Sau 45 năm, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển như thế nào, thưa Đại sứ?
Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đang trên đà phát triển. Các cấp lãnh đạo của hai nước đều có quyết tâm chính trị để nâng quan hệ lên tầm cao mới. Việc trao đổi các đoàn chính trị cấp cao giữa hai nước như chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Iran và Tổng thống Iran Hassan Rouhani sang Việt Nam năm 2016, chuyến thăm chính thức của Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Đỗ Bá Tỵ đến Iran năm 2017 và chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Ardeshir Larijani đến Việt Nam năm 2018 là minh chứng cho quyết tâm chính trị mạnh mẽ của lãnh đạo hai nước trong việc mở rộng mối quan hệ song phương.
Những năm gần đây, hai bên đã tập trung vào việc tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại, dỡ bỏ những rào cản phía trước cho doanh nghiệp hai nước. Ngoài ra, những điểm tương đồng về mặt lịch sử và văn hóa cũng góp phần thúc đẩy quan hệ hai bên trong những lĩnh vực như giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa, du lịch… Có thể nói, quan hệ Việt Nam – Iran đang trên chặng đường phát triển toàn diện trên các lĩnh vực hợp tác song phương.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran Hassan Rouhani duyệt Đội danh dự, ngày 6/10/2016. (Ảnh: Minh Châu) |
Hiện nay, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – Iran còn khá khiêm tốn khi mới chỉ dừng ở mức trên 100 triệu USD. Liệu mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên hơn 2 tỷ USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước nêu ra có khả thi? Đâu là những trở ngại khiến thương mại Việt Nam - Iran chưa xứng với tiềm năng, thưa Đại sứ?
Theo tôi được biết thì kim ngạch thương mại song phương hiện nay đang gia tăng hàng năm và nhiều hơn con số 100 triệu USD vì thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam không bao gồm những sản phẩm của Iran được xuất qua các nước thứ ba vào thị trường Việt Nam hay những sản phẩm của Iran được tái xuất từ Việt Nam đi các nước trong khu vực Đông Nam và Bắc Á.
Tuy nhiên, tôi cũng thừa nhận, vẫn còn khoảng cách với mục tiêu 2 tỷ USD. Với những tiềm năng kinh tế của hai nước thì việc đạt được mục tiêu này không phải quá khó khăn nhưng để làm được việc này chúng ta cần hành động.
Trong lĩnh vực thương mại, hầu như doanh nghiệp của hai nước chưa có cái nhìn thực tế về những tiềm năng, luật lệ, quy định của nước sở tại hay cách thức và ứng xử thương mại của doanh nghiệp hai nước vẫn còn khác nhau.
Tôi kỳ vọng, việc ký biên bản ghi nhớ giữa các Bộ, ngành của hai bên sẽ giúp dỡ bỏ những rào cản trước mắt cho doanh nghiệp hai nước và tạo tiền đề cho việc mở rộng hợp tác song phương trong tương lai.
Đại sứ Iran tại Việt Nam Saleh Adibi. |
Đại sứ có thể cho biết, đâu là lĩnh vực hợp tác tiềm năng của hai nước và doanh nghiệp Iran đang quan tâm đến những điều gì tại Việt Nam?
Việt Nam có dân số hơn 94 triệu người còn Iran là 84 triệu người - đây đều là hai thị trường lớn và tiềm năng đối với doanh nghiệp hai nước.
Kinh tế hai nước cũng mang tính bổ trợ lẫn nhau. Việt Nam cần năng lượng và các sản phẩm hóa dầu thì Iran là một trong những nhà xuất khẩu dầu và các sản phẩm hóa dầu lớn nhất thế giới. Về lĩnh vực nông nghiệp, trong khi Việt Nam có thể cung cấp cà phê, chè và gia vị cho thị trường Iran thì Iran cũng có thể xuất sang thị trường Việt Nam các sản phẩm nông sản như táo, cam và kiwi…
Trong năm vừa qua, hạt dẻ cười và nhụy hoa nghệ tây - hai sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng của Iran đã được đăng ký cấp phép nhập khẩu chính ngạch và bước đầu có mặt tại thị trường Việt Nam. Tôi hy vọng, với việc dỡ bỏ những rào cản hiện nay, chúng ta có thể tìm thấy những sản phẩm xuất khẩu chủ đạo của hai nước tại thị trường Việt Nam cũng như Iran, từ đó góp phần nâng cao kim ngạch thương mại song phương.
Hoạt động xúc tiến du lịch giữa Việt Nam và Iran đang được cả hai bên chú trọng đẩy mạnh trong thời gian gần đây. |
Được biết, hai bên đã mở một số chuyến bay thuê bao và đang hướng tới việc mở đường bay thẳng trong thời gian tới. Đại sứ nhận định như thế nào về tiềm năng phát triển thương mại và du lịch giữa hai nước khi có đường bay thẳng?
Năm 2017, đã có 9 triệu người dân Iran đi du lịch nước ngoài và hơn một nửa triệu trong số này đã đến khu vực Đông Nam Á. Với nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên tươi đẹp, những địa danh du lịch nổi tiếng thế giới cùng những nét tương đồng về mặt lịch sử, văn hóa giữa hai dân tộc, tháng 3/2018, hãng hàng không tư nhân lớn nhất của Iran đã thực hiện các chuyến bay thuê bao đến TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội và may mắn là những chuyến bay này đều được hai bên hưởng ứng.
Sự đa dạng về những địa điểm du lịch, nền văn hóa bản địa đặc sắc của Việt Nam và Iran sẽ tạo tiền đề để tăng cường hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực du lịch. Chúng tôi hy vọng, với việc tạo điều kiện cấp thị thực cho người Iran, Việt Nam sẽ đón thêm nhiều du khách Iran đến với đất nước các bạn.
Hiện nay, Iran đã cho phép công dân của 180 quốc gia trên thế giới xin visa điện tử vào Iran. Sẽ chỉ mất chưa đến một tuần để nhận được visa tại các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự quán Iran ở nước ngoài hoặc các sân bay quốc tế của Iran. Nhân đây, tôi cũng xin gửi lời mời tới tất cả các du khách Việt Nam đến Iran.
Đại sứ có thể chia sẻ một vài hoạt động nổi bật trong năm 2018 để kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam - Iran?
Nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, chúng tôi dự kiến tổ chức một Hội thảo với chủ đề “Triển vọng quan hệ hai nước trong thời gian tới” với sự tham gia của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam – Iran.
Hợp tác trong lĩnh vực điện ảnh giữa hai nước đã được thiết lập vào năm 2017 và chúng tôi hy vọng có thể thường xuyên tổ chức “Tuần lễ phim Iran” tại Việt Nam, qua đó tạo tiền đề giao lưu, kết nối giữa nhân dân hai nước. Cùng với đó, việc tổ chức hội chợ thương mại giới thiệu sản phẩm bao gồm hàng thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của Iran cũng là một trong những hoạt động chúng tôi dự định thực hiện trong năm nay.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.