Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại cuộc gặp ngày 10/4. (Nguồn: Eastern Herald) |
Trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, ông Zelenskyy tuyên bố: “Sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho việc khôi phục chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi là vô cùng quan trọng”.
Sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, ông Zelenskyy đã viết trên Twitter: “Chúng tôi chia sẻ các giá trị chung với Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả về đời sống nhân dân cũng như sự ủng hộ”.
Đôi bên cần nhau
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang tranh cãi với Mỹ và các nhà lãnh đạo Tây Âu khác về việc mua hệ thống tên lửa S-400 do Nga sản xuất và cuộc xung đột ở Syria, thì Ukraine - quốc gia đang mong muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - đã phát triển mối quan hệ chặt chẽ với Ankara.
Chuyến thăm hôm 10/4 đánh dấu chuyến công du thứ hai của nhà lãnh đạo Ukraine tới Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng chưa đầy 6 tháng. Năm 2017, hai nước đã thiết lập một khu vực đi lại miễn hộ chiếu và đang nghiên cứu việc triển khai một hiệp định thương mại tự do, mà các nhà lãnh đạo cho rằng sẽ tăng gấp đôi mức thương mại song phương.
Bilgehan Ozturk, nhà phân tích của Quỹ SETA - tổ chức tư vấn thân cận với chính phủ Erdogan có trụ sở tại Ankara, cho rằng việc Nga sáp nhập Crimea là một yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với quan hệ của Ankara với Moscow và cách họ nhìn nhận cán cân quyền lực ở Biển Đen.
Thương vụ Ankara mua hệ thống tên lửa S-400 đã trở thành một trong những “cái gai” trong mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây, nhưng nếu đặt bên ngoài biên giới của nước này và nằm trong tay Nga, hệ thống tên lửa này cũng là một thách thức nghiêm trọng đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi Nga chiếm Crimea vào năm 2014, nước này ngay lập tức bắt đầu triển khai hệ thống S-400 ở đó. Moscow cũng củng cố lực lượng hải quân của mình, đưa các tàu ngầm và tên lửa hành trình Kalibr có khả năng bắn mục tiêu cách xa 2.400 km. Istanbul hiện chỉ cách Crimea khoảng 600 km.
Điều đó đã dẫn đến bài phát biểu năm 2016 của Erdogan, trong đó ông tuyên bố Biển Đen đang trở thành “ao nhà của Nga” và cảnh báo "nếu chúng ta không hành động, lịch sử sẽ không tha thứ cho chúng ta".
Ông Erdogan đã ủng hộ sự hiện diện mạnh mẽ hơn của NATO trong khu vực khi Nga gia tăng quy mô hạm đội hải quân của mình.
Thổ Nhĩ Kỳ coi Ukraine là vùng đệm quan trọng chống lại Nga và ủng hộ mạnh mẽ việc nước này được gia nhập liên minh NATO. Hai nước đang hợp tác trong một loạt các dự án và thỏa thuận quốc phòng.
Năm ngoái, Ukraine đã đồng ý mua 4 tàu hộ tống lớp MILGEM Ada của Thổ Nhĩ Kỳ - được biết đến là những tàu chiến nhỏ có khả năng cơ động cao. Hai nước đang cùng sản xuất các tàu này.
Đối mặt với sự thù địch ngày càng tăng ở các nước phương Tây, Ankara coi Ukraine như một đối tác trong việc phát triển công nghệ quân sự trong mọi khía cạnh, từ vệ tinh, radar cho đến tên lửa. Các chuyên gia cho rằng một trong những lĩnh vực hợp tác tiên tiến hơn là sản xuất và thiết kế động cơ. Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc với các công ty Ukraine để phát triển động cơ diesel cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và xe tăng chiến đấu chủ lực.
"Điềm lành" cho Kiev
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự và giới phân tích cũng đang theo dõi sát sao việc Ukraine mua máy bay chiến đấu không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt khi căng thẳng ở miền Đông Ukraine nóng lên.
Thổ Nhĩ Kỳ coi mình là một nhà xuất khẩu chủ chốt máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) và đã quảng bá về sự đóng góp của các vũ khí đó trong thành công trên chiến trường ở Syria, Libya và Nagorno-Karabakh.
Trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh, máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ được nhiều người cho là đã giúp nâng cán cân quyền lực có lợi cho Azerbaijan trong cuộc chiến với Armenia.
Năm 2018, Ukraine mua 6 máy bay không người lái Bayraktar TB2 và 200 tên lửa chính xác cao từ Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ thỏa thuận quốc phòng trị giá 69 triệu USD.
Các chuyên gia quân sự Ukraine nghiên cứu kỹ lưỡng việc sử dụng máy bay không người lái ở Nagorno-Karabakh và nhận thấy những điểm tương đồng giữa cuộc chiến của Azerbaijan-Armenia với cuộc đấu tranh của Ukraine để giành lại quyền kiểm soát khu vực ly khai của mình từ nhóm lực lượng do Nga hậu thuẫn. Họ gọi đó là "điềm lành" cho Kiev.
Nhà phân tích Ozturk nói: “Chúng tôi biết rằng năng lực của Nga là không đủ khi đối mặt với phương tiện bay không người lái (UAV) của Thổ Nhĩ Kỳ. Các lực lượng của Ukraine sẽ giành thế thượng phong. Lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn có lợi thế của họ, nhưng họ không có khả năng ngăn chặn các UAV mới”.
Sau 7 năm xung đột với phe ly khai do Nga hậu thuẫn, nhiều người ở Kiev tỏ ra “nôn nóng” muốn thử nghiệm công nghệ mới của Thổ Nhĩ Kỳ trên chiến trường và xem liệu nó có thể giúp giành lại bất kỳ lãnh thổ nào hay không.
"Đầu vào có kinh nghiệm"
Tổng thống Erdogan đã kêu gọi chấm dứt căng thẳng gia tăng ở miền Đông Ukraine, nhưng cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho Kiev.
Chuyên gia Ozturk cho biết sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ bao gồm việc cử các cố vấn và kỹ thuật viên đến Ukraine như ở Azerbaijan. Ông gọi đó là sự kết hợp giữa việc sử dụng rộng rãi các UCAV và "đầu vào có kinh nghiệm".
Nếu giao tranh lớn hơn nổ ra ở phía Đông, Ankara có thể có cơ hội lật ngược thế cờ với Nga như Moscow đã làm ở Syria. Máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai ở miền Đông Ukraine cho phép Ankara phát huy khả năng quân sự của mình trong một cuộc chiến đang manh nha ở biên giới Nga.
Cơ hội lặp lại thành công ở Nagorno-Karabakh khi kết hợp giữa máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ và các chuyên gia quân sự chắc chắn hấp dẫn những người sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm ở Kiev và Ankara.