Etcetera Nguyễn (giữa) trong chuyến trở về Việt Nam đưa tin về chương trình Trại hè 2013. |
Nhân chuyến trở về Việt Nam đưa tin về chương trình Trại hè 2013 của anh, bên ly cà phê Hà Nội, Etcetera Nguyễn đã dành cho tôi một cuộc trò chuyện không chút khách sáo về cái nghiệp báo đã đeo bám anh, hay anh đã đeo bám nó, đến nay đã chẵn 10 năm.
“Không bao giờ ngưng"
Etcetera Nguyễn sinh năm 1968 tại Sài Gòn với tên khai sinh là Nguyễn Quang Trường. Năm 1988, anh tốt nghiệp phổ thông trung học sau khi việc học hành bị gián đoạn mất 4 năm vì những biến cố lịch sử. Với niềm đam mê hội họa và những năng khiếu sớm được bộc lộ, gia đình đã quyết định để anh một mình sang Mỹ thực hiện ước mơ của mình. Do điều kiện lịch sử thời điểm đó, chàng thanh niên 20 tuổi Nguyễn Quang Trường đã vượt biên sang Thái Lan và sống trong trại tị nạn tại đây 3 năm. Vì bố anh từng là sĩ quan quân đội của chế độ cũ nên Quang Trường được phía Mỹ chấp nhận cho nhập cư.
Anh kể: "Những năm đầu sang Mỹ, tôi vừa làm việc để kiếm sống, vừa theo học ngành đồ họa. Thế nhưng, khi chưa tốt nghiệp thì tôi quay ra làm công việc tạo mẫu, vẽ mẫu thuê và lang thang khắp các tiểu bang của Mỹ để tìm hiểu đời sống người dân. Đến năm 1999, nhận thấy bang California là nơi có đông người Việt sinh sống, môi trường và điều kiện khí hậu ấm áp, giống như Đà Lạt của Việt Nam nên tôi quyết định định cư tại đây với nghề hội họa của mình".
Etcetera - đó là một cái tên mà chính Quang Trường cũng thừa nhận là nó chẳng giống ai. Anh chia sẻ: "Đó là bút danh của tôi từ khi vẽ biếm họa cho các báo, trong tiếng Latin có nghĩa là "còn nữa", không bao giờ ngưng..., rất phù hợp với sở thích và công việc của tôi. Sau đó, tôi chuyển bút hiệu thành tên luôn vì đối với người Mỹ thì cái tên Etcetera có lẽ là dễ gọi hơn là tên thật của tôi là Nguyễn Quang Trường".
Năm 2002, Etcetera mở một phòng tranh nhỏ mang tên Mini ở trung tâm Little Saigon (miền Nam California) để làm triển lãm tranh, đồng thời, tiếp tục vẽ biếm họa cho các tờ báo. Năm 2004, do nhu cầu của phòng tranh, anh quyết định ra một ấn bản để phục vụ cho công việc này với cái tên Mimi News (bản tin của studio Mimi). Đây chính là cơ duyên dẫn Etcetera Nguyễn đến với một nghề tay trái - nhưng cũng có thể là nghề tay phải, đó là: Làm báo.
Một năm sau, ý tưởng xuất bản một ấn phẩm hàng tuần với nội dung được mở rộng hơn là ngoài vấn đề nghệ thuật còn đề cập đến vấn đề chính luận, thời sự, và phản ánh tin tức địa phương ở vùng Little Saigon đã đến với Etcetera. Anh cùng với người bạn của mình là Lê Vũ (hiện là Chủ nhiệm tuần báo Việt Weekly) nhanh chóng khép lại tờ Mini News và ngay sau đó, tờ Việt Weekly ra đời.
"Làn gió mới" ở Little Saigon
Sự ra đời của Việt Weekly đã gây ra hiện tượng ở cộng đồng thời điểm đó bởi đã mở ra một hướng đi hoàn toàn mới so với cách làm báo thông thường tại đây. Etcetera Nguyễn giải thích: "Hầu hết người làm báo ở Litte Saigon thời điểm đó đều là những người lớn tuổi. Họ đã trải qua quá trình lịch sử liên quan đến chế độ cũ và mới nên định kiến về Việt Nam của họ rất nặng nề. Riêng tờ Việt Weekly thì quy tụ những anh em trẻ hơn và hướng mới của chúng tôi tuân thủ slogan: "Sự thật và diễn đàn". Làm báo, ai cũng bảo mình nói sự thật nhưng sự thật không thể thiếu sự khách quan và diễn đàn chính là cách tạo cho mọi người có cơ hội nói sự thật. Với slogan đó, chúng tôi ra đường, gặp gỡ người dân và qua đó, họ có thể trực tiếp phản ánh - đặt vấn đề với nhà chức trách".
