Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm châu Âu trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và EU gặp nhiều trở ngại. (Nguồn: AP) |
Chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 2 ngày tới Pháp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bắt đầu từ 6/5, tiếp đó là các điểm dừng ở Serbia và Hungary, đang thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) leo thang.
Theo hãng tin Reuters, đây là lần đầu tiên trở lại châu Âu của ông Tập Cận Bình sau 5 năm, vào một thời điểm những căng thẳng thương mại gia tăng, trong đó phải kể đến việc EU điều tra các ngành công nghiệp của Trung Quốc như xuất khẩu xe điện, trong khi Bắc Kinh cũng đang điều tra hầu hết các thương hiệu nhập khẩu từ Pháp.
Tuy nhiên, bài viết mới đăng trên trang Asia Times cho rằng, vào thời điểm chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương đang gia tăng, những nỗ lực phối hợp nhằm giải quyết tranh chấp thương mại thông qua đối thoại và đàm phán là rất quan trọng.
"Thời hoàng kim" đã qua
Cách đây 5 năm, vào tháng 3/2019, Chủ tịch Tập Cận Bình từng được đón tiếp nồng nhiệt khi đến thăm châu Âu. Nhà lãnh đạo bắt đầu chuyến công du này từ Rome, nơi ông được tiếp đãi trọng thể khi Italy trở thành thành viên đầu tiên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ký kết Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) trị giá hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc.
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron sắp xếp một hội nghị thượng đỉnh nhỏ bằng cách mời Thủ tướng Đức - đối tác thương mại châu Âu quan trọng nhất của Bắc Kinh - và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) khi đó là Jean-Claude Juncker cùng gặp ông Tập Cận Bình.
Trong khi ông Macron thúc đẩy chiến lược mới của EU thiên về quan hệ đa phương thay vì quan hệ song phương, các doanh nhân Pháp cũng ký các hợp đồng trị giá khoảng 40 tỷ USD, bao gồm cả việc mua 300 máy bay Airbus.
Đó là "thời kỳ hoàng kim". Khi ấy, đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đạt 150 tỷ Euro, trong bối cảnh chính phủ các nước mong muốn thúc đẩy tăng trưởng trong nước. Các công ty châu Âu xếp hàng để thâm nhập thị trường nền kinh tế lớn số 2 thế giới và thương mại EU-Trung Quốc vượt quá 500 tỷ Euro mỗi năm, với cán cân nghiêng về phía Bắc Kinh.
Tuy nhiên, 5 năm sau, kỳ vọng về sự hợp tác “cùng thắng” đã bị thay thể bởi “chủ nghĩa hoài nghi Trung Quốc”. Những thay đổi ở trong khu vực và trên trường quốc tế đã tạo ra một châu Âu “lạnh nhạt hơn”, thể hiện rõ ở chuyến thăm rời rạc lần này của ông Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đi bộ trong Lễ đón chính thức tại Invalides. (Nguồn: AP) |
Thiếu lòng tin ở nhiều lĩnh vực
Theo Reuters, ngay khi chuyến thăm bắt đầu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã kêu gọi Trung Quốc đảm bảo sự cân bằng thương mại. Trong thời gian diễn ra chuyến thăm, ông Macron cũng đã lên kế hoạch gây sức ép với ông Tập Cận Bình về vấn đề Ukraine.
Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng, châu Âu và Trung Quốc cần giải quyết những khó khăn về cơ cấu, đặc biệt là về thương mại.
Hãng tin Anh dẫn lời phát biểu của ông Macron khi cả ba ngồi với nhau quanh một chiếc bàn tròn dưới mái vòm mạ vàng của Cung điện Élysée ngày 6/5: “Tương lai của lục địa chúng tôi cũng sẽ phụ thuộc rất rõ ràng vào khả năng phát triển một cách cân bằng mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc”.
Sau cuộc họp, bà Ursula von der Leyen nói với các phóng viên: “Châu Âu sẽ không dao động trong việc đưa ra những quyết định khó khăn cần thiết để bảo vệ thị trường của mình”.
Lập trường mạnh mẽ hơn của EU về thương mại với Trung Quốc phù hợp với cách tiếp cận của Washington. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo Trung Quốc rằng, Washington sẽ không chấp nhận các ngành công nghiệp mới bị hàng nhập khẩu của Bắc Kinh “tàn phá”.
