Các khách mời tham gia phiên 2 Press Corner trực tuyến Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam-Nhật Bản. (Ảnh: Quang Hòa) |
Thực hiện Chương trình Đối ngoại và Xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh Vĩnh Phúc; hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2023), nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy các hoạt động hợp tác hữu nghị, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch giữa tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương, đối tác, nhà đầu tư của Nhật Bản, tạo cơ hội hợp tác phát triển cho các nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam, Bộ Ngoại giao phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức Hội nghị Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam-Nhật Bản năm 2022 tại tỉnh Vĩnh Phúc (ngày 23/6) dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Bên lề Hội nghị, Báo Thế giới và Việt Nam triển khai Press Corner trực tuyến Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam-Nhật Bản.
Tiếp theo phiên 1, trong phiên 2 của chương trình trực tuyến, các khách mời cùng thảo luận về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Vĩnh Phúc, sự đóng góp của các doanh nghiệp Nhật Bản tại tỉnh cũng như đề xuất, mong mỏi của các doanh nghiệp để hợp tác ngày càng hiệu quả và thực chất hơn.
Tham gia phiên tọa đàm có ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội; ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc; ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Steve Bùi, Chủ tịch Tập đoàn DELTA E&C.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội. (Ảnh: Quang Hòa) |
Phát biểu tại tọa đàm, điểm lại một số dấu ấn đầu tư của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản nhắc đến thành công của các nhà đầu tư điển hình như Honda, Toyota đã tạo bước phát triển mạnh mẽ, tiền đề quan trọng để mở rộng các hợp tác sau này.
Nội dung của Biên bản hợp tác (MOU) mà JETRO vừa ký kết với UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhằm thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào tỉnh Vĩnh Phúc trong các lĩnh vực như công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, kỹ thuật nông nghiệp và các ngành phát triển dựa trên nền tảng Công nghiệp 4.0; Hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc kết nối để tham gia vào chuỗi cung ứng.
Hợp tác giữa JETRO và tỉnh Vĩnh Phúc còn nhằm tổ chức các sự kiện do một trong hai bên chủ trì nhằm kết nối nhu cầu hợp tác tiềm năng giữa hai bên.
Nội dung MOU lần này không chỉ tập trung thu hút đầu tư hợp tác trong lĩnh vực sản xuất mà còn chú trọng các lĩnh vực mới. Một điểm mới khác là không chỉ thu hút các nhà đầu tư mới mà sẽ kết nối các nhà đầu tư hiện tại tham gia vào vào các mối hợp tác mới.
Đánh giá về các nhà đầu tư Nhật Bản và các dự án mà họ đã và đang phát triển tại Việt Nam nói chung và tại tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, các nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam từ rất sớm, trước cả khi Việt Nam có Luật đầu tư.
Thậm chí, theo ông Hoàng, ngay từ trước khi Mỹ xóa bỏ cấm vận cho Việt Nam, đã có doanh nghiệp Nhật Bản tới đầu tư tại Việt Nam, dưới danh nghĩa công ty liên doanh.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư Nhật Bản rất cẩn trọng, nghiêm túc, chuẩn mực, quan tâm tới người lao động, chu đáo trong lĩnh vực an sinh xã hội. Có thể nói, các doanh nghiệp Nhật Bản là nhà đầu tư điển hình, tuy đứng thứ 3 (sau Hàn Quốc và Singapore), nhưng vốn giải ngân luôn cao.
Tại Việt Nam, hơn 70% các dự án đầu tư của Nhật Bản thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Tại Vĩnh Phúc, có 2 doanh nghiệp Nhật Bản là Honda và Toyota đã vào tỉnh từ sớm, tạo hệ sinh thái, kéo theo nhiều doanh nghiệp phụ trợ tại địa phương.
Theo ông Hoàng, có thể nói, đóng góp của Nhật Bản đối với Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng là rất rõ nét.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định, doanh nghiệp Nhật Bản đã có liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp Việt Nam để nâng cấp hợp tác. Các doanh nghiệp rất chú trọng đào tạo nhân lực, cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Hoàng đánh giá, Nhật Bản là quốc gia có vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam, trải dài từ Bắc đến Nam, tập trung vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng cho hợp tác.
Doanh nghiệp Nhật sở hữu nhiều công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo mạnh, có ý thức liên kết với đối tác Việt Nam để chuyển giao công nghệ. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam rất cần sự chuyển giao đó.
