Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp Thủ tướng Narendra Modi ngày 28/7. (Nguồn: Twitter) |
Tại sao là Ấn Độ?
Không thể phủ nhận Ấn Độ là đối tác có vị trí khó thay thế trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Joe Biden. “Tại sao là Ấn Độ?” không phải là câu hỏi quá hóc búa trong bối cảnh thế giới và diễn biến tình hình khu vực như hiện nay.
Đều là hai quốc gia có nền dân chủ lâu đời nhất trên thế giới, điểm “đồng điệu” này cho phép Ấn Độ và Mỹ bỏ qua những mâu thuẫn, bất đồng, thậm chí là những khác biệt để về chung một quỹ đạo với tinh thần hướng tới đồng thuận trong chiến lược, vì lợi ích chung của hai bên cũng như lợi ích riêng của hai quốc gia.
Trong cuộc “so găng” với Trung Quốc, vị thế của Ấn Độ tại khu vực luôn được Mỹ coi trọng và dành nhiều ưu ái “về đường đi nước bước”. Là một quốc gia có tầm ảnh hưởng không chỉ ở Nam Á mà còn cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ấn Độ đóng vai trò là “điểm then chốt” để Mỹ tiến thẳng tới mục tiêu gia tăng ảnh hưởng của mình.
Quan trọng hơn cả, quỹ đạo đi lên của Ấn Độ sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực châu Á và đem lại cho Mỹ những lợi ích nhất định về mặt an ninh và sức ảnh hưởng. Ấn Độ không nhất thiết phải tạo ra lợi ích trực tiếp cho Mỹ mà chính sự lớn mạnh của quốc gia Nam Á này là đòn bẩy chiến lược quan trọng nhất mà Mỹ mong muốn trong quá trình định hình cục diện khu vực và thế giới.
Phải chăng, trong mục tiêu đường dài, Mỹ đang muốn hình thành thế “chân vạc” tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khi quyết tâm tạo cơ hội cho một cường quốc mới nổi là Ấn Độ phát triển ở thế đối trọng với Trung Quốc, mối đe dọa được Mỹ đánh giá là lớn nhất trong thế kỷ XXI?
Đòn bẩy lợi ích
Đúng như Ngoại trưởng Blinken đã đề cập trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao S. Jaishankar: “Chúng ta sẽ không thể giải quyết được các vấn đề lớn trên toàn cầu nếu như chúng ta hành động một mình”. Rõ ràng, sự “cần có nhau” này đã cho thấy tầm quan trọng trong hợp tác Mỹ-Ấn trên tinh thần chia sẻ những gánh nặng chung.
Trước mắt, gánh nặng lớn nhất mà cả Mỹ và Ấn Độ đang phải đối mặt là giải quyết ổn thỏa mối đe dọa từ đại dịch Covid-19 cũng như đề ra những giải pháp khắc phục.
Trong cuộc họp báo với vị khách đến từ Mỹ, ông S. Jaishankar đã nhấn mạnh cái “bắt tay” để chống lại đại dịch khi tập trung mở rộng sản xuất vaccine với giá thành rẻ và dễ tiếp cận trong khu vực.
Hơn nữa, quay trở lại kết quả của cuộc họp trực tuyến hồi tháng 3 giữa lãnh đạo các nước Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia), Ấn Độ được lựa chọn là trung tâm sản xuất và điều phối vaccine tại châu Á-Thái Bình Dương dưới sự hỗ trợ của các quốc gia còn lại.
Có lẽ vaccine không đơn thuần mang tính nhân đạo mà trở thành vũ khí quan trọng để đối phó với chiến dịch ngoại giao vaccine của Trung Quốc tại khu vực.
Riêng về vấn đề ở Afghanistan, cả Ấn Độ và Mỹ đều quan tâm đến việc duy trì tầm ảnh hưởng khi Mỹ quyết định rút toàn bộ quân đội vào cuối năm nay. Rõ ràng, trước nguy cơ Nga và Trung Quốc có khả năng can dự vào khu vực, mục tiêu “vì một Afghanistan hòa bình, an ninh, ổn định” là quan điểm chung mà cả hai quốc gia đều đang hướng tới.
Và do đó, việc san sẻ quan điểm trong vấn đề Afghanistan trước mối lo ngại Nga và Trung Quốc có khả năng sẽ can dự vào tình hình khu vực là bước đầu “thấu hiểu lẫn nhau” mà Mỹ và Ấn Độ đang từng bước thực hiện.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Ấn Độ Jaishankar tại New Delhi ngày 28/7. (Nguồn: Twitter) |
Điểm tựa chiến lược
Sau cuộc gặp gỡ của Ngoại trưởng Blinken, dấu ấn trong quan hệ Mỹ-Ấn đã trở nên rõ nét và ngày càng có chiều hướng gắn bó, kiến tạo những bước đi mang tính xây dựng cho việc mở rộng chiến lược sắp tới của Tổng thống Biden trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Vị thế Ấn Độ ngày càng được củng cố, vai trò của Mỹ cũng được gia tăng. So với tầm vóc các đối tác khác của Mỹ, Nhật Bản là “hòn đá tảng” trong khu vực, ASEAN đóng vai trò là một tổ chức đa phương, Ấn Độ rõ ràng là trụ cột chính, là cánh tay nối dài của Mỹ trong tăng cường ảnh hưởng về lâu dài.
Cuộc gặp Mỹ-Ấn cũng cho thấy động thái ngoại giao của Mỹ với các nước đồng minh trong khu vực và trên thế giới. Kể từ khi nhậm chức đến nay, chiều hướng triển khai chính sách đối ngoại của ông Biden khởi nguồn từ châu Âu và di chuyển đến châu Á-Thái Bình Dương với nhiều toan tính tập hợp lực lượng. Tại khu vực châu Á, Ấn Độ là người “đồng chí” song hành với Mỹ để nhằm đạt được mục tiêu cụ thể mà cả hai quốc gia cùng quan tâm.
Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam, TS. Tôn Sinh Thành – nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ đánh giá chuyến thăm này của Ngoại trưởng Blinken "trước mắt sẽ chuẩn bị cho cuộc gặp trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo Bộ tứ vào tháng 9 tới diễn ra bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc và cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Modi tại Washington.
Sâu xa hơn, chuyến thăm của ông Blinken có khả năng để chuẩn bị cho chiến dịch ngoại giao của Mỹ để tham vấn với các nước đồng minh trong khu vực trước khi Mỹ bước vào cuộc đối thoại cấp cao với Trung Quốc sắp tới”.
| Ngoại trưởng Mỹ công du Ấn Độ, khẳng định mối quan hệ 'quan trọng nhất thế giới' Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 27/7 đã có chuyến công du đầu tiên đến Ấn Độ để thảo luận hàng loạt vấn đề song ... |
| Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Ấn Độ: Washington sẽ 'nói lời giữ lời' ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương? TGVN. Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Ấn Độ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên cho thấy chính quyền của Tổng thống ... |
| Nhận diện quan hệ Mỹ-Ấn dưới thời Tổng thống Biden TGVN. Tạp chí Eurasia Review ngày 16/2 đăng bài phân tích của Kashish Parpiani - học giả Quỹ Nghiên cứu Người quan sát Ấn Độ ... |