Ứng cử viên tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Lee Jae-myung bắt tay tại một sự kiện tháng 11/2021. (Nguồn: YNA) |
Trước hết, cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc lần thứ 20 này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi đại dịch Covid-19 kéo dài sang năm thứ ba, nội bộ xã hội đất nước Đông Bắc Á tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, bất định.
Điều này khiến bầu cử tổng thống lần này nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri Hàn Quốc. Ngày 5/3, Uỷ ban quản lý bầu cử trung ương Hàn Quốc cho biết, sau hai ngày bầu cử sớm, ước tính có tới 16,3/44,2 triệu cử tri đã bỏ phiếu, đạt tỷ lệ 36,93%, mức cao nhất từ trước đến nay trong các kỳ bỏ phiếu sớm. Dự kiến, tỷ lệ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống lần này có thể lên tới 80%.
Theo giới chuyên gia, cơ hội chiến thắng thực tế chỉ dành cho hai ứng cử viên Lee Jae-myung của đảng Dân chủ (DP) cầm quyền và ông Yoon Suk-yeol của đảng Sức mạnh quốc dân (PPP) đối lập chính.
Ông Lee Jae-myung xuất thân từ luật sư về nhân quyền, có quá trình phấn đấu, đi lên tự thân và chiếm được cảm tình của cử tri cấp tiến. Ông đã có kinh nghiệm chính trị, với thành tích tốt khi làm thị trưởng Seongnam và tỉnh trưởng Gyeonggi quanh thủ đô Seoul, khu vực đông dân nhất ở Hàn Quốc với 13,5 triệu người.
Đối thủ của ông là cựu tổng công tố tối cao Yoon Suk-yeol, người đã xây dựng hình ảnh hiện thân của công lý khi đương đầu, điều tra các bê bối lớn. Điều này giúp ông thu hút một lượng lớn cử tri kỳ vọng vào một luồng gió mới cho xã hội Hàn Quốc. Ông cũng được một ứng cử viên khác là ông Ahn Cheol-soo ủng hộ.
Kết quả thăm dò của Viện Khảo sát Quốc gia (NBS) ngày 4/3 cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cả hai đều là 40%. Do đó, giới quan sát quốc tế lưu tâm tới lập trường về chính sách đối ngoại của hai nhân vật có thể kế nhiệm Tổng thống Moon Jae-in.
Trong khi ông Moon Jae-in tập trung vào thượng đỉnh và hướng tới xây dựng quan hệ hợp tác bền vững với Triều Tiên, ông Lee Myung-Jae lại thiên về đề cao nguyên tắc cùng tồn tại, nhưng không muốn dành quá nhiều vốn liếng chính trị để đạt mục tiêu này. |
Triều Tiên
Mới đây, ngày 27/2, Triều Tiên lại phóng thử tên lửa, lần thứ 8 chỉ trong ba tháng đầu năm 2022. Dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, lãnh đạo hai miền đã vài lần gặp gỡ, đối thoại trực tiếp. Từ năm 2020, quan hệ hai bên không có nhiều tiến triển, thậm chí có lúc Bình Nhưỡng cắt đứt đường dây nóng với Seoul.
Trong bối cảnh đó, ông Yoon Suk-yeol yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân trước khi hai bên đặt bút ký vào các thoả thuận hoà bình và hỗ trợ kinh tế. Cuối tháng 11, trả lời phỏng vấn Kookmin Ilbo, ông khẳng định sẽ sẵn sàng huỷ Thoả thuận Quân sự Toàn diện năm 2018 giữa hai miền, cột mốc ngoại giao dưới thời của ông Moon Jae-in nếu Bình Nhưỡng không đổi thái độ.
Quan trọng hơn, ông Yoon mong muốn nối lại tập trận chung với phía Mỹ, điều mà chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un đã nhiều lần phản đối. Khang Vũ, học giả, nghiên cứu sinh tại Trường Cao đẳng Boston (Mỹ), cho rằng lập trường của ông Yoon “có thể gay gắt đến mức khiến Triều Tiên từ bỏ con đường ngoại giao như dưới thời cựu Tổng thống Lee Myung-bak và Park Geun-hye”.
