ThS. Bác sĩ Lê Quốc Tuấn cho rằng cần thiết phủ vaccine Covid-19 để giảm thiểu lây lan trong cộng đồng. |
Tính đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã trải qua 3 tháng rưỡi giãn cách xã hội với các cấp độ khác nhau (kể từ ngày 31/5). Hiện tại, số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn cao, tuy nhiên, việc điều trị bệnh nhân Covid-19 đã có những thay đổi để thích hợp với tình hình mới.
Thế giới & Việt Nam có trao đổi với ThS.BS Lê Quốc Tuấn, giảng viên Bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh Miễn dịch, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh một số vấn đề về Covid-19 hiện nay.
Ông có đánh giá, góp ý gì về việc chống dịch cũng như các thay đổi trong hướng điều trị bệnh nhân Covid-19?
Sau 3,5 tháng, ban lãnh đạo chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều bước chuyển hướng theo kịp tình hình dịch bệnh.
Theo đó, Việt Nam là một trong nhiều quốc gia đang phải đối mặt với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, một chủng có khả năng lây lan tương đối nhanh trong cộng đồng.
Do vậy, hiện tại, TP. Hồ Chí Minh và cả nước nói chung cần tập trung vào 2 vấn đề tối quan trọng là giảm thiểu lây lan và giảm số ca nặng hoặc tử vong. Phủ vaccine toàn dân là đáp án cho bài toán giảm thiểu lây lan trong cộng đồng, thuốc kháng virus đặc hiệu là đáp án cho câu chuyện ngăn ngừa bệnh Covid-19 trở nặng.
Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình này lên việc quản lý Covid-19, TP. Hồ Chí Minh cần lựa chọn kỹ càng cách thức thực hiện. Đối với việc tiêm vaccine, tiến hành nhanh chóng là đúng đắn, nhưng không được quá “thần tốc”.
Tập trung nhiều người dân tại cùng một thời điểm làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo. Các địa phương nên có kế hoạch phân nhỏ dân đến điểm tiêm theo từng khung giờ, từng tổ dân phố, tránh tình trạng ùn ứ. Trong điều kiện chưa cung ứng đủ vaccine, đối tượng được ưu tiên tiêm ngừa là người lớn tuổi, bệnh nền và béo phì. Đây là những người có nguy cơ cao trở nặng khi mắc Covid-19.
Đối với thuốc kháng virus, thế giới và cả nước ta đều đang cho thử nghiệm lâm sàng nhóm Monulpiravir, nếu thành công và được chấp thuận sử dụng phổ biến thì người dân sau khi tiếp xúc hoặc phơi nhiễm virus có thể dễ dàng tiếp cận, bệnh Covid-19 sẽ được điều trị dễ dàng như cảm cúm thông thường. Lưu ý, thời điểm dùng thuốc kháng virus phải thật sớm thì mới có hiệu quả và chỉ có thuốc dạng viên uống mới giải quyết được vấn đề.
Thuốc Remdesivir cũng là thuốc kháng virus, nhưng là thuốc dạng tiêm chỉ dùng trong bệnh viện nên người dân không thể tiếp cận sớm trong quá trình bệnh được.
Ngoài ra, một số thuốc kháng virus khác như Ribavirin hay Favipiravir cũng có hiệu quả với SARS-CoV-2 và cũng cần được đưa vào nghiên cứu đánh giá.
Mô hình phủ vaccine toàn dân kết hợp phổ biến sớm thuốc kháng virus là giải pháp tối ưu để thay thế cho mô hình giãn cách xã hội nhiều ngày qua, giúp nền kinh tế mau phục hồi. Ngoài ra, tuân thủ tốt 5K, nhất là khẩu trang và rửa tay thường xuyên, luôn luôn là nền tảng cho tất cả các mô hình chống dịch.
Đối với F0 điều trị tại nhà, vấn đề dinh dưỡng là quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh “ai ở đâu ở yên đó”, việc mua thực phẩm khá khó khăn từ “đi chợ hộ” quá tải đến thiếu shipper... Theo bác sĩ, người nhà hay bệnh nhân phải chuẩn bị những thực phẩm gì tiện lợi nhất mà vẫn đủ dinh dưỡng để chiến đấu với SARS-CoV-2 trong những ngày này?
Khi mắc bệnh, ngoài việc dùng thuốc điều trị thì người bệnh còn cần 2 vấn đề quan trọng khác là tâm lý và dinh dưỡng. Có thể nói, tâm lý ổn định, dinh dưỡng đầy đủ và tránh lạm dụng thuốc là chìa khóa giúp 80% các ca F0 lành bệnh ngay tại nhà.
