Mỹ và Trung Quốc tìm cách lôi kéo, liên kết, hợp tác với đối tác, đồng minh để cán cân nghiêng lệch về phía mình. |
Thế giới đa cực, đa phương mới
Thập kỷ thứ 2, thế kỷ XXI đánh dấu bằng hàng loạt sự kiện đáng chú ý. Đại dịch Covid-19 kéo theo suy thoái kinh tế thế giới và “giãn cách xã hội toàn cầu”. Biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường… diễn ra với tần suất lớn, quy mô rộng, bất thường.
Cùng với đó, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh tiềm ẩn, hiện diện ở nhiều khu vực, với nhiều hình thái khác nhau. Các nước lớn cũng không tránh khỏi hiểm họa. Tổ hợp các yếu tố thúc đẩy hợp tác đa phương, đối phó với thách thức toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố “Nước Mỹ trở lại” với chính sách, chiến lược, động thái mới. Trung Quốc kỳ vọng một thiên niên kỷ mới phát triển rực rỡ. Liên minh châu Âu (EU) “tìm lại chính mình”. Nga thể hiện vị thế trên “bàn cờ quốc tế” bằng những đòn nhanh, hiểm, bất ngờ ở Nagorno-Karabakh, Syria, Trung Đông…
Nhiều nhân tố khác cũng chen chân tìm chỗ đứng cao hơn, kể cả bằng can dự quân sự.
Thế giới đa cực đã rõ. Nhưng cực cũng phân cấp, giữa các cực có sự liên kết hoặc đối đầu nhau. Đa phương với nhiều quy mô, đan xen đối tác, lĩnh vực. Mỹ, Trung Quốc và quan hệ giữa 2 nước vẫn là nhân tố chính tác động đến tình hình thế giới, tạo ra những chuyển động đa chiều, phức tạp.
“Kẻ tám lạng, người nửa cân”
Mỹ tuyên bố chiến lược quan hệ với Trung Quốc: Hợp tác khi có thể, cạnh tranh khi cần thiết và đối đầu khi tình thế bắt buộc. |
Ngự trị trên đỉnh nhiều thập kỷ, Mỹ không có thói quen “nhường ngai”. “Hơi nóng” phả sau gáy. Mỹ hiểu rõ phải hành động nhanh, mạnh hơn, nếu không muốn quá muộn. Mỹ tuyên bố chiến lược quan hệ với Trung Quốc: Hợp tác khi có thể, cạnh tranh khi cần thiết và đối đầu khi tình thế bắt buộc.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ nói Bắc Kinh không có ý định thống lĩnh thế giới, cạnh tranh ngôi vị số một với Washington. Nhưng hành động của Trung Quốc cho thấy họ không bằng lòng với ngôi vị số hai.
Với Sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc vừa âm thầm vừa công khai hiện diện trên các châu lục, đại dương, ngay cả khu vực từng là “sân sau” của Mỹ.
Đối thoại Mỹ-Trung ở Alaska ngày 18/3, hàng loạt đòn, phản đòn về kinh tế, công nghệ, ngoại giao, truyền thông, an ninh, trên thực địa... cho thấy mâu thuẫn, cạnh tranh đã chuyển sang tầm mức mới, mang tính bản chất.
Không chỉ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc mà là đối đầu về trật tự thế giới; giữa liên minh Mỹ, đồng minh với Trung Quốc và các đối tác. Mỹ lấy hành động thay đổi nguyên trạng ở châu Á-Thái Bình Dương, Biển Đông để nói Trung Quốc phá hoại trật tự ổn định thiết lập từ sau Thế chiến II.
Trung Quốc tuyên bố đó là trật tự không công bằng, dựa trên liên minh chính trị-quân sự của Mỹ và đồng minh. Trung Quốc tìm kiếm trật tự thế giới mới có lợi cho mình, hoặc như mô hình G2 mà Bắc Kinh đề xuất năm 2010.
Theo bẫy “Thucydides”, cuộc chiến tranh giữa thế lực mới trỗi dậy với thế lực đang nắm quyền là không tránh khỏi?
Nhưng nhiều học giả, nhà quân sự, chính trị cho rằng “chiến tranh nóng” giữa Mỹ và Trung Quốc khó xảy ra, trừ phi có đột biến hoặc các bên tính toán sai lầm về chiến lược.
