📞

Quan hệ kinh tế Việt – Mỹ: Điểm sáng và lực đẩy mới

18:16 | 24/03/2016
Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư trở thành điểm sáng; Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trở thành lực đẩy mới đưa quan hệ kinh tế tiến xa hơn; địa phương tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Mỹ đã cải thiện về lượng và chất.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung phát biểu tại buổi Tọa đàm. (Ảnh: Quang Hòa)

Đó là những nội dung của Tọa đàm “Gặp gỡ Hoa Kỳ” do Bộ Ngoại giao, UBND TP. Hà Nội phối hợp cùng Đại sứ quán Mỹ tổ chức ngày 23/3 tại Hà Nội. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đồng chủ trì Tọa đàm.

Cơ hội rộng mở

Quan hệ Việt – Mỹ đang ở thời điểm phát triển tích cực và mạnh mẽ nhất từ trước tới nay, sau khi hai nước thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện tháng 7/2013. Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhận định, trong bức tranh chung đó, dễ dàng nhận ra một điểm sáng nhất. Đó là quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai bên. Hai nước đã chứng kiến trao đổi thương mại đang bắt đầu xu hướng tăng mạnh (hơn 24% trong năm 2015, đạt trên 45 tỷ USD), đầu tư trực tiếp và qua nước thứ ba của Mỹ vào Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu. Quan hệ kinh tế hai nước đang đứng trước nhiều cơ hội hợp tác to lớn.

Trước hết, Việt Nam, Mỹ và mười quốc gia khác ký TPP và đang thúc đẩy việc thông qua sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong tiếp cận thị trường, thu hút nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng trở thành một cầu nối tốt hơn giữa Mỹ với các nền kinh tế ASEAN cũng như các khu vực khác do tiến hành đồng thời các đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với tất cả các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới. Trong đó, triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) giai đoạn 2015 - 2020 sẽ giúp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 quốc gia (trong đó có 15 thành viên của G-20). Hơn nữa, Việt Nam cũng tiếp tục đóng vai trò tích cực trong các cơ chế hợp tác khu vực then chốt mà Mỹ rất quan tâm như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Đặc biệt, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho rằng TPP chính là một lực đẩy mới trong quan hệ kinh tế hai nước.

Đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng, ông John Hill, Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đánh giá TPP mang lại lợi ích cho Việt Nam và quan hệ hai nước theo hai cách. Đầu tiên là lợi ích cụ thể, hữu hình trước mắt như việc cắt giảm thuế quan trong may mặc và giày dép. Điều này sẽ mang lại lợi ích to lớn và trực tiếp nhất cho Việt Nam khi hợp tác giao thương với Mỹ. Thứ hai là lợi ích về lâu dài, qua TPP, Việt Nam gửi một tín hiệu đến với thế giới rằng Việt Nam thực sự nghiêm túc trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam cũng có thể sử dụng những thế mạnh của mình một cách hiệu quả như lực lượng lao động trẻ khi tham gia vào hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius. (Ảnh: Quang Hòa)

Hiện nay, theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, Mỹ đang thông qua các cơ quan hữu quan cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật về TPP cho Việt Nam. Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Chương trình điều phối, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ông Michael Trueblood cho biết USAID hiện đang có các hoạt động và chương trình ở cấp quốc gia để hỗ trợ quá trình chuyển đổi nền công nghiệp Việt Nam trở thành một nền công nghiệp có lượng phát thải thấp. Về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, USAID đang xây dựng chương trình Hỗ trợ thúc đẩy thương mại và cải tổ (STAR) giúp nền kinh tế Việt Nam tăng tính minh bạch và giảm các quy định không cần thiết liên quan đến quản lý. USAID cũng làm việc với các cơ quan hải quan và biên phòng Hoa Kỳ để đào tạo hệ thống quản lý hải quan hiện đại và kỹ thuật quản lý rủi ro cho hải quan Việt Nam.

Nỗ lực từ hai phía

Để tranh thủ nắm bắt những cơ hội cũng như hạn chế thách thức trong tiến trình thúc đẩy quan hệ, Thứ trưởng Lê Hoài Trung đề xuất các đối tác Mỹ tiếp tục tác động để Chính quyền và Quốc hội Mỹ tạo thuận lợi hơn nữa trong tiến trình thúc đẩy quan hệ song phương, bao gồm việc rỡ bỏ các rào cản thuế và phi thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, khuyến khích việc chia sẻ các nghiên cứu phát triển, tạo điều kiện để các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất toàn cầu mà Mỹ có lợi thế.

Về phía Việt Nam, theo Thứ trưởng, chúng ta cần khai thác những điểm mạnh của Mỹ như công nghệ, quản lý nguồn vốn, mô hình cho phát triển bền vững. Đồng thời, Việt Nam phải nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường với mục tiêu hiệu quả, minh bạch và thân thiện hơn với hoạt động kinh tế, phù hợp với các cam kết quốc tế và tạo thuận lợi hơn nữa cho việc tăng cường các hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài, trong đó có Mỹ.

