Một khu giam giữ những người cộng sản được tái hiện ở Phú Quốc. |
Chỉ mới cách đây hơn bốn thập niên, cả thế giới còn gọi nơi đây là "địa ngục trần gian". Vậy mà Phú Quốc hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày, hứa hẹn một tương lai sáng lạn.
Quá khứ đau thương
Đầu năm 1966, đế quốc Mỹ cho xây một trại giam trung ương thuộc ấp 5, xã Dương Tơ (nay là xã An Thới, cực Nam đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) và giao cho Phòng quân cảnh thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội ngụy quyền Sài Gòn trực tiếp quản lý.
Trại giam tù binh Phú Quốc - trại giam lớn nhất của đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam Việt Nam là nơi giam giữ hơn 30 nghìn chiến sĩ yêu nước và dân thường bị chúng bắt trong các cuộc càn quét và bị gán cho cái mác Việt Cộng. Những trò tra tấn tù binh hết sức man rợ của bọn cai ngục, sự đối xử với con người không khác súc vật khiến nơi đây có cái tên "địa ngục trần gian".
Bước chân ra khỏi khu di tích nhà tù Phú Quốc, không chỉ những người lớn tuổi trong đoàn tham quan mà các bạn trẻ cũng hết sức bàng hoàng và xúc động. Tôi lắng nghe hai bạn trẻ nói chuyện cùng nhau: "Sao mà giặc Mỹ nó ác thế? Thật kinh hãi!".
Hãy thử một lần đến thăm khu di tích "Trại giam tù binh Phú Quốc" để chứng kiến nỗi đau mà người dân Việt Nam đã phải gánh chịu - dù chỉ trong ký ức - để hiểu được sự quý giá của độc lập tự do, của hòa bình cho đất nước Việt Nam hôm nay.
Hiện tại phát triển
Sau khu di tích nhà tù Phú Quốc, chúng tôi đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc tại khu phố 10, thị trấn Dương Đông - là nơi yên nghỉ của hơn 3000 anh linh các liệt sĩ. Xe chở đoàn chạy dọc đại lộ Dương Đông vẫn còn trong quá trình thi công dang dở, anh hướng dẫn viên vui tính ví von: "Chúng ta đang chạy trên Quốc lộ 1 của Quốc đảo" vì đây là tuyến đường huyết mạch từ cực Bắc đến cực Nam của huyện đảo Phú Quốc.
Các công trình đang dần mọc lên trên một huyện đảo đầy tiềm năng về du lịch. Về Phú Quốc hôm nay, du khách không chỉ được nghỉ ngơi trong cảnh thanh bình của các khách sạn, các khu resort sang trọng, được tắm táp trên các bãi biến trong lành mà còn được thưởng thức các đặc sản nơi đảo Ngọc.
Ngọc trai là sản phẩm có giá trị kinh tế rất cao và Phú Quốc cũng là nơi có sản lượng ngọc trai lớn nhất cả nước. Du khách đi đến đâu trên đảo đều thấy ngọc trai được bày bán. Ai ra thăm đảo Ngọc, trước khi ra về cũng mua một vài chuỗi ngọc trai về tặng những người thân yêu của mình.
Nhắc đến Phú Quốc không thể không nhắc đến nước mắm. Mỗi ngày, du khách thập phương "lấy đi" của Phú Quốc hàng ngàn lít nước mắm. Đặc sản rượu sim cũng tạo nên những ấn tượng đặc biệt cho những ai từng nếm thử. Du khách có thể nếm rượu ngay tại nơi sản xuất. Đó cũng là cách làm phong phú thêm bức tranh đa diện về sản xuất kinh doanh của huyện đảo hôm nay.
Tương lai tươi sáng
Rời Phú Quốc bằng tàu cao tốc, trong cuộc trò chuyện giữa các thành viên trong đoàn, anh bạn ngồi kế bỗng hỏi tôi: "Tại sao Phú Quốc, với tiềm năng như vậy mà lại chưa thể phát triển như nhiều nơi trong khu vực?". Chìm trong suy tư, tôi trả lời: "Nếu chúng ta có chiến lược và đầu tư đúng mức, thì Phú Quốc trong tương lai có thể sẽ giống như Singapore trong khu vực chẳng hạn". Nhưng tôi biết, đó là một ước mơ khó trở thành sự thật, trong tương lai gần.