Thực tế, mọi người đều có khả năng trở thành F0 khi sống trong vùng dịch, do đó chúng ta luôn chủ động chuẩn bị trước để tránh tâm thế bối rối, hoảng loạn.
Về mặt dinh dưỡng, mỗi gia đình nên chuẩn bị sẵn gạo, mì gói, bột ngũ cốc và các đồ hộp dự phòng. Khi bệnh, cơ thể sẽ mệt mỏi và thường không muốn ăn, tuy nhiên tuyệt đối không được bỏ ăn, nếu không ăn cơm thì ăn cháo hoặc ngũ cốc, tránh việc chỉ uống sữa cả ngày vì sữa không đủ dinh dưỡng. Nhiều người nhiễm bệnh trở nặng chỉ vì không chịu ăn uống dẫn đến suy kiệt, giảm sức đề kháng nhanh chóng.
Về mặt tâm lý, mỗi người dân hãy thật thoải mái vì có đến 80% F0 chỉ biểu hiện triệu chứng như cảm cúm thông thường. Càng thoải mái và lạc quan thì bệnh càng nhanh khỏi, lo âu hoặc hoảng loạn đã được chứng minh là yếu tố làm bệnh trở nặng.
Hãy ăn uống điều độ khi mắc bệnh, thả lỏng đầu óc để cơ thể được nghỉ ngơi hoàn toàn cả về thể chất lẫn tinh thần. Chìa khóa chiến thắng bệnh tật nằm ngay tại bản thân mỗi người chứ không ở đâu xa.
Hiện nay, có nhiều toa thuốc cho F0 trôi nổi trên mạng và được người dân “chuyền tay” nhau. Bác sĩ có lưu ý nào trong việc dùng thuốc cũng như việc chia sẻ các toa thuốc này?
Về mặt thuốc men, các gia đình nên chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt (Paracetamol), thuốc ho long đàm (siro ho cho trẻ, Acetylcystein hoặc Bromhexin cho người lớn), gói nước biển khô để bù nước và điện giải khi có sốt cao hay tiêu chảy kèm theo, vitamin D để tăng sức đề kháng. Đó là sự chuẩn bị hết sức cần thiết và tích cực, đồng thời tránh việc tìm mua các thuốc không có tính an toàn để tự điều trị (như Xuyên tâm liên, Ivermectin, Hydroxychloroquine, Corticoid, kháng sinh…); tránh uống nước chanh gừng sả thay nước thường sẽ gây rối loạn tiêu hóa.
Ai khi mắc bệnh cũng lo lắng, nhất là một căn bệnh còn quá mới lạ như Covid-19, tuy nhiên các thuốc đều phải được tìm hiểu thật kỹ hoặc được tư vấn của các bác sĩ chuyên môn mới sử dụng.
Hiện nay, mạng xã hội phát triển rầm rộ đưa đến sự khủng hoảng truyền thông, nhiều thông tin theo hướng tiêu cực, nhà nhà chống dịch bằng Facebook, YouTube… Kể cả nhiều bác sĩ thiếu chuyên môn trong ngành nội khoa cũng tự sáng tạo toa thuốc hoặc tiếp tay tuyên truyền hàng loạt “ma trận” điều trị không có cơ sở khoa học.
Do đó, người dân cần bĩnh tĩnh trước làn sóng thông tin “infodemic” (đại dịch thông tin, viết tắt của “information epidemic”), hãy chọn lọc và tham khảo ý kiến từ các chuyên gia y tế đầu ngành trong nước cũng như trên thế giới, đừng bao giờ đem thân mình đi thử thuốc, hậu quả sau này bản thân sẽ gánh lấy.
Trong một vài bài viết trên trang cá nhân, thấy bác sĩ thường nhấn mạnh việc không nên dùng kháng sinh với bệnh nhân Covid-19, bác sĩ có thể nói rõ hơn lý do?
Một số loại kháng sinh như Azithromycine hoặc Clarithromycine là thuốc điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra, có hiệu quả rất khiêm tốn đối với virus. Nếu dùng các kháng sinh này tràn lan thì xã hội tương lai sẽ đối mặt với làn sóng đề kháng kháng sinh trong các bệnh nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, việc phối hợp Azithromycine với thuốc kháng sốt rét Hydroxychloroquine còn làm tăng nguy cơ ngộ độc tim, gây rối loạn nhịp và tử vong.
Khi có ai đó kê đơn, gửi toa thuốc bất thường để điều trị Covid-19 thì mỗi cá nhân hãy bình tĩnh suy nghĩ, đừng để bản thân rơi vào “bẫy thông tin”, trở thành vật thí nghiệm vô nghĩa và tự làm cơ thể tổn thương thêm.
Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ!