Quân đội Mỹ vừa thành lập Bộ tư lệnh Quân đội tương lai, nhằm tiến hành chương trình hiện đại hóa quân đội với quy mô chưa từng có trong nhiều thập niên qua. Quân đội Mỹ đang tập trung đối phó với sự trỗi dậy của Nga và Trung Quốc, hai quốc gia đang tạo ra mối đe dọa hàng đầu đối với sức mạnh quốc phòng Mỹ.
Lựu pháo kéo xe M777 155 mm của Mỹ khai hỏa trong một chiến dịch quân sự. (Nguồn: U.S Army) |
Một trong những ưu tiên của Bộ Tư lệnh Quân đội tương lai là tập trung vào hỏa lực chính xác tầm xa, đặc biệt là loại pháo có thể bắn xa chưa từng có. “Mục tiêu của chúng tôi là vượt qua là làm phá sản chiến lược “chống tiếp cận/từ chối khu vực” (2A/2D) của kẻ thù. Điều này sẽ cho phép chúng tôi duy trì sự tự do cơ động”, đại tá John Rafferty, người đứng đầu chương trình Đạn chính xác tầm xa (LRPF) nói với các phóng viên trong một buổi họp báo vào tháng 10/2018.
Người Trung Quốc và Nga đã có những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển năng lực quân sự độc lập. Do đó quân đội Mỹ đang cố gắng để vượt lên trên những khả năng đó. Một trong chương trình điển hình cho tham vọng này là dự án Pháo binh tầm xa (ERCA).
Dự án ERCA đang thử nghiệm các giải pháp công nghệ để mở rộng tầm bắn của pháo binh thông thường lên 130 km và xa hơn. Dự án này được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho loại siêu pháo có thể bắn xa tới hơn 1.600 km. Quân đội Mỹ vẫn đang giữ bí mật về cách thức hoạt động của loại siêu pháo này.
Một số chuyên gia quân sự nhận định, cơ chế hoạt động của nó tương tự đạng pháo tăng tầm bằng động cơ tên lửa mà quân đội Mỹ đang sử dụng. Tuy vậy, một số chuyên gia khác hoài nghi tính khả thi của dự án. Loại pháo như vậy sẽ rất lớn, tốn kém và mất nhiều năm để phát triển.
Trong cuộc tập trận RIMPAC 2018, Hải quân Mỹ đã bí mật bắn thử loại đạn pháo siêu tốc mới từ pháo 127 mm trên tàu chiến. Loại đạn này trước đây được chế tạo cho pháo điện từ. Tầm bắn của đạn pháo siêu tốc mới chưa được tiết lộ nhưng cho thấy bước tiến mới của Mỹ trong việc mở rộng tầm bắn cho pháo binh truyền thống.