Iran vẫn ngầm coi sự thay đổi Tổng thống tới đây ở Mỹ là cơ hội để mở ra thời kỳ mới cho quan hệ Mỹ-Iran. (Nguồn: inss) |
BÌNH LUẬN CỦA BÁO THẾ GIỚI & VIỆT NAM
Cho dù mối quan hệ giữa Mỹ-Iran kể từ năm 1979 luôn đầy hiềm khích và thành kiến, nghi ngại lẫn nhau và đối địch với nhau, phía Iran vẫn ngầm coi sự thay đổi Tổng thống tới đây ở Mỹ là cơ hội để mở ra thời kỳ mới cho quan hệ song phương.
Iran kỳ vọng rằng thời kỳ tới đây dẫu chưa được ở mức bình thường hoá quan hệ thì cũng trở lại được như trước khi ông Donald Trump lên cầm quyền ở Mỹ cách đây gần 4 năm.
Iran có hai cơ sở thực tế để kỳ vọng như thế.
Thứ nhất, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden khi là Phó Tổng thống Mỹ đã có đóng góp vào Thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) ký kết năm 2016 giữa Iran với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức. JCPOA được coi là một trong những thành tựu đối ngoại nổi bật nhất của cặp Tổng thống Mỹ Barack Obama và ông Joe Biden. Ông Trump sau khi lên cầm quyền ở Mỹ đã đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi JCPOA và áp dụng trở lại chính sách trừng phạt Iran với mức độ còn vượt xa hơn so với ở thời kỳ trước khi có JCPOA. Tức là ông Biden nhìn nhận lợi ích chiến lược cơ bản của nước Mỹ ở JCPOA khác biệt cơ bản so với ông Trump.
Thứ hai, ông Biden sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ đã tuyên bố sẽ đưa nước Mỹ tham gia trở lại JCPOA nếu phía Iran tiếp tục tuân thủ JCPOA.
Phía Iran hiện đang chủ động và tích cực thúc đẩy và nắm bắt cơ hội ấy. Mới đây nhất, phía Iran tuyên bố sẽ lại tham gia đầy đủ JCPOA trong vòng chỉ một giờ sau khi ông Biden đưa nước Mỹ tham gia trở lại JCPOA.
Đấy là nước cờ cao của Iran. Bằng cách ngầm thể hiện sự khác biệt trong thái độ đối với ông Trump và ông Biden, Iran vừa tranh thủ ông Biden, vừa khích lệ người này thực hiện tuyên bố của mình lại vừa thể hiện thiện chí với JCPOA và vừa ràng buộc ông Biden vào việc nói lời phải giữ lấy lời.