Vài ngày sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Thủ tướng Olaf Scholz đưa ra quyết định sẽ đi vào lịch sử của nước Đức. (Nguồn: DPA) |
“Chiến dịch quân sự đặc biệt” của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến châu Âu và hai bờ đại dương đoàn kết chưa từng có kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ.
Từ Sofia tới Stockholm, chia rẽ trong Liên minh châu Âu (EU) về cách đối xử Moscow dần tan biến, nhường chỗ cho quan tâm chung tới thách thức lớn nhất với cấu trúc an ninh phương Tây trong nhiều thập niên.
Đối mặt với nguy cơ chưa từng có, các phản đối ban đầu, dù là mong muốn tiếp tục bán hàng xa xỉ cho giới tỷ phú Nga của Italy, hay mong muốn duy trì đường ống dẫn khí đốt từ Đức, đã không còn.
Ngay cả các chính trị gia có quan hệ tốt với ông Putin như Tổng thống Czech Miloš Zeman, Thủ tướng Hungary Viktor Orban hay bà Marine Le Pen của đảng Mặt trận quốc gia Pháp đều quay lưng với Nga.
Bốn ngày sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, châu Âu không chỉ đồng ý triển khai cấm vận tài chính chưa từng có mà hầu hết các nước, bao gồm các bên trung lập như Áo hay Thụy Điển, đã hoặc sẽ đóng cửa không phận với máy bay Nga.
EU cũng đóng cửa RT, kênh truyền hình nhà nước Nga ở châu Âu.
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Thụy Điển, ông Hans Dahlgren khẳng định: “Đây là thời điểm cần thiết hơn bao giờ hết để triển khai nhiều hơn nữa các biện pháp để cô lập Nga”.
Tuy nhiên, chuyển biến đột ngột nhất lại đến từ Đức. Berlin đã nỗ lực đối thoại với Moscow trong thời gian dài, bất chấp cảnh báo từ các đồng minh và đối tác.
Ít lâu sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Đức đã trì hoãn không thời hạn dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Song đây chỉ là khởi đầu cho lập trường cứng rắn hơn của chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz.
Ngày 26/2, Đức không còn phản đối đề xuất đưa Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, đồng thời cho biết sẵn sàng gửi vũ khí hỗ trợ quân đội Ukraine.
Một ngày sau, Thủ tướng Olaf Scholz đã có quyết định đi vào lịch sử nước Đức khi công bố khoản ngân sách 100 tỷ Euro để phát triển, mua sắm các khí tài, trang thiết bị quân sự mới.
Quyết định này đảo ngược hoàn toàn quan điểm truyền thống của Berlin về ngân sách quốc phòng. Con số khổng lồ trên cho phép Berlin đáp ứng chi tiêu quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đề ra trong thời gian tới.
Thậm chí, Berlin còn đi xa hơn những gì đồng minh mong muốn khi khẳng định tăng cường đầu tư vào lực lượng vũ trang Đức (Bundeswehr), sau nhiều năm do dự vì những gì từng diễn ra trong quá khứ.
Tin liên quan |
Ẩn khuất sau cuộc chiến ở Ukraine |
Xung đột Nga-Ukraine không chỉ là “một bước ngoặt trong lịch sử của châu Âu”, mà còn là bước ngoặt về chính sách với nước Đức.
Bởi lẽ, trước đó chỉ hai tuần, một số lãnh đạo tại Berlin còn hạ thấp nguy cơ Nga tấn công Ukraine và coi cảnh báo liên tục từ Washington và các nước khác là “cuồng loạn”.
Các quan chức ngoại giao cấp cao của Đức thậm chí được cho là tránh tiếp xúc với Đại sứ Ukraine Andrij Melnyk, người đã dành nhiều tháng thuyết phục Berlin dỡ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí tới Kiev.
Tuy nhiên, vài ngày sau xung đột Nga-Ukraine nổ ra, mọi thứ đã rất khác. Trong buổi họp Quốc hội ngày 27/2, các nghị sĩ Đức đã đứng dậy và dành một tràng pháo tay lớn cho quan chức ngoại giao Ukraine.
Dành lời cảm ơn sự hiện diện của ông Andrij Melnyk trên khán đài VIP, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định những gì diễn ra tại Ukraine đã buộc bà phải chấp nhận thực tế không dễ dàng.
Bà nói: “Đó có thể là chúng ta, tìm chỗ trú ẩn dưới ga tàu điện ngầm. Đó có thể là con em của chúng ta. Những gì đang diễn ra tại châu Âu đã trở thành điều khó tưởng tượng với không ít người của thế hệ chúng tôi”.
Cuối cùng, xung đột Nga-Ukraine là bài kiểm tra thực tế với nỗ lực “tự chủ chiến lược” của EU. Kết quả cho thấy tình hình tại Kiev có thể khiến châu Âu còn phụ thuộc hơn vào “chiếc ô an ninh” từ Mỹ.
Điều này buộc EU có bước đi mới, quyết liệt và táo bạo hơn để thực hiện kế hoạch “tự chủ chiến lược”. Đồng thời, xung đột Nga-Ukraine cũng khiến Mỹ phải nhìn nhận lại điều chỉnh về ưu tiên trước đó, khi tập trung nguồn lực để đối phó với Trung Quốc và dành ít quan tâm hơn tới thách thức từ nước Nga.
Nga đã khiến châu Âu vĩ đại trở lại, song sự “vĩ đại” ấy sẽ kéo dài trong bao lâu và liệu nó có tan biến khi xung đột Nga-Ukraine chấm dứt, để rồi “ai lại về nhà nấy”?
Chỉ thời gian mới có thể trả lời.
| Xung đột Nga-Ukraine: Sau quyết định cung cấp vũ khí, Lãnh đạo EU thẳng thừng tuyên bố 'Ukraine thuộc về chúng tôi' Ngày 27/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Ukraine trở thành thành ... |
| Nga tuyên bố phản 'đòn' trừng phạt, Mỹ bị gọi tên, EU triệu tập họp thượng đỉnh khẩn Ngày 23/2, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho biết, nước này sẽ có phản ứng mạnh mẽ đối với các biện pháp trừng ... |