Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng duyệt đội danh dự trong lễ đón tại thủ đô Ulan Bator, ngày 30/9. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đại sứ có thể cho biết những điểm nhấn nổi bật nhất trong quan hệ song phương xuyên suốt bảy thập kỷ qua?
Việt Nam và Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 17/11/1954. Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam là nước đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao.
Từ đó đến nay, quan hệ hợp tác và hữu nghị hai nước được tôi luyện trong khó khăn, thử thách và được dẫn dắt bởi một mục tiêu chung “Vì sự tiến bộ chung cho hai dân tộc” đã phát triển mạnh mẽ bất chấp khoảng cách địa lý và sự khác biệt về văn hóa.
Hai nước luôn giữ vững nền tảng hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, Nhà nước và Nhân dân hai nước luôn dành cho nhau sự giúp đỡ vô tư, trong sáng suốt thời kỳ đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sau này.
Hiện nay, quan hệ Việt Nam-Mông Cổ tiếp tục được thúc đẩy bởi mong muốn phát triển quan hệ đối tác, lấy lợi ích tối thượng của người dân làm nguyên tắc và mục tiêu cốt lõi. Mối quan hệ này đang phát triển sâu rộng, gắn bó và có lộ trình chung rõ ràng để tiếp tục phát triển trong tương lai.
Trên tinh thần thiện chí và hiểu biết lẫn nhau, Lãnh đạo hai nước tiếp tục đối thoại toàn diện, thường xuyên và vạch ra những bước đi cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương.
Trong bối cảnh hai nước vừa thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, Đại sứ cảm nhận như thế nào về khí thế mới trong quan hệ song phương từ cấp làm việc đến doanh nghiệp và người dân sau dấu mốc quan trọng này cũng như kỳ vọng của cá nhân Đại sứ?
Thành quả nổi bật của chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (từ ngày 30/9-1/10) là việc hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện, tầm cao mới tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, bề dày lịch sử quan hệ, tạo xung lực mới, đưa quan hệ song phương ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả.
Việc nâng cấp quan hệ không chỉ thúc đẩy hợp tác từ cấp Chính phủ mà còn tạo động lực hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân hai nước. Kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban liên Chính phủ (tại Hà Nội vào nửa cuối tháng 11) không chỉ có sự tham gia của các bộ, ngành mà cả doanh nghiệp hai nước với các hoạt động như Hội chợ thương mại quốc tế, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Mông Cổ.
Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như khai khoáng, tài chính, du lịch, giáo dục, bán lẻ… đang tích cực tìm kiếm các cơ hội hợp tác, mở rộng đầu tư, kinh doanh.
Chuyến bay thương mại do hãng hàng không MIAT kết nối các thành phố hai nước dự kiến sẽ được triển khai từ tháng 12/2024. Các chuyến bay charter thuê chuyến đưa khách du lịch Mông Cổ đến các thành phố du lịch như Hà Nội, Nha Trang, Phú Quốc và ngược lại sẽ tiếp tục được thực hiện, góp phần thúc đẩy kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Đồng thời, các chương trình giao lưu, trao đổi văn hóa, giáo dục cũng sẽ giúp người dân hai nước hiểu biết sâu sắc hơn về nhau, xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của quan hệ song phương.
Có thể nói, việc nâng cấp quan hệ hai nước đã góp phần tăng cường quan hệ các cấp từ chính quyền đến doanh nghiệp, người dân, tạo ra khí thế mới. Nhân dân hai nước đang rất hồ hởi, tin cậy lẫn nhau và triển khai hợp tác với hình thức đa dạng, hiệu quả.
Tôi tin tưởng trong thời gian tới, với sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao hai nước, quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới hiệu quả, thực chất, toàn diện và bền vững hơn, đáp ứng nguyện vọng, lợi ích chung của hai nước và nhân dân hai nước. Sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Mông Cổ không chỉ đem lại lợi ích cho hai dân tộc, mà sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở châu Á và trên thế giới.
Nhìn lại lịch sử, chuyến thăm Mông Cổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 7/1955 và chuyến thăm Việt Nam của Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Yu.Tsedenbal tháng 9/1959 đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Nền tảng đó, theo Đại sứ, cần được vun đắp như thế nào trong bối cảnh quốc tế hiện nay?
Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Mông Cổ được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Yu.Tsedenbal đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước tiếp nối đã có lịch sử lâu dài và vững chắc. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, khi tình hình quốc tế và khu vực đang có những biến động mạnh, nhanh chóng, phức tạp, khó lường mối quan hệ này càng cần được vun đắp theo một số hướng cụ thể.