Chia sẻ ý kiến của Thứ trưởng Lê Hoài Trung, Đại sứ Ted Osius khẳng định tuy có nhiều cơ hội song chặng đường hợp tác giữa hai nước còn nhiều thách thức và cần sự nỗ lực từ hai phía. Các doanh nghiệp chính là nòng cốt của quá trình hợp tác. Vì vậy, hai chính phủ cần phải hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên hoàn thành các cam kết nêu trong Hiệp định Thương mại song phương (BTA) cũng như TPP.

Hiện tượng đáng vui mừng

Hợp tác giữa các địa phương hai nước được Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh là một “hiện tượng đáng vui mừng trong hợp tác song phương”, góp phần củng cố vững chắc hơn nền tảng của quan hệ Đối tác toàn diện.

Theo Thứ trưởng, việc các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và việc các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Nam, Vĩnh Phúc... đang nỗ lực tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các bang và các thành phố của Mỹ trên nhiều lĩnh vực cho thấy nhu cầu tự nhiên của các địa phương hai nước trong việc kết nối và hợp tác cùng có lợi. Các quan hệ đó đã thực sự đem lại kết quả thiết thực cho hai bên. Việc bang Oregon và Bộ Ngoại giao Việt Nam ký Bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy quan hệ giữa bang và các địa phương Việt Nam trên sáu lĩnh vực là tấm gương cho tiến trình này.

Toàn cảnh buổi Hội thảo.

“Có lẽ đây là giai đoạn hợp tác hai nước nên chuyển hướng về phía các địa phương. Hiện nay, các địa phương quan tâm nhiều tới vấn đề kinh tế, họ cũng có những thuận lợi lớn như cơ sở hạ tầng được nâng cấp, nguồn lực dồi dào, nhiều địa phương trong quá trình phát triển và đổi mới đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Họ đều nhận thức rằng cần phải bước sang một giai đoạn phát triển mới”, Thứ trưởng chia sẻ sau Tọa đàm.

Triển vọng thành nhà đầu tư lớn nhất

Với sự sẵn sàng từ cả hai phía, Thứ trưởng hoàn toàn lạc quan về triển vọng Mỹ có thể trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm chia sẻ tại Tọa đàm rằng những hợp tác lâu bền và hiệu quả giữa Thành phố và Mỹ trong nhiều năm qua đã chứng minh những nỗ lực không mệt mỏi từ cả hai phía. Thành phố và các đối tác Mỹ đã cùng nhau vượt qua quá khứ, vun đắp cho quan hệ Việt – Mỹ lớn mạnh. Với việc ký Hiệp định TPP và trao đổi các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước, tiềm năng hợp tác giữa Thành phố và Mỹ sẽ ngày càng lớn. Với vai trò là địa phương tiên phong, được phép thí điểm các dự án mới, Thành phố sẽ kiến nghị lên Trung ương để có các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư của Mỹ tại Thành phố.

“Gặp gỡ Hoa Kỳ” nằm trong chuỗi các hoạt động “Gặp gỡ Đại sứ” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán và Hiệp hội doanh nghiệp các nước tổ chức, nhằm hỗ trợ kết nối giữa các địa phương và các đối tác nước ngoài; đồng hành cùng các địa phương trong tiến trình hội nhập quốc tế, nhất là về kinh tế.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết mở rộng liên kết, hợp tác phát triển kinh tế trong và ngoài nước, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế là những bước đi mà Hà Nội đã và đang thực hiện có hiệu quả.

Chính vì lẽ đó, ông tin tưởng và khẳng định với tiềm năng và thế mạnh của mình, Hà Nội sẽ là địa điểm đầu tư, kinh doanh, du lịch hấp dẫn, thành công cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Mỹ.

Ông William P. Badger, Giám đốc mảng cộng đồng của hệ thống trường quốc tế Concordia, chia sẻ Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Ngoại giao và chính quyền TP Hà Nội đã tạo động lực cho công tác đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ. Điều đó đã giúp các doanh nghiệp Hoa Kỳ, như ông và các đồng nghiệp, có được một môi trường kinh doanh thuận lợi và thấy được những cơ hội đầu tư hiệu quả ở Việt Nam.

“Tọa đàm: Gặp gỡ Hoa Kỳ” có quy mô doanh nghiệp tham gia lớn nhất từ trước tới nay. Quyền Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao Nguyễn Hoàng Long cho biết, Cục sẽ triển khai mô hình tương tự với nhiều đối tác lớn khác như Vương quốc Anh, EU, Hàn Quốc… để kết nối doanh nghiệp, giúp các địa phương Việt Nam hội nhập, vươn ra hợp tác với thế giới.