Đánh giá về những dự án mà các nhà đầu tư Nhật Bản đang có tại Vĩnh Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Độ cho rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đến tỉnh rất sớm, từ những năm 1990. Đây là những nhà đầu tư nước ngoài đi tiên phong và là một trong những nhà đầu tư quan trọng nhất tại Vĩnh Phúc.
Ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc |
Ông Nguyễn Văn Độ nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp Nhật Bản là nhà đầu tư có trách nhiệm, là những `đại sứ` xây dựng hình ảnh về đất nước Nhật Bản tại Vĩnh Phúc".
Vĩnh Phúc luôn song hành, gắn bó chặt chẽ với các doanh nghiệp Nhật Bản, sẵn sàng nghe và giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp Nhật Bản đang và muốn đầu tư tại tỉnh.
Chia sẻ về tốc độ cải cách hành chính của Vĩnh Phúc, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh dẫn đầu trong cải cách thủ tục hành chính, cải cách môi trường kinh doanh.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI). (Ảnh: Quang Hòa) |
Năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của Vĩnh Phúc tăng 24 bậc, vươn lên vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt.
Ông Đậu Anh Tuấn chỉ rõ: "Đây chính là minh chứng rõ nét, khẳng định hiệu quả trong định hướng thu hút và lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng của Vĩnh Phúc trong suốt những năm qua. Trong đó, một số chỉ số thành phần của tỉnh đạt thứ hạng cao, như: Chi phí thời gian (8,46); Chi phí không chính thức (8,05); Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (7,78); Tiếp cận đất đai (7,56)...".
Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, bên cạnh những lợi thế như gần sân bay, hạ tầng tốt, nhiều khu công nghiệp… văn hóa doanh nghiệp, chất lượng thủ tục hành chính, điều hành của chính quyền là một lợi thế của Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn cũng nhận thấy, Vĩnh Phúc vẫn có những thách thức cần phải khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, tỉnh cần cải thiện chất lượng hạ tầng tốt hơn, nguồn nhân lực tốt hơn, thủ tục hành chính tốt hơn.
Qua khảo sát gần 2.000 doanh nghiệp nước ngoài, VCCI kỳ vọng vào chất lượng điều hành chính quyền và chú trọng sự chuyên nghiệp. Vì vậy, Vĩnh Phúc cần hướng tới chuẩn mực cao hơn nếu muốn thu hút các nhà đầu tư chất lượng cao.
Tại tọa đàm, ông Steve Bui, Chủ tịch Tập đoàn Delta E&C chia sẻ, trong sự phát triển sôi động của nền kinh tế Việt Nam, các nhà đầu tư Việt nam và Nhật Bản đã triển khai rất nhiều lĩnh vực đầu tư, hợp tác, cũng như đạt được những thành công nhất định.
Ông Steve Bùi, Chủ tịch Tập đoàn DELTA E&C. (Ảnh: Quang Hòa) |
Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng bền vững, do vậy, các nhà đầu tư, doanh nghiệp nói chung và Nhật Bản nói riêng ngày càng mong muốn có cơ hội đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, ngày càng có nhiều nhà đầu tư Việt Nam hiện rất quan tâm tới thị trường Đông Bắc Á, trong đó có Nhật Bản.
Trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Nhật Bản nhưng vốn FDI vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng so với năm 2020, đặc biệt vốn điều chỉnh tăng mạnh tới 40,5%. Bước sang năm 2022, dòng vốn FDIvào Việt Nam được kỳ vọng khởi sắc trở lại nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau hai năm đóng cửa bởi dịch bệnh Covid-19. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam. MOU trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc và JETRO được kỳ vọng sẽ quảng bá, kêu gọi hợp tác thương mại, đầu tư được nhiều đối tác Nhật Bản. Từ đó mở ra cơ hội giúp doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu rõ hơn về môi trường đầu tư, tiềm năng, thế mạnh thu hút đầu tư của tỉnh cũng như kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu, đầu tư vào Vĩnh Phúc. |
| Vĩnh Phúc sẵn sàng chào đón thêm nhiều nhà đầu tư Nhật Bản để cùng phát triển bền vững Sáng ngày 23/6, tại TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc đã diễn ra buổi tiếp, làm việc giữa Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và Đoàn công ... |
| Đề nghị Việt Nam-Canada hợp tác trong phục hồi kinh tế, phát triển xanh Chiều 10/6, tại trụ sở Bộ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Perry Steil đến ... |