Thế mạnh nhất hiện nay của Phú Quốc là tiềm năng du lịch. Phú Quốc đang được xem là vốn quý nhất để phát triển du lịch sinh thái với các lý do đầy thuyết phục. Hòn đảo này không chỉ có bờ biển đẹp và các điểm du lịch lặn, khí hậu ôn hòa, Phú Quốc còn là cụm đảo khá lớn, có thổ nhưỡng phì nhiêu, nguồn nước ngọt dồi dào và các bãi tắm đẹp… Đó là nguồn tiềm năng du lịch sinh thái biển, kết hợp bảo tồn thiên nhiên, nghiên cứu khoa học. Trên bãi biển, ở khách sạn hay trong các khu resort… trên đảo Phú Quốc, đi đâu cũng gặp du khách ngoại quốc. Điều đó chứng tỏ Phú Quốc có khả năng hấp dẫn khách du lịch quốc tế. Điều cần thiết hiện nay là đầu tư cơ sở hạ tầng đúng mức để đưa Phú Quốc trở thành một thành phố du lịch, tạo ra một nguồn thu lớn cho kinh tế địa phương.
Ngoài tiềm năng du lịch, có thể kể tới tiềm năng kinh tế biển phong phú. Biển Phú Quốc có dòng hải lưu nóng chảy qua nên loại cá cơm thu hoạch trên dòng hải lưu này có độ đạm cao, rất thích hợp để chế biến nước mắm. Ngọc trai nuôi tại biển Phú Quốc với tỷ lệ có ngọc rất lớn và chất lượng ngọc không đâu sánh bằng…
Giữa biển khơi đầy sóng, khung cảnh "đảo ngọc" đang xa dần, trong tôi lại văng vẳng câu ca của nhạc sĩ Hải Như mà tôi có sửa lại chút xíu: "Phú Quốc ơi! Hôm nay bé nhỏ nhưng mai ta đã thấy rộng dài rực sáng, sánh vai cùng Sài Gòn, Đà Nẵng quê hương". Tôi lại ước mình có được khả năng sáng tác của một nhạc sĩ để tặng cho Phú Quốc một bản tình ca của riêng mình.
Nguyễn Sỹ Hồ
Thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020, Kiên Giang quy hoạch chi tiết 22 khu du lịch với tổng diện tích 5.172,5 ha; trong đó có 11 khu du lịch sinh thái, 2 khu du lịch hỗn hợp, 2 khu phức hợp, 3 khu du lịch ngoài chức năng khác và 4 sân golf. Kiên Giang hiện đang tăng cường quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của du lịch Phú Quốc, các đề án quy hoạch, dự án thu hút đầu tư, các cơ chế chính sách ưu đãi với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Địa phương này đã thu hút 145 dự án phát triển du lịch và 480 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, tổng vốn đăng ký 915 tỷ đồng. Các cơ sở kinh doanh, hoạt động du lịch trên đảo Phú Quốc được đầu tư xây dựng khang trang, với 100 nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ có khả năng phục vụ 2.500 khách lưu trú/ngày. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 633/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030, trong đó xây dựng Phú Quốc trở thành một thành phố biển đảo, trung tâm du lịch, dịch vụ cao cấp và khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Theo dự báo, đến năm 2020 Phú Quốc sẽ đón 2-3 triệu khách/năm và đến năm 2030 là đón khoảng 5-7 triệu khách/năm. Vùng phát triển du lịch sinh thái, tổng diện tích 3.051 ha bố trí dọc theo bờ biển phía Tây đảo. Nơi đây sẽ được đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, giải trí thể thao biển, sân golf, công viên chuyên đề biển, tham quan làng nghề, làng chài truyền thống, du lịch sinh thái hỗn hợp... Ngoài ra, còn có vùng phát triển du lịch hỗn hợp 810 ha và vùng phát triển phức hợp du lịch, dịch vụ có diện tích 1.235 ha ở khu vực Bãi Trường... Phú Quốc xây dựng các điểm du lịch đặc trưng, gồm: điểm tham quan khu tưởng niệm nhà tù Phú Quốc, Suối Tranh, Suối Tiên, Suối Đá Bàn, Suối Lớn, núi Chúa, núi Ra Đa, núi Điện Tiên, núi Ông Phụng, Trâu Nằm, Gành Dầu, hồ Cửa Cạn, sông Rạch Tràm, sông Rạch Đầm, sông Dương Đông và nhiều điểm du lịch làng nghề, làng chài truyền thống. |