Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn 3 nguồn tin từ Chính phủ Mỹ và 3 nguồn tin thuộc khu vực tư nhân thông thạo vấn đề ngày 8/5 cho biết, dự thảo thỏa thuận thương mại dài gần 150 trang này bị phía Trung Quốc thay đổi nhiều chỗ một cách có hệ thống, đi ngược lại những yêu cầu cốt lõi của Mỹ.
Trong tất cả 7 chương của dự thảo, Trung Quốc đều xoá đi các cam kết thay đổi quy định để giải quyết những bất đồng cốt lõi, vốn là nguyên nhân khiến Mỹ phát động cuộc chiến thương mại, bao gồm: đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại của Mỹ; cưỡng ép chuyển giao công nghệ; các chính sách cạnh tranh thương mại.
Việc loại bỏ những từ ngữ pháp lý mang tính ràng buộc trong dự thảo đã tác động trực tiếp vào ưu tiên hàng đầu của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người xem những thay đổi trong các quy định của Trung Quốc là cần thiết để xác minh việc tuân thủ của Bắc Kinh, sau nhiều năm các quan chức Washington miêu tả cam kết cải cách của Trung Quốc chỉ là những lời “hứa suông”.
Việc Trung Quốc thay đổi hầu hết các điều kiện thỏa thuận thương mại với Mỹ đã thổi bay nỗ lực đàm phán thương mại trong nhiều tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. (Nguồn: Reuters) |
Theo Reuters, ông Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã bị “sốc” vì mức độ thay đổi trong dự thảo. Hai quan chức nội các ngày 6/5 nói với các phóng viên rằng việc Trung Quốc quay lưng lại với các cam kết đã thúc đẩy lệnh áp thuế của Tổng thống Trump, nhưng không cung cấp thêm chi tiết về phạm vi các sửa đổi.
Trên trang Twitter, ông Trump hôm 5/5 đã dọa sẽ tăng mức thuế từ 10% đến 25% đối với lượng hàng hoá trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc vào ngày 10/5.
Hiện người phát ngôn của Nhà Trắng, Đại diện Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ chưa hồi đáp yêu cầu bình luận của hãng Reuters.
Về phía Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này, Cảnh Sảng, trong một cuộc họp báo ngày 8/5 cũng không trả lời trực tiếp những câu hỏi cụ thể của Reuters về các cuộc đàm phán. Ông chỉ nhấn mạnh, giải quyết những bất đồng về thương mại là một “quá trình đàm phán” và Trung Quốc không “tránh né vấn đề”.