Ngược lại, ông Lee Jae-myung ủng hộ cách tiếp cận ngoại giao và hợp tác kinh tế với Triều Tiên của ông Moon nhằm xúc tiến phi hạt nhân hoá giữa hai miền. Ông cũng sẵn sàng tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên để đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng không vì thế mà ông Lee sẽ là bản sao của người tiền nhiệm. Chuyên gia Jenny Town ở Viện Nghiên cứu Stimson (Mỹ) cho rằng, trong khi ông Moon tập trung vào thượng đỉnh và hướng tới xây dựng quan hệ hợp tác bền vững với Triều Tiên, ông Lee thiên về đề cao nguyên tắc cùng tồn tại, nhưng không muốn dành quá nhiều vốn liếng chính trị để đạt mục tiêu này.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp gỡ 4 lần kể từ năm 2018. (Nguồn: KCNA) |
Mỹ-Trung
Về quan hệ Mỹ-Trung, ông Lee Jae-myung được cho là nỗ lực cân bằng giữa an ninh và kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc. Theo chuyên gia Jenny Town, ông Lee hiểu rằng Hàn Quốc cần sự ủng hộ của Trung Quốc, dù là trong vấn đề Triều Tiên hay trong phát triển kinh tế.
Tương tự, nhà phân tích châu Á Fei Xue của Economist Intelligence Unit (Anh), cho rằng ông Lee quan ngại về ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh với Seoul và do đó, sẽ cố gắng duy trì một lập trường trung lập. Tuy nhiên, đây là điều không dễ dàng trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung đang ngày một gay gắt.
Trong khi đó, ông Yoon Suk-yeol muốn Hàn Quốc hợp tác an ninh chặt chẽ hơn với Mỹ và lắp đặt thêm một Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Chính trị gia này cũng mong Seoul trở thành một phần của Bộ tứ, cũng như liên minh tình báo Ngũ nhãn. Nếu thành hiện thực, những động thái này có thể khiến quan hệ Hàn-Trung thêm phần căng thẳng thời gian tới.
Nhật Bản
Quan hệ Nhật-Hàn đã trở nên xấu đi trông thấy trong thời gian qua, sau khi hai bên tiếp tục tranh cãi về thương mại và các vấn đề lịch sử như phụ nữ mua vui trong Thế chiến II. Hồi tháng 1 vừa qua, Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản Kang Chang-il nhận định quan hệ song phương hiện ở mức “tồi tệ nhất” từ năm 1965.
Trong bối cảnh đó, ông Yoon Suk-yeol nhận định quan hệ giữa Seoul với Washington và Tokyo suy giảm bởi “các chính sách ngoại giao thân Trung Quốc và Triều Tiên” và khẳng định sẽ thay đổi điều này. Ông được cho là sẽ gác lại các vấn đề lịch sử để phục hồi thương mại và củng cố hợp tác an ninh song phương.
Về phần mình, ông Lee Jae-myung cho biết sẵn sàng đối thoại để cải thiện quan hệ then chốt Nhật-Hàn. Song ông cũng nhấn mạnh Nhật Bản cần có cách giải quyết hợp lý các vấn đề lịch sử giữa hai nước.
“Căng thẳng khu vực do thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, nỗ lực kiềm chế Bắc Kinh của Mỹ cùng các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã giới hạn lựa chọn về chính sách mà tân Tổng thống Hàn Quốc có thể theo đuổi”, học giả Khang Vũ nhận định. |
Khó làm nên khác biệt
Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngay cả khi ông Yoon và ông Lee có lập trường khác biệt, song môi trường an ninh và chính trị hiện nay tại châu Á-Thái Bình Dương khiến cho chính sách đối ngoại của Hàn Quốc khó có điều chỉnh lớn thời gian tới.
Học giả Khang Vũ nhận định: “Căng thẳng khu vực do thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, nỗ lực kiềm chế Bắc Kinh của Mỹ cùng các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã giới hạn lựa chọn về chính sách mà tân Tổng thống Hàn Quốc có thể theo đuổi”.
Chuyên gia Jenny Town đánh giá: “Trong ngắn hạn và trung hạn, Hàn Quốc sẽ phải giải bài toán về chiến lược khi vừa khéo léo trong cạnh tranh Mỹ-Trung, vừa củng cố năng lực phòng thủ trước tiến bộ vượt bậc của các tên lửa từ Triều Tiên”.