Bởi tổn thất của chiến tranh vô cùng lớn. Thậm chí, hậu chiến, không chắc ai còn ngồi ở hai ghế đầu. Thế giới cũng bị vạ lây.
Thay vào đó là các hình thái như “chiến tranh thương mại”, “chiến tranh khoa học công nghệ”, “cuộc chiến giữ, giành vị thế đồng tiền số một”, “cuộc chiến giành, giữ đồng minh, đối tác”…
Thực tế đang diễn ra như vậy. Tới đây có thể lên mức cao hơn. Trong các cuộc chiến đó, ai có lợi thế hơn?
Mỹ vẫn là số một về sức mạnh quân sự, khoa học công nghệ và kinh tế...; có thể sử dụng con bài dân chủ, nhân quyền ở Tân Cương, Đài Loan, Hong Kong để “điểm huyệt” đối phương.
Mỹ đang thiết lập liên minh đa phương, song phương với đồng minh, đối tác, bằng các cơ chế chính thức và không chính thức, nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Hạt nhân là Bộ tứ (Quad) và quan hệ hai bờ Đại Tây Dương. Nhưng Mỹ cũng vướng không ít vấn đề phức tạp nội bộ và trong quan hệ với đồng minh, đối tác.
GDP Trung Quốc được dự báo với xác suất cao, sẽ vượt Mỹ trong hơn chục năm tới. Công cụ kinh tế, thương mại, đầu tư và ngoại giao vaccine… có sức hấp dẫn, ràng buộc nhiều đối tác.
“Cỗ xe” Trung Quốc đang đà gia tốc lớn, không dễ bị chặn lại. Trung Quốc sẵn sàng đáp trả tương ứng, ngay lập tức các tuyên bố, biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh.
Trung Quốc nhằm vào các điểm yếu, cảnh báo Mỹ và đồng minh, gửi thông điệp cứng rắn, Bắc Kinh ở vị thế ngang vai, đủ khả năng đối phó.
Nhưng hành vi cường quyền, cứng rắn gây nghi ngại cho các nước. Trung Quốc mâu thuẫn, xung đột với hầu hết các nước chung biên giới là một điểm trừ.
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan là “con dao 2 lưỡi”, gây áp lực lên chính sách ngoại giao, quan hệ quốc tế của Bắc Kinh.
Xem ra, “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Quan trọng hơn, còn tùy thuộc vào cách thức sử dụng sức mạnh. Hai “ông lớn” tìm cách lôi kéo, liên kết, hợp tác với đối tác, đồng minh để cán cân nghiêng lệch về phía mình.
Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Vương Nghị tham dự đối thoại với quan chức Mỹ tại Alaska ngày 18/3. (Nguồn: AP) |
Thế giới không chỉ có hai màu
Mỹ và EU ra tuyên bố chung, đồng ý khởi động đối thoại song phương về vấn đề Trung Quốc, cũng như giải quyết các thách thức từ Nga. Quyết tâm cao, nhưng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tỏ ra thấu hiểu tình hình khi tuyên bố: “Không ép đồng minh chọn phe”!
Hiệp định đầu tư Trung Quốc-EU đã được ký vào ngày cuối cùng của năm 2020, cho thấy EU không thể không bắt tay với đối tác kinh tế, thương mại số một. Một số nước thành viên EU vẫn có kênh hợp tác song phương với Trung Quốc trên các lĩnh vực.
Tuyên bố của Thủ tướng Đức ngày 25/3 khái quát quan hệ “tay ba” phức tạp: EU “có nhiều điểm tương đồng”, nhưng “không cùng bản sắc” với Mỹ trong vấn đề Trung Quốc. Cũng có thể dùng chính câu đó, thay đổi tên chủ thể, đối tác để nói về các quan hệ “tay ba”, “tay tư” khác.
Ngoại trưởng Trung Quốc hội đàm với Ngoại trưởng Nga ngày 22-23/3, ra tuyên bố củng cố quan hệ song phương. Ngày 28/3, Trung Quốc ký Hiệp định Đối tác chiến lược toàn diện 25 năm với Iran. Đồng thời tìm cách thúc đẩy trục liên kết Thổ Nhĩ Kỳ-Iran-Pakistan; dự định cho Thổ Nhĩ Kỳ vay 2,3 tỷ USD… Mục đích của Trung Quốc không nói cũng rõ.