Thứ nhất là tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại. Cả Việt Nam và Mông Cổ đều có tiềm năng lớn trong các lĩnh vực như nông nghiệp, chăn nuôi, khoáng sản và du lịch. Để thúc đẩy quan hệ hợp tác về kinh tế, hai nước cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nhau, tăng cường trao đổi thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Thứ hai là phát triển hợp tác giáo dục và văn hóa. Mối quan hệ lâu dài giữa hai nước Việt Nam và Mông Cổ có thể được củng cố qua các hoạt động giao lưu văn hóa và giáo dục. Việc tổ chức các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên, các đoàn nghệ thuật và các sự kiện văn hóa sẽ giúp nhân dân hai nước hiểu biết sâu sắc về truyền thống và văn hóa của nhau, góp phần xây dựng nền tảng hữu nghị vững chắc.
Thứ ba là thúc đẩy hợp tác về quốc phòng, an ninh. Bối cảnh quốc tế hiện nay đặt ra nhiều thách thức về an ninh khu vực, vì vậy Việt Nam và Mông Cổ cần tiếp tục hợp tác trong các vấn đề an ninh và quốc phòng. Hai nước có thể hợp tác trong các lĩnh vực như đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ nhằm bảo đảm an ninh chung, hợp tác trong duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Thứ tư là đẩy mạnh hợp tác đa phương trên trường quốc tế. Việt Nam và Mông Cổ đều có vai trò quan trọng trong các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, WTO, APEC, ASEM, ASEAN… việc phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn này sẽ giúp hai nước tăng cường vị thế quốc tế và bảo vệ lợi ích chung, đồng thời thể hiện sự ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề toàn cầu.
Thứ năm là chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững. Cả Việt Nam và Mông Cổ đều đang đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Do đó, hai nước có thể hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực như năng lượng xanh, năng lượng sạch, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với nỗ lực chung này, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Mông Cổ sẽ không ngừng phát triển, thích ứng với tình hình quốc tế mới, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân hai nước, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai dân tộc.
Nhắc đến Mông Cổ, người Việt Nam sẽ nghĩ ngay đến những vó ngựa của thảo nguyên cùng với những túp lều trắng trên cánh đồng được liên tưởng qua phim truyện và có lẽ như vậy là chưa đủ để hiểu hết về đất nước thú vị này. Câu chuyện về giao lưu văn hóa hai chiều sẽ được thúc đẩy với những cách tiếp cận như thế nào trong thời gian tới, thưa Đại sứ?
Văn hóa đặc trưng của Mông Cổ là văn hóa du mục với thảo nguyên bát ngát, những điệu múa sôi động và những bài ca với âm hưởng cao vút, réo rắt giữa không gian bao la, hùng vĩ. Văn hóa truyền thống Mông Cổ bao gồm âm nhạc, vũ đạo và nghệ thuật hình tượng độc đáo. Thậm chí cả nền văn hóa gia súc của Mông Cổ cũng là một phần quan trọng trong cuộc sống người dân.
Mông Cổ có nhiều lễ hội liên quan đến văn hóa, phong tục tập quán truyền thống được tổ chức vào mùa Hè. Lớn nhất là Lễ hội Naadam (di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại) diễn ra vào đầu tháng Bảy và kéo dài nhiều ngày trên mọi miền đất nước. Trang phục truyền thống của Mông Cổ cũng là nét văn hóa đặc sắc đầy tinh tế, không chỉ giữ ấm cho cơ thể mà còn để thể hiện địa vị xã hội của chủ nhân.
Ẩm thực đặc trưng của Mông Cổ cũng gắn liền với đời sống du mục và chăn nuôi gia súc. Ngoài nguồn thực phẩm phần lớn là thịt thì những sản phẩm từ sữa (ngựa, bò, dê, cừu) là nguồn phổ biến thứ hai của người dân và được chế biến rất đa dạng, thành những món ăn đặc sản mang hương vị riêng biệt, làm nên nét độc đáo và thu hút của văn hóa Mông Cổ.
Cả Việt Nam và Mông Cổ đều có nền văn hóa truyền thống phong phú. Để tăng cường giao lưu văn hóa trong thời gian tới, hai nước cần đầy mạnh hợp tác giáo dục và nghiên cứu văn hóa; trao đổi nghệ thuật và truyền thống dân gian; tích cực quảng bá du lịch và ẩm thực; tăng cường giao lưu thể thao…
Để thực hiện được các giải pháp trên rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, Đại sứ quán và các tổ chức văn hóa, nghệ thuật hai nước chung tay, phối hợp chặt chẽ cùng triển khai các hoạt động hợp tác hai bên.