Hội đàm giữa hai phái đoàn Ấn Độ và Trung Quốc trong khuôn khổ Thượng đỉnh không chính thức lần thứ hai tạibang Tamil Nadu, ngày 12/10. (Nguồn: Indian Express) |
Diễn ra trong 2 ngày 11-12/10, Thượng đỉnh không chính thức lần thứ hai giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chính thức khép lại sau nhiều cuộc gặp kéo dài với tổng thời gian 8 tiếng đồng hồ. Theo tiền lệ từ lần trước, hai bên không ra tuyên bố chung, nhưng thông cáo báo chí riêng mỗi nước cho thấy kết quả của cuộc gặp lần này là không nhiều.
Nhiều hồ sơ cần thảo luận, ít đột phá
Thành tựu đáng kể nhất trong cuộc gặp này là việc hai bên nhất trí thành lập cơ chế Đối thoại cấp Bộ trưởng về kinh tế, thúc đẩy và cân bằng cán cân thương mại, vốn là vấn đề đã tồn tại 15 năm. Cơ chế đối thoại nói trên cũng nhằm tăng cường đầu tư trong một số lĩnh vực, thông qua phát triển đối tác chế tạo.
Về thương mại đa phương, Bắc Kinh kêu gọi New Delhi sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP), song Ấn Độ vẫn nhấn mạnh vấn đề cân bằng tự do hóa thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ.
Về biên giới, hai bên nhất trí tìm kiếm thêm biện pháp xây dựng lòng tin, duy trì hòa bình tại các khu vực tranh chấp. Trung Quốc đề nghị Ấn Độ tăng cường trao đổi, hợp tác quân sự và an ninh, đồng thời mời Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh thăm chính thức.
Hai bên yêu cầu các Đặc phái viên tiếp tục xây dựng khuôn khổ cho một giải pháp công bằng, hợp lý và cùng chấp nhận được, trên cơ sở các tiêu chí chính trị và nguyên tắc chỉ đạo đạt được giữa hai nước năm 2005.
Về quan hệ song phương, hai bên nhất trí tăng cường giao lưu nhân dân và thống nhất Kết hoạch tổ chức 70 sự kiện lớn nhằm kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020. Bang Tamil Nadu và tỉnh Phúc Kiến sẽ thiết lập quan hệ kết nghĩa.
Về vấn đề khu vực và thế giới, hai bên đã đề cập vấn đề Afghanistan. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về vấn đề chống khủng bố và nhấn mạnh cần củng cố khuôn khổ để ngăn chặn các hoạt động huấn luyện, tài trợ và bao che cho các nhóm khủng bố toàn cầu và không phân biệt.
Đây đều là những vấn đề không mới, đã được nêu trong các cuộc gặp trước song chưa có nhiều tiến triển. Tuy nhiên, quyết định thành lập cơ chế Đối thoại kinh tế - thương mại cấp Bộ trưởng, các hoạt động trao đổi quốc phòng, chống khủng bố và kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao cho thấy hai bên đều muốn giảm nghi kỵ, không để quan hệ xấu đi, tránh tác động tới lợi ích quốc gia.
Trong hoàn cảnh tứ bề thọ địch, Trung Quốc không thể gây thù chuốc oán thêm với Ấn Độ. Về phần mình, New Delhi cũng cần một mối quan hệ hòa bình, ổn định với Bắc Kinh, tạo môi trường thuận lợi cho tập trung phát triển kinh tế.
Những điều chưa nói
Thủ tướng Ấn Độ và Chủ tịch Trung Quốc trao đổi quà tặng tạibang Tamil Nadu, ngày 12/10. (Nguồn: Mint) |
Song điểm nổi bật của cuộc gặp lại nằm ở việc hai bên tránh đề cập những vấn đề nhạy cảm của nhau hay “quên” cụ thể hóa các cam kết đạt được tại Vũ Hán.
Thứ nhất, Trung Quốc, dù đã thông báo kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Pakistan ngày 8/10, song đã không nêu vấn đề Kashmir trong thảo luận với Thủ tướng Ấn Độ. Sự cẩn trọng này là có lý do khi trước cuộc gặp, chính quyền ông Modi đã đánh tiếng rằng nếu Bắc Kinh không tôn trọng các vấn đề nhạy cảm của New Delhi thì Ấn Độ cũng sẽ không tôn trọng các vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc.
Thứ hai, như đã nêu, hai bên đã nhất trí rằng khủng bố là “mối nguy chung” và cần có nỗ lực song phương. Tuy nhiên, theo tờ Deccan Herald (Ấn Độ), Trung Quốc chỉ miễn cưỡng đưa Masood Azhar vào danh sách khủng bố toàn cầu sau khi có áp lực từ Mỹ, thay vì nhằm thỏa mãn yêu cầu của Ấn Độ. Trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ Islamabad trong các tranh chấp với New Delhi, cụ thể là Kashmir, cam kết chống khủng bố của Trung Quốc là chưa rõ ràng.
Thứ ba, hầu hết các vấn đề được nêu trong cuộc gặp đã xuất hiện tại Thượng đỉnh năm 2018, song một lần nữa, hai bên đã không thể có giải pháp cụ thể cho các thách thức, trong đó có cân bằng thương mại. Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Sun Weidong khẳng định rằng kể từ cuộc gặp Vũ Hán, xuất khẩu từ Ấn Độ sang Trung Quốc đã tăng 15%. Tuy nhiên, con số này chẳng thấm tháp gì khi trong thời gian đó, thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc tiếp tục tăng, đạt mức 65 tỷ USD. Trong chuyến thăm năm 2014, ông Tập Cận Bình hứa đầu tư 20 tỷ USD vào Ấn Độ, nhưng đến nay, tổng trị giá đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ vẫn chỉ ở mức hơn 2 tỷ USD.
Thứ tư, bất chấp những thảo luận với Trung Quốc, Ấn Độ vẫn thận trọng khi xem xét tham dự RCEP, cho rằng nó có thể ảnh hưởng tới vị thế chính trị và cân bằng thương mại của nước này.
Tương phản với kết quả cuộc gặp này, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Nepal ngay sau đó đã mang về cho Kathmandu 3,5 tỷ Nhân dân tệ, cam kết của Bắc Kinh về hoàn thành tuyến đường sắt xuyên Himalaya, cùng 18 thỏa thuận hợp tác song phương. Chuyến đi của Tập Cận Bình tới Nepal, nước vốn nằm trong “sân sau” của Ấn Độ, không chỉ giúp Trung Quốc mở rộng phạm vi ảnh hưởng mà còn gửi một thông điệp không tốt lành gì cho Ấn Độ, khiến vai trò và ý nghĩa của Thượng đỉnh không chính thức lần hai Trung Quốc - Ấn Độ mờ nhạt hơn.
Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí sẽ tiếp tục cuộc gặp Thượng đỉnh không chính thức lần ba vào năm tới tại Trung Quốc, song điều này cũng khó khiến mặt hợp tác nổi trội hơn mặt cạnh tranh trong quan hệ Trung Quốc – Ấn Độ.
Trong thời gian tới, hai bên cần phải tập trung quản lý, kiểm soát các bất đồng lớn còn tồn tại, tránh các tranh chấp và xung đột có thể gây tổn hại tới lợi ích hai nước nói riêng và hòa bình, an ninh, ổn định khu vực nói chung.