ASEAN chủ trương cân bằng quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và các nước lớn khác, không muốn chọn bên. Khối đang nỗ lực duy trì vai trò trung tâm trong các cơ chế khu vực và mở rộng ảnh hưởng ra các khu vực khác.
Rõ ràng, EU, ASEAN, Nga và nhiều nước khác không muốn bị hút thụ động về một cực nào. Một số thực thể đang tự mình hoặc liên kết với đối tác khác để trở thành một cực. Xu thế đa cực, đa phương, đa chiều, đan xen phức tạp và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng.
Các liên minh đa dang về kinh tế, công nghệ, an ninh, toàn cầu và khu vực. Quan hệ đan xen, đa chiều với bạn, đối tác của đối thủ và đối thủ của bạn. Quan hệ hiện nay rộng nhưng lỏng lẻo hơn so với thời Chiến tranh lạnh. Triết lý “không có bạn vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn” trở thành phương châm chỉ đạo trong quan hệ quốc tế của nhiều nước.
Điều đó làm cho quan hệ Mỹ-Trung cũng như các quan hệ “tay ba, tay tư” trở nên phức tạp, trắc trở, khó đoán định. Nhiều học giả, chuyên gia cho rằng xu thế đối đầu Mỹ-Trung vẫn tiếp diễn, chưa dễ đổi ngôi trong chục năm tới và có thể dài hơn, dù khoảng cách ngày càng thu hẹp hoặc san bằng ở một số lĩnh vực.
Phần còn lại của thế giới
Mỹ, Trung Quốc và quan hệ giữa 2 nước vẫn là nhân tố chính tác động đến tình hình thế giới, tạo ra những chuyển động đa chiều, phức tạp. (Nguồn: ifri) |
Cảm giác ngôi nhà chung trở nên chật chội hơn do cạnh tranh giữa các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc. Các nước nhỏ, nước đang phát triển cần và có thể làm gì để khai thác cơ hội, hạn chế thách thức? Có ba việc lớn.
Thứ nhất, cần liên kết, kết nối với nhau trong các tổ chức quốc tế, khu vực, nhất là Liên hợp quốc. Sự thống nhất của số đông làm cho các tổ chức quốc tế, khu vực thêm vững mạnh. Sức mạnh của tổ chức quốc tế, khu vực tạo chỗ dựa vững hơn cho các nước nhỏ, nước đang phát triển.
Thứ hai, giữ cân bằng tương đối, hài hòa quan hệ với các nước lớn, nhất là với Mỹ và Trung Quốc; không đi với bên này chống lại bên kia, không để rơi vào tình thế phải chọn bên này hay bên kia. Cái mà các nước nhỏ, nước đang phát triển lựa chọn là lợi ích quốc gia, dân tộc gắn với lợi ích chung của khu vực, thế giới.
Thứ ba, giữ vững độc lập, tự chủ. Có như vậy mới thực hiện tốt hai việc lớn trên. Có câu chuyện cũ gợi tới điều này. Trong buổi chiêu đãi quốc tế, nhà ngoại giao nước bạn nói với cán bộ ngoại giao Việt Nam: Mỹ coi trọng quan hệ với Việt Nam. Chúng tôi không được như vậy, dù quan hệ với Mỹ khá lâu. Mỹ tỏ ra không cần biết chúng tôi muốn gì. Bởi Mỹ biết chúng tôi luôn theo quyết định của họ!
***
Có một triết lý khá lâu đời: Kẻ sống sót sau cùng không phải là kẻ mạnh mà là người thích nghi tốt nhất. Trong thế giới biến động phức tạp hiện nay càng phải chủ động thích ứng. Để tìm “con đường, khoảng trống”, tạo thương hiệu, định vị quốc gia vững chắc trong thế giới, khu vực.
Đường lối đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn mới xác định: độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đang thực hiện tốt mục tiêu của mình, đồng thời gợi mở niềm tin, động lực cho nước khác.