📞

Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng bền chặt

Thọ Anh 17:14 | 01/09/2020
TGVN. Ngày 28/8, trang mạng The Diplomat đăng bài viết "Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: Mạnh mẽ và ngày càng bền chặt" của học giả Rajeswari Pillai Rajagopalan - Quỹ nghiên cứu các nhà quan sát (ORF) Ấn Độ, nhận định với mối quan tâm chung về Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam tiếp tục làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương.
Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ. (Nguồn: Istock)

Vừa qua, Ấn Độ và Việt Nam đã tổ chức cuộc họp lần thứ 17 Ủy ban hỗn hợp song phương về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và công nghệ. Cuộc họp do Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đồng chủ trì thông qua hình thức trực tuyến.

Trang mạng The Diplomat bình luận, dường như cả hai bên đều hài lòng về kết quả của cuộc họp và nhịp độ của mối quan hệ. Ngoại trưởng Jaishankar đặc biệt đánh giá cao sự lãnh đạo tích cực của Việt Nam đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm nay, nhất là vào thời điểm khu vực này đang chiến đấu với đại dịch Covid-19.

Tại cuộc họp, hai bên xác định rõ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Ấn Độ - Việt Nam và nhất trí đẩy mạnh quan hệ đối tác kinh tế và quốc phòng. Hai bên đặc biệt chú trọng vào các lĩnh vực như năng lượng hạt nhân dân dụng, vũ trụ, khoa học biển và công nghệ mới nổi. Ấn Độ và Việt Nam cũng nhất trí tăng cường quan hệ đối tác chiến lược “phù hợp với Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ (IPOI) và Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đạt được an ninh, thịnh vượng và tăng trưởng chung cho tất cả các quốc gia trong khu vực.

IPOI là sáng kiến do Thủ tướng Narendra Modi đưa ra tại Hội nghị cấp cao Đông Á ở Thái Lan vào tháng 11/2019. Sáng kiến này xoay quanh 7 trụ cột, bao gồm: an ninh hàng hải; sinh thái biển; tài nguyên hàng hải; xây dựng năng lực và chia sẻ nguồn lực; quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai; khoa học, công nghệ và hợp tác học thuật; kết nối thương mại và vận tải biển. Ấn Độ đã kêu gọi Việt Nam tham gia vào một trong 7 trụ cột của IPOI.

Ấn Độ và Việt Nam đã duy trì mối quan hệ thân thiết với các cuộc gặp thường xuyên giữa các quan chức cấp cao của cả hai nước. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu gần đây đã gặp Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Harsh Shringla và thông báo tóm tắt về những căng thẳng gần đây tại Biển Đông, đồng thời truyền đạt quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện song phương với động lực và sức mạnh lớn hơn với Ấn Độ.

Trước đó, ngày 4/8, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma đã có cuộc gặp Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Việt Nam Trần Quốc Vượng. Ông Trần Quốc Vượng một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa New Delhi và Hà Nội.

Ông đặc biệt đánh giá cao quan điểm của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông và nhắc lại lập trường vững chắc của Việt Nam rằng tất cả các quốc gia có tranh chấp chủ quyền phải giải quyết các tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Việt Nam cũng mong muốn Ấn Độ mở rộng sự hiện diện trong việc thăm dò dầu khí ở Biển Đông và khẳng định chắc chắn rằng các khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Một cuộc họp trực tuyến gần đây giữa Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ và Hiệp hội Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM) đã xác định một số lĩnh vực hợp tác bổ sung giữa hai nước.

Tại cuộc họp Ủy ban hỗn hợp nêu trên, Ấn Độ cũng nhắc lại sự hỗ trợ phát triển và năng lực cho Việt Nam thông qua các dự án tác động nhanh (QIP), Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Ấn Độ (ITEC) và các sáng kiến e-ITEC, học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ và các đề xuất trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và kết nối kỹ thuật số.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ trong thông cáo báo chí của mình cho biết, Ấn Độ đã phê duyệt 12 QIP để thực hiện ở Việt Nam, bao gồm 7 QIP về quản lý tài nguyên nước ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và 5 QIP liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục ở Việt Nam.

Nghiên cứu và đào tạo cũng rất quan trọng trong chương trình nghị sự song phương và điều này đã được chuyển thành một số Biên bản ghi nhớ giữa Học viện Ngoại giao Sushma Swaraj (SSIFS) Ấn Độ và Học viện Ngoại giao Việt Nam, giữa Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ và Viện Nghiên cứu biển đảo Việt Nam.

Mối quan hệ quốc phòng giữa Ấn Độ và Việt Nam cũng đang có sức hút. Trước đó, Ấn Độ đã cấp cho Việt Nam khoản tín dụng trị giá 100 triệu USD để mua 12 tàu tuần tra cao tốc. Ấn Độ cũng đã cấp cho Việt Nam khoản tín dụng 500 triệu USD khác để mua thiết bị quốc phòng từ Ấn Độ.

Trước những thách thức chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Ấn Độ và Việt Nam đã quyết định phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc. Hai bên cũng quyết định tiếp tục duy trì động lực trong các nền tảng chiến lược khu vực tương tự như trong ASEAN. Sự lãnh đạo của Việt Nam đối với ASEAN được kỳ vọng có thể giúp Ấn Độ và ASEAN dễ dàng hợp tác hơn trong các vấn đề an ninh khu vực.