Back to E-magazine
e magazine
11:56 | 15/09/2021
Quan hệ Việt Nam-Thái Lan qua ký ức của cựu Bộ trưởng Bhichai Rattakul

11:56 | 15/09/2021

Những dấu mốc quan trọng của chặng đường 45 năm quan hệ Việt Nam-Thái Lan đã được tái hiện qua ký ức của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Bhichai Rattakul.
Quan hệ Việt Nam-Thái Lan qua ký ức của cựu Bộ trưởng Bhichai Rattakul

Buổi chiều tháng Ba chan hòa ánh nắng và sắc vàng của những khóm muồng hoàng yến nở rộ hai bên đường phố Bangkok. Tôi đến thăm ông Bhichai Rattakul tại nhà riêng của ông tại một khu dân cư nằm ở phía Đông thủ đô.

Nhà ông ở cách Đại sứ quán Việt Nam khoảng chừng 40 phút đi ô tô, một căn biệt thự thấp tầng tương đối rộng, xây khá giản dị, sơn màu trắng, nằm trong khuôn viên rộng rãi có nhiều cây xanh. Ông Bhichai đã bước sang tuổi 95 nhưng nom vẫn khỏe, thi thoảng ông vẫn chơi golf.

VỊ CHÍNH TRỊ GIA XUẤT CHÚNG

Nói đến tên ông, thế hệ chúng tôi hầu như ai cũng từng nghe về vị chính trị gia xuất chúng của chính trường Thái Lan một thời. Trong ba thập niên sôi động cuối thế kỷ XX, ông giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, rồi Phó Thủ tướng, Chủ tịch đảng Dân chủ Thái Lan, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan qua các thời kỳ. Đặc biệt, ông là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam và là nhân vật đã làm nên lịch sử của mối quan hệ bang giao giữa Thái Lan và Việt Nam thời hiện đại.

Ông Bhichai chầm chậm bước ra sảnh, nở nụ cười niềm nở đón chúng tôi. Thời trẻ, ông có dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt trí thức với cặp kính trắng. Về già, ông đậm người hơn, dáng vẻ quắc thước, khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu khiến tôi có cảm giác thân thiện với ông ngay từ phút đầu gặp gỡ.

Chiếc bàn tiếp khách hình vuông, kê thấp, khá giản dị phủ tấm vải thổ cẩm trang nhã rất quen thuộc với các gia đình Thái Lan. Bên trên bày biện sẵn bốn, năm đĩa đủ loại bánh mặn, bánh ngọt truyền thống do người nhà tự làm, mấy đĩa hoa quả và các tách trà cổ kiểu Thái có hình vẽ rất cầu kỳ dùng để đón những vị khách quý đến thăm.

Anh Anatchai, con trai ông, đã nghỉ hưu, nay vừa là nhà kinh doanh, vừa thỉnh giảng cho trường đại học ở Bangkok, hôm ấy cũng có mặt để đón chúng tôi. Tuy có cán bộ phiên dịch tiếng Thái đi cùng, nhưng vì ông Bhichai nói tiếng Anh rất tốt nên tôi và ông nói chuyện trực tiếp bằng tiếng Anh.

Tôi cảm ơn ông đã dành thời gian tiếp và nói rất vinh dự được gặp ông là một nhân vật lịch sử quan trọng đã đặt nền móng cho quan hệ Thái-Việt cách đây vừa tròn 45 năm. Ông cười nhìn tôi rồi chậm rãi đáp: “Tôi đã đọc tiểu sử của Đại sứ và rất ấn tượng về anh. Tôi tin Đại sứ sẽ làm tốt trọng trách tại Thái Lan và sẽ có nhiều người bạn Thái ở đây”.

Ông hỏi thăm về tình hình ở Việt Nam, tỏ vẻ rất vui vì Việt Nam bây giờ phát triển rất nhanh và thành công trong đợt chống dịch Covid-19 vừa qua. Rồi chúng tôi nói chuyện về gia đình, về những người bạn của ông ở Việt Nam. Bầu không khí trở trên thân thiện và cởi mở giữa chủ và khách dường như không còn khoảng cách.

