Quyền Giám đốc Sở Lê Hữu Minh (bên trái) tại Lễ kí kết hợp tác quảng bá du lịch Huế giữa công ty Fayfay.com và Sở Du lịch Thừa Thiên Huế. |
Báo Thế giới & Việt Nam xin giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình và các biện pháp khôi phục du lịch của Tỉnh trong thời gian dịch Covid-19.
Du lịch là một trong những ngành chịu tác động nặng nề do dịch Covid-19. Xin ông đánh giá mức độ ảnh hưởng do dịch tác động đến du lịch Thừa Thiên Huế trong thời gian qua?
Tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước theo chiều hướng tiêu cực đã ảnh hưởng lớn đến du lịch Thừa Thiên Huế. Trong 6 tháng đầu năm 2020, đặc biệt từ tháng 2-4/2020, mọi chỉ tiêu về du lịch giảm nhanh chóng; mọi kế hoạch quảng bá, xây dựng sản phẩm mới trong thời gian này đều bị ngưng trệ.
Chỉ trong thời gian ngắn, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đóng băng, sụt giảm mạnh về lượng khách và doanh thu; nhiều công ty du lịch, khách sạn, vận chuyển, nhà hàng, điểm mua sắm du lịch... tạm dừng hoạt động, một số đơn vị đứng trước nguy cơ phá sản; hàng ngàn lao động trong ngành du lịch bị cắt giảm, không có thu nhập...
Doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch giảm mạnh, không đủ chi phí để vận hành bộ máy hoạt động kinh doanh. Hầu hết các công ty buộc phải thực hiện các chính sách cắt giảm nhân sự, điều chỉnh mức lương đối với nhân viên hoặc cho nghỉ không hưởng lương đến hết dịch Covid-19.
Trong giai đoạn này, có gần 8.000 người lao động cơ hữu bị ảnh hưởng trực tiếp, tuy nhiên nếu tính cả lực lượng lao động ở một số đơn vị chưa lấy được thông tin, hướng dẫn viên, lao động theo thời vụ, hợp đồng ngắn hạn… thì con số này khoảng trên 13.000 người.
Tổng thiệt hại về doanh thu từ du lịch 6 tháng đầu năm 2020 khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó thiệt hại trực tiếp từ doanh nghiệp du lịch khoảng 1.000 tỷ đồng (chưa bao gồm thiệt hại của nhà đầu tư như khấu hao tài sản, trả lãi ngân hàng…).
Sáu tháng đầu năm 2020 về lượng khách đạt 1,1 triệu lượt, giảm 54,61% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó khách quốc tế giảm 51,51%; khách nội địa đạt giảm 57,08%. Doanh thu từ du lịch 6 tháng đạt hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, giảm 57,69 % so với cùng kỳ 2019.
Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Thừa Thiên Huế đã bị ảnh hưởng khá nặng nề. Các chỉ tiêu tăng trưởng đều giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2019; nhiều nhiệm vụ, hoạt động của ngành bị ngưng trệ, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai, hoàn thành nhiệm vụ của ngành trong năm 2020.
Sau khi các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng được kiểm soát, Thừa Thiên Huế đã mở lại các hoạt động đón khách tham quan phù hợp với tình hình mới. Với tâm lý lo ngại Covid-19, người làm dịch vụ vẫn dè chừng, khách du lịch e ngại về vấn đề an toàn, Tỉnh đã có những hành động gì để “trấn an” và khuyến khích các đối tượng trên?
Để thu hút, trấn an khách du lịch đến Huế khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất đó là Tỉnh đã chủ động đưa ra thông điệp “Huế, điểm đến an toàn, thân thiện”.
Ngoài ra, để cụ thể hóa điểm đến an toàn và kiểm soát đảm bảo an toàn tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, Tỉnh đã triển khai áp dụng bộ tiêu chí an toàn đối với dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực du lịch đến các cơ sở lưu trú; các khu/điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển, nhà hàng, biểu diễn nghệ thuật, giải trí trên địa bàn tỉnh để các đơn vị đảm bảo an toàn trong khai thác, kinh doanh.
Đặc biệt, việc các cơ sở lưu trú đăng ký và khai báo y tế cho du khách đến Thừa Thiên Huế qua mạng theo phần mềm đã được xây dựng, thực hiện. Tỉnh đề nghị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho khách du lịch và cộng đồng dân cư. Ngăn ngừa sự tái phát của dịch bệnh.
Đại nội Huế. (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh) |
Người ta vẫn hay nói biến “nguy” thành “cơ”, liệu Thừa Thiên Huế đã tận dụng tối đa?
Mặc dù dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch trong thời gian qua, tuy nhiên qua đợt dịch vừa rồi phải khẳng định sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp trong việc phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, nhất là trong lĩnh vực du lịch - rất nhạy cảm trong việc lây lan từ khách du lịch đối với cộng đồng dân cư trên địa bàn Tỉnh.
Với tinh thần chống dịch như chống giặc, du lịch Thừa Thiên Huế đã tiếp tục triển khai các giải pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, coi thách thức này là cơ hội để tiếp tục chứng minh cho thế giới biết rằng Thừa Thiên Huế vẫn là một điểm đến an toàn và thân thiện. Con người Huế luôn gần gũi, mến khách với tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, không kỳ thị, xa lánh, luôn hỗ trợ và giúp đỡ bạn bè quốc tế.
Qua đợt dịch vừa rồi, ngành du lịch cũng đã sáng tạo, nỗ lực để vượt qua thách thức và phát huy nhiều cái mới để thích ứng trong tình hình mới. Nhiều loại hình sản phẩm được xây dựng và triển khai đáp ứng, tức thời thị trường khách trong tình hình hiện nay.