Lĩnh vực thông tin mà Việt Weekly đề cập cũng rất mới: "Thời điểm đó, trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, từ đề tài cho tới cái nhìn về vấn đề chính trị đối với Việt Nam còn rất nặng nề. Tin tức được truyền tải trong cộng đồng phần lớn là những cái nhìn tiêu cực về Việt Nam. Khi đó, mối quan hệ bang giao Việt - Mỹ chưa sâu sắc như hiện nay nên chúng tôi thường ví cộng đồng người Việt ở Mỹ giống như một bộ lạc tách rời khỏi xã hội chung và trong đó có những ông tù trưởng rất cứng rắn, không cho phép ai được ra khỏi "vùng cấm" của bộ lạc. Người ta cấu kết với nhau để duy trì thái độ cực đoan ấy trong cả cộng đồng. Những người muốn thoát ra đều bị chụp mũ là "Cộng sản", "làm ăn thân Cộng"... Thậm chí, có những doanh nghiệp muốn tìm hiểu, muốn đi đi - về về làm ăn với trong nước thì chỉ dám lặng lẽ đi - về mà không dám nói ra. Ngay cả trong các chợ của người Việt, những hàng hóa có dòng chữ "Made in Vietnam" cũng có thể trở thành vấn đề bất cứ lúc nào. Những điều gì bị cho là không đúng đều có thể bị họ khống chế bằng biểu tình, phản đối, kêu gọi tẩy chay..." - Etcetera chia sẻ.
Năm 2004, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco tổ chức tiệc đón Tết Nguyên đán cho cộng đồng người Việt tại đây. Cho đến thời điểm đó, các báo cộng đồng không hề đưa bất kỳ vấn đề nào liên quan đến Việt Nam... Nhưng, Việt Weekly đã tới dự buổi tiệc, đưa tin và phỏng vấn các nhân vật ngoại giao Việt Nam để đưa những tiếng nói này tới cộng đồng. Đó là cú sốc đầu tiên đối với các vị "tù trưởng" và cũng là điều mới mẻ chưa từng có trong đời sống báo chí của cộng đồng.
Năm 2006, Việt Weekly được mời về Việt Nam đưa tin về sự kiện APEC và tuần báo đã nhận lời với 3 phóng viên tham dự là Etcetera, Lê Vũ và Vũ Hoàng Lân. Đó là lần đầu tiên Etcetera trở về Việt Nam sau 18 năm xa cách và các tin bài các anh gửi về trong 2 tuần tác nghiệp tại Việt Nam, ghi lại những đổi thay của quê hương... đã khiến lượng phát hành của Việt Weekly tăng vùn vụt.
"Nốt trầm" và cú hích mới
Năm 2007, Etcetera cùng các đồng nghiệp của mình trở lại Việt Nam lần thứ 2. Anh kể lại: "Trong chuyến đi đó, chúng tôi đã có dịp phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và khi trở về đã đăng hình ông Kiệt lên trang nhất. Khi báo xuất bản, cả cộng đồng "chết lặng" trước sự "táo bạo" này và nhờ đó, lượng phát hành của tờ báo lên tới 45.000 bản ở cả hai miền Nam - Bắc California và Canada. Đúng lúc đó, những người chống Cộng bắt đầu biểu tình, quyết tâm “triệt hạ" tiếng nói của chúng tôi và cuộc phỏng vấn ông Kiệt chính là cái cớ".
Theo Etcetera, trong suốt thời gian đó, Việt Weekly bị biểu tình cả năm trước cửa tòa soạn. Các doanh nghiệp quảng cáo trên tờ báo thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại, những lá thư khuyến cáo nên dừng việc quảng bá trên Việt Weekly. Đồng thời, với quyền lực của mình, các "tù trưởng" còn cấm tất cả các chợ của người Việt phát hành tờ báo này. Vì thế, hoạt động bán và mua báo Việt Weekly - dù không vi phạm luật pháp nước Mỹ - nhưng lại "diễn ra lén lút”.
"Đòn chí tử" đánh vào kinh tế khiến tờ báo gần như kiệt quệ. Từ số phóng viên và cộng tác viên đông đảo, tòa soạn chỉ còn vỏn vẹn 2 lãnh đạo và 2 phóng viên với lượng phát hành giảm xuống 5.000 bản/kỳ. Liên tục 4 năm trời, Việt Weekly đối mặt với những "cơn bão" tài chính. Trong thời kỳ đen tối nhất ấy của Việt Weekly, rất nhiều lần Etcetera nghĩ, "có lẽ số mình làm báo không xong rồi". Nhưng Chủ nhiệm Lê Vũ nhiều lần động viên anh: "Mình đừng nghĩ mình đang đứng ở đâu, tài sản có bao nhiêu mà hãy nghĩ mình sẽ đi về đâu trong tương lai?".
Việt Weekly chuyển hướng sang làm báo mạng để tiết kiệm chi phí in ấn cũng như giải quyết hẳn được khâu phát hành. Mô hình mới của tờ báo được hình thành. Và, tháng 5/2013, sau 5 tháng thử nghiệm, Google và Youtube đã chấp nhận trả quảng cáo cho những mạng bằng tiếng Việt có đăng tải thông tin trên Youtube. Nhờ đó, Việt Weekly không còn lo chạy quảng cáo mà chỉ lo làm báo cho thật hay để có thật nhiều người xem. Đó là một cú hích lớn cho Việt Weekly.
Anh hào hứng: "Chúng tôi quyết định trở về Việt Nam vì với thị phần gần 90 triệu người ở Việt Nam, chúng tôi có thể có 1 triệu độc giả thì về phương diện tài chính, chúng tôi hoàn toàn được đảm bảo. Đầu năm nay, chúng tôi đã chính thức tiến hành các thủ tục xin lập Văn phòng Việt Weekly tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tôn trọng các quy định của nhà nước, chỉ phản ánh về vấn đề dân sinh, văn hóa nghệ thuật. Tôn chỉ đó cũng rất phù hợp với khởi đầu của Việt Weekly 10 năm về trước".
Khánh Nguyễn (ghi)