“Thưa ông, năm nay vừa đúng 45 năm hai nước Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao Thật là tuyệt vời, hôm nay chúng tôi được gặp ông là nhân vật lịch sử đã thay mặt cho Chính phủ Hoàng gia Thái Lan ký văn bản thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Khi xưa, sau khi quân Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, hai nước chúng ta còn ở hai đầu chiến tuyến, thật khó có thể hình dung sau 45 năm, quan hệ giữa hai nước lại phát triển theo chiều hướng tốt đẹp và vững chắc đến như ngày nay. Hai nước chúng ta đã là Đối tác chiến lược của nhau. Các thế hệ lãnh đạo đều có quan hệ tốt đẹp và tin cậy. Thái Lan và Việt Nam là những đối tác quan trọng trên mọi lĩnh vực, nhất là về thương mại và đầu tư. Nếu như ngày đó không có sự quyết đoán, tầm nhìn xa và sự dũng cảm của các nhà lãnh đạo hai bên thời bấy giờ, có lẽ không biết có quan hệ Thái Lan-Việt Nam như ngày hôm nay hay không?” – tôi nói.

Quan hệ Việt Nam-Thái Lan qua ký ức của cựu Bộ trưởng Bhichai Rattakul

NGƯỜI ĐẶT NỀN MÓNG CHO QUAN HỆ VIỆT NAM-THÁI LAN

Tôi đưa ông xem bức ảnh đen trắng chụp buổi ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thái Lan đúng 45 năm trước, ngày 6/8/1976. Trong ảnh, ông Bhichai lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao của Thái Lan đang ngồi ký với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh văn bản thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước, trước sự chứng kiến của các quan chức hai bên.

Ông Bhichai kể lại, vào đầu năm 1976, thông qua Phái đoàn thường trực của Thái Lan ở Liên hợp quốc, ông biết ông Phan Hiền (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam lúc đó) sẽ đến New York họp chuẩn bị cho Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Ông đã gửi lời nhắn đến ông Phan Hiền về ý định muốn hai bên gặp nhau nếu ông Phan Hiền ghé qua Bangkok.

“Ông Phan Hiền đồng ý và nhắn lại ông sẽ bay từ New York, qua Paris rồi ghé qua Bangkok gặp tôi. Cuộc gặp đầu tiên đã diễn ra ở phòng khách sân bay Don Mueang trong khoảng hai tiếng đồng hồ, trước khi ông Phan Hiền đáp máy bay về Hà Nội. Sau một vài câu xã giao, tôi nói với ông Phan Hiền tình hình khu vực chúng ta đã bước sang giai đoạn mới. Các quốc gia Đông Nam Á đang đứng trước cơ hội lịch sử bắt tay với nhau. Chính vì vậy, Thái Lan rất muốn bàn với Việt Nam làm sao sớm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Tôi đã trao đổi với ông Phan Hiền về việc tôi sẵn sàng đi sang Hà Nội trong nay mai nếu điều kiện cho phép. Rất may là ông Phan Hiền cũng cùng suy nghĩ với tôi. Sau lần gặp đó, tôi cảm nhận ông Phan Hiền là nhà ngoại giao rất hiểu biết, dễ mến và tin cậy, càng làm cho tôi càng quyết tâm thúc đẩy quan hệ hai nước”, ông Bhichai nhớ lại.

Quan hệ Việt Nam-Thái Lan qua ký ức của cựu Bộ trưởng Bhichai Rattakul

SỰ THIỆN CHÍ CỦA ĐÔI BÊN

Theo cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, đầu tháng 8/1976, sau khi đã có những tín hiệu tích cực từ cả hai phía, ông đã bay sang Việt Nam với một số quan chức của Bộ Ngoại giao Thái Lan. Khi đến Hà Nội, ông rất ngạc nhiên về thành phố sau những năm chiến tranh và những cuộc ném bom tàn khốc của không quân Mỹ hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Những đường nét hiền hòa của một thành phố Á Đông xen lẫn kiến trúc của Pháp tạo sự khác biệt so với Bangkok và các thành phố khác ở khu vực Đông Nam Á, đối với ông là một điều mới mẻ, thích thú.