Nhưng vấn đề gay gắt nhất đối châu Âu là lập trường của Trung Quốc về xung đột Nga-Ukraine. Với tuyên bố trung lập, ông Tập Cận Bình đã làm rất ít để thúc đẩy chấm dứt xung đột. Ngược lại, Bắc Kinh đã trở thành khách hàng mua dầu khí lớn mà Moscow không thể bán ở nơi khác và cung cấp công nghệ cũng như hàng hóa sản xuất và tiêu dùng cho xứ sở bạch dương.
Các nhà lãnh đạo EU đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của họ đối với lập trường của Trung Quốc và thúc giục ông Tập đóng vai trò tích cực hơn trong việc chấm dứt xung đột.
Vẫn có thể cải thiện nếu đi đúng hướng
Theo The Hill, những đột phá lớn khó có thể xảy ra trong một môi trường như vậy. Tại thời điểm này, các yếu tố ràng buộc châu Âu với Mỹ và Trung Quốc với Nga dường như chỉ có thể thay đổi nếu có những lợi ích.
Hiện không phải không có những lợi ích như vậy. Các vấn đề thương mại và đầu tư, tuy rắc rối và có liên quan chặt chẽ đến chính trị trong nước, lại là những vấn đề thuận lợi nhất. Những thỏa thuận có thể được ký kết để tránh làm tổn hại đến thương mại và niềm tin lẫn nhau.
Những bước đi nhỏ có thể không gây chú ý như việc Italy tham gia BRI cách đây 5 năm, nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng có thể hữu ích và được hoan nghênh.
Reuters dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, nhà lãnh đạo này coi quan hệ với châu Âu là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh và cả hai nên tiếp tục cam kết duy trì quan hệ đối tác.
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Khi thế giới bước vào thời kỳ mới của sự hỗn loạn và thay đổi, với tư cách là hai lực lượng quan trọng trên thế giới này, Trung Quốc và châu Âu nên tuân thủ quan điểm của các đối tác, tuân thủ đối thoại và hợp tác…”.
Các quan chức Pháp cho biết, nước này cũng hy vọng sẽ thúc đẩy việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho xuất khẩu nông sản của mình và giải quyết các vấn đề xung quanh mối lo ngại của ngành mỹ phẩm Pháp về quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, Bắc Kinh có thể công bố đơn đặt hàng khoảng 50 máy bay Airbus trong chuyến thăm.
Theo Asia Times, việc giảm các rào cản thương mại và giải quyết tranh chấp có thể tạo điều kiện cho dòng chảy thương mại thuận lợi hơn, từ đó nâng cao khả năng dự đoán thị trường và giảm rủi ro đầu tư.
Chắc chắn, chuyến công du của ông Tập Cận Bình có ý nghĩa vượt ra ngoài những cân nhắc về thương mại, vì nó nhấn mạnh các mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn.
Bằng cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước châu Âu, Trung Quốc tìm cách thúc đẩy lợi ích địa chính trị, mở rộng ảnh hưởng và tiếp cận các thị trường mới.
Sự trao đổi cấp cao nhất của Bắc Kinh với các nhà lãnh đạo châu Âu mang đến cơ hội tái khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, duy trì các chuẩn mực thương mại quốc tế và thúc đẩy một hệ thống thương mại dựa trên luật lệ.
Do đó, kết quả của chuyến thăm này chắc chắn sẽ giúp hình thành nhận thức của nhà đầu tư và tâm lý thị trường tại thời điểm sự phân cực và chia rẽ trên toàn cầu ngày càng gia tăng.
| Nền kinh tế ở 'ngã ba đường', Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói gì với lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ? Ngày 27/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp lãnh đạo các doanh nghiệp và học giả Mỹ. Sự kiện diễn ... |
| Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm trực tiếp đầu tiên kể ... |
| Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du châu Âu, EU lo bị lộ 'gót chân'? Chuyến công du châu Âu của ông Tập Cận Bình có thể làm bộc lộ sự chia rẽ trong nội bộ phương Tây về chiến ... |
| Giải mã các điểm đến trong chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Chuyến thăm Pháp, Hungary và Serbia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng 5 được cho là sẽ tạo động lực cho ... |
| Có gì trong cuộc họp ba bên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen? Ngày 6/5, tại thủ đô Paris (Pháp), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu ... |