Nhà văn và nhà viết kịch Anh nổi tiếng Bernard Shaw từng đưa ra một nghịch lý: đừng cho chị em là phái yếu, bị đàn ông chinh phục. Chính phụ nữ mới là phái khỏe, vì cuối cùng bao giờ đàn bà cũng thắng đàn ông. Lập luận của Shaw dựa vào sinh học. Trong loài vật, các con cái được thiên nhiên giao nhiệm vụ sinh sản để giống nòi tồn tại. Có loài, con cái ăn thịt con đực sau khi “anh chàng” mây mưa xong. Phụ nữ cũng vậy. Dịu dàng hay gai góc, thần phục hay bướng bỉnh, nũng nịu, chiều chuộng, khóc lóc, khiêu khích…đều là những thủ thuật có ý thức hoặc không có ý thức để đàn bà đạt được mục đích cuối cùng.
Lập luận của Shaw đúng hay sai, xin hãy tạm gác sang một bên. Chỉ riêng cái việc kinh nguyệt, chín tháng mang thai, những bất trắc khi đẻ (đa số phụ nữ trên thế giới vẫn đẻ đau), vất vả nuôi con cũng đủ là một gánh nặng cho phụ nữ. Lại còn cái gánh nặng nội trợ, bếp núc, giặt giũ, hầu hạ chồng con, ấy là không kể lao động kiếm tiền.
Đối với phụ nữ các nước đang phát triển, câu thơ của Nguyễn Du vẫn còn có tính thời sự:
“Đau đớn thay phận đàn bà”
Phụ nữ mới là “phái mạnh”. |
Phụ nữ Hồi giáo vất vả nhất, chồng có quyền lấy đến bốn vợ, mình phải có mạng che mặt, hễ bị hiếp dâm thì bị coi là làm ô nhục gia đình, có nhiều nơi cha và anh, em trai có quyền giết mà hầu như vô tội. Ở Ấn Độ, một bộ phận phụ nữ góa chồng…có khi mới hơn mười tuổi, không được tái giá, phải che mặt đi lang thang ăn mày ở các đền cho đến khi chết.
Ở Việt Nam, thân phận phụ nữ đã đỡ đau khổ, giá trị được nâng lên qua cách mạng và mấy chục năm tham gia chiến tranh trực tiếp hay gián tiếp. Nhưng vẫn còn nhiều bất bình đẳng giữa nam và nữ, nhiều khó khăn về vật chất, đau khổ về tinh thần (ảnh hưởng khinh nữ của Khổng học còn tồn tại, kinh tế thị trường phá hoại gia đình…).
Nhưng chính trong những thử thách của hơn nửa thế kỉ qua, nhiều phụ nữ Việt Nam bình thường đã giữ và phát huy truyền thống: hy sinh một cách lặng lẽ và bền bỉ vì sự nghiệp của chồng, tương lai của con, yên vui của nhà chồng, đóng góp xây dựng tình đoàn kết xóm giềng, bạn bè. Những người đàn bà như vậy quanh ta không thiếu, tôi chỉ xin đơn cử chị N, vợ nhà thơ V.
Chị nguyên là một cô gái Thái xinh đẹp ở Thuận Châu, họ nhà lang. Thời Pháp thuộc, anh V. tốt nghiệp sư phạm, lên dạy học ở quê chị vào những năm đầu thập kỉ 40. Một mối tình thơ mộng gắn bó đôi trai gái. Cuối cùng, anh V. cũng cưới được chị N. mặc dù gia đình chị không muốn gả con gái cho người miền xuôi.
Chị phải lo thu vén cho cả nhà đủ bữa, nuôi con ăn học đến bác sĩ, thẩm phán. Nhưng một loạt tai ương giáng xuống gia đình: mẹ chồng, bố chồng ốm đau liên miên lần lượt ra đi, một con trai thông minh, bỏ thi tốt nghiệp phổ thông, xung phong đi Nam chiến đấu và hi sinh, một con trai vào dạy học ở Lâm Đồng bị mất trí phải nghỉ việc, một đứa cháu gái từ lúc sinh ra đến nay 19 tuổi sống nằm, hầu như vô tri, do nhiễm chất độc da cam bởi bố đi bộ đội. Chồng 80 tuổi bị cưa một nửa ống chân do tắc động mạch...
Đến thăm anh chị, tôi tưởng tượng nếu mình ở vị trí của chị, chỉ độ một tiếng đồng hồ thì đầu óc sẽ ra sao: một phòng chồng vừa mổ xong, phòng bên con mất trí, trên gác cháu nằm bất động, bản thân chị suy nhược thần kinh do mất ngủ mà vẫn phải chăm nom cả ba thế hệ người thân với tinh thần y tá vốn là nghề của chị.
Đất nước ta có biết bao phụ nữ bình thường là những anh hùng vô danh như vậy. Thật đáng kính nể vì đó là những nhân tố bảo tồn bản sắc dân tộc Việt Nam suốt chiều dài lịch sử.