những trải nghiệm và những suy nghĩ của họ trong bộ phim “Phóng viên chiến trường”. Bộ phim phóng sự tài liệu này như lời tâm sự của tác giả với chính bản thân mình và với những bạn đồng nghiệp. Bộ phim cũng giúp công chúng hiểu rõ hơn về công việc và những con người đã ghi lại bằng hình ảnh những ký ức cũng như những nỗi đau của nhân loại, về “các nhà báo chính là những người chép sử đương đại” như nhà sử học Dương Trung Quốc từng nhận xét.

Patrick Chauvel đã dành tặng buổi chiếu “Phóng viên chiến trường” vào tối ngày 8/6 vừa qua tại Hà Nội cho những phóng viên chiến trường Việt Nam, những người mà anh luôn kính trọng, khâm phục và ước ao có dịp được gặp. Mong là sẽ có thêm một bộ phim nữa về Việt Nam sau những cuộc gặp của anh với các phóng viên chiến trường Việt Nam với những đạo diễn như Ma Cường, Văn Yên...

“Phóng viên chiến trường” là một trong những bộ phim hấp dẫn được công chiếu trong khuôn khổ Tuần lễ Phim tài liệu quốc tế 2013 do Công ty TNHH Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương phối hợp với Hiệp hội các tổ chức văn hóa châu Âu (EUNIC) tổ chức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Vũ Hải