Ông kể, vào buổi sáng hôm sau diễn ra cuộc hội đàm giữa ông và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tại trụ sở Bộ Ngoại giao. Trong lúc trao đổi, ông nói: “Hôm nay tôi đến gặp ông không có mang theo gì trên tay (vừa nói ông chìa hai bàn tay) mà chỉ mang theo một trái tim với mong muốn hai nước chúng ta sẽ là bạn. Thái Lan sẵn sàng bàn với Việt Nam giải quyết các vấn đề tồn tại giữa hai nước để chúng ta có thể tiến tới thiết lập quan hệ chính thức. Chiến tranh và mâu thuẫn nên để lại phía sau, điều quan trọng là chúng ta cùng nhau rút ra những bài học từ quá khứ để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn”.

Chia sẻ với tôi, ông Bhichai cho biết, lúc đó phía Việt Nam cũng muốn nối lại quan hệ với các nước Đông Nam Á, nhưng câu chuyện với ông Nguyễn Duy Trinh ngày đầu không hề dễ dàng. Có cảm giác hai bên chưa thực sự hiểu thiện chí của nhau, khoảng cách còn khá xa, khó đi đến thống nhất, có cảm giác như hai bên đang thăm dò lẫn nhau. Là đồng minh của Mỹ, quân đội Thái Lan đã tham gia cuộc chiến của Mỹ chống lại Bắc Việt Nam một thời gian khá dài và sự thiếu lòng tin có thể đã hằn sâu trong tư tưởng của lãnh đạo hai bên nên không dễ gì vượt qua một sớm một chiều.

“Nhưng cuối cùng thì như chúng ta đã thấy hai bên đã ký được Tuyên bố chung. Điều gì đã tạo nên sự đột phá trong các cuộc trao đổi lúc bấy giờ để hai bên có thể kết thúc đàm phán, thưa ông?”

“Có lẽ đó là thiện chí của cả hai bên. Đến ngày thứ hai thì dường như bắt đầu thấy có tiến triển theo chiều hướng tốt hơn. Cứ thế về sau, rất may chúng tôi đã tìm được tiếng nói chung về khá nhiều vấn đề. Chỉ còn hai vấn đề mặc dù tốn khá nhiều thời gian bàn thảo, nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất được là giải quyết kho vũ khí, khí tài quân sự của Mỹ chuyển từ Việt Nam sang Thái Lan sau khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam và vấn đề Việt kiều tại Thái Lan. Đây là những vấn đề rất phức tạp liên quan đến bên thứ ba và cuộc sống của hàng chục ngàn người Việt đang ổn định ở một số tỉnh Đông Bắc Thái Lan, trong đó nhiều người được sinh ra tại Thái Lan”, ông Bhichai nhớ lại.

Ông Bhichai kể lại, dần dần hai bên cũng hiểu không thể giải quyết một sớm một chiều. Cuối cùng, trên tinh thần thiện chí, hai bên quyết định gác lại những vấn đề khó và ghi thêm một dòng vào biên bản là sẽ tiếp tục bàn bạc về cách thức phù hợp để giải quyết các vấn đề còn tồn tại.

“Tôi và ông Nguyễn Duy Trinh đồng ý, chúng tôi đứng dậy bắt tay nhau trong niềm vui sướng, như vừa trút được hòn đá tảng trên lưng mình. Điều tuyệt vời nhất là hai bên đã dũng cảm vượt qua những mặc cảm, đủ thiện chí để tạm thời gác lại một số vấn đề khó nhằm đi đến thiết lập mối quan hệ chính thức. Khả năng có thể ký tắt biên bản ngay trong chuyến thăm này làm cho tôi quên đi tất cả mệt nhọc của những ngày đàm phán căng thẳng trước đó”.

Theo ông Bhichai, ông đã gọi điện thoại liên tục về Bangkok cho Thủ tướng Seni Promoj để xin ý kiến Chính phủ Thái Lan thông qua nội dung Thỏa thuận. Lúc đó liên lạc điện thoại giữa Hà Nội và Bangkok là cả một vấn đề, ông buộc phải nhờ đường dây liên lạc của một tòa Đại sứ quán nước khác ở Hà Nội.

“Ngay cả khi gọi được thì cũng