Bên cạnh đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch văn hóa, nhiều sản phẩm, dịch vụ mới hoặc được “làm mới” được đưa vào khai thác, đáp ứng và thu hút khách du lịch trong tình hình mới, tập trung ở các điểm du lịch suối thác, biển, đầm phá như: Yes Huế (Nam Đông), sinh thái và phòng chữa bệnh ở Thanh Tân, thuyền (đầm phá), tour xe Jeep, sản phẩm du lịch “bình an”,…
Công tác quảng bá có nhiều thay đổi, hiệu quả, thích ứng và phù hợp với tình hình mới như các hệ thống cổng Visit, Fanpage Visit Hue, Tiktok, Instagram, youtube... Thương hiệu du lịch, sản phẩm và dịch vụ mới đã đưa đến tận tay các đơn vị lữ hành để quảng bá và bán sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch.
Trong thời gian đang diễn ra dịch bệnh, phần lớn các doanh nghiệp du lịch cũng tranh thủ tái cơ cấu tình hình hoạt động của đơn vị từ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, cơ cấu thị trường để nâng cao năng lực của doanh nghiệp, thích ứng với tình hình mới, hướng tới phục vụ khách du lịch ngày một tốt hơn, chất lượng dịch vụ được nâng cao hơn.
Đây cũng là cơ hội, thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp du lịch rà soát, đánh giá kỹ hơn chất lượng hoạt động doanh nghiệp từ nguồn nhân lực đến hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật các dịch vụ phục vụ để xem xét đào thải hoặc tuyển dụng nhân sự cho phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.
Qua đợt dịch này cũng là lý do khách quan để các đơn vị, doanh nghiệp yếu tự động giải thể hoặc tái đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp để kinh doanh hiệu quả trong thời gian tới.
Khu du lịch Thác Mơ, huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế. ((Nguồn: visithue) |
Để giới thiệu ngắn gọn về thế mạnh du lịch của Tỉnh, ông sẽ nói gì nếu có khách nước ngoài đặt câu hỏi: “Tại sao tôi chọn Thừa Thiên Huế?”, “Điều gì khiến tôi trở lại Thừa Thiên Huế?”, “Vì sao tôi nên giới thiệu Thừa Thiên Huế cho bạn bè, người thân?”
Sự khác biệt lớn nhất giữa Thừa Thiên Huế với những nơi khác đó là vùng đất, là con người Huế, nơi đây từng là kinh đô của Việt Nam trong thời gian dài của lịch sử đất nước, với Quần thể di tích cố đô Huế còn nguyên vẹn, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc cả về giá trị vật thể và phi vật thể.
Là nơi hội tụ tổng thể kiến trúc cố đô cổ với hệ thống lăng tẩm, thành quách, cung điện, chùa chiền…. hài hoà với khung cảnh thiên nhiên được coi là một kiệt tác kiến trúc đô thị cổ của thế giới.
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế còn có kho tàng các giá trị văn hoá độc đáo, đặc sắc như ca múa cung đình, nghệ thuật ẩm thực, lễ hội truyền thống, nhã nhạc cung đình,… đặc biệt nổi bật và đặc trưng nhất là thủ phủ về ẩm thực, là kinh đô áo dài đặc sắc còn lưu giữ cho đến ngày nay.
Cảnh quan thiên nhiên hài hòa cũng là lợi thế, điểm khác biệt của vùng đất xứ Huế là nơi tổng hòa hệ thống thiên nhiên đa dạng, phong cảnh tuyệt sắc trải khắp trên địa bàn tỉnh, từ sông hồ suối thác đến hệ thống núi, biển và đầm phá.
Tất cả được kết hợp một cách hài hoà trong một khung cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng, nổi bật nhất là hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai với 22.000 ha, là bãi biển trong xanh trải dài 127km, một dòng sông Hương êm đềm, trong xanh chảy dài xuyên qua thành phố Huế xinh đẹp,…
Một khác biệt nữa là sự bình yên, an toàn, thân thiện, môi trường trong lành, con người bình dị, nhẹ nhàng, đây là sự khác biệt lớn. Đó cũng có thể là sự yên bình, cuộc sống chậm rãi, trầm mặc, sự thật thà, chân chất là sự khác biệt giữa Huế và những nơi khác.
Là thành phố du lịch nổi tiếng cả nước nhưng Huế không xô bồ, vội vã như nhiều nơi khác. Những ngôi nhà xưa cũ, con đường rợp bóng cây xanh, dòng sông Hương êm đềm, trong xanh, hiền hòa cùng hình ảnh những chiếc xe đạp, xe xích lô gắn với cầu Trường Tiền cổ kính tạo nên hình ảnh riêng của Huế.
Xin cảm ơn ông.
| Mỹ: Thị trấn nhỏ chỉ có một cư dân duy nhất sinh sống TGVN. Tại thị trấn nhỏ ở nước Mỹ, đây là nơi chỉ có một cư dân duy nhất sinh sống và đảm nhận nhiều vị ... |
| Đặc sản Nghệ An: Bánh mướt - Món ăn gây thương nhớ nhưng ít được gọi tên TGVN. Nhắc đến đặc sản Nghệ An, mọi người thường nghĩ đến các món chế biến từ lươn hay các món xáo. Tuy nhiên, bánh ... |
| Covid-19: 'Bong bóng du lịch' đầu tiên tại châu Âu kết thúc TGVN. "Bong bóng du lịch" đầu tiên của châu Âu do các nước Estonia, Latvia và Litva thiết lập hồi tháng 5 đã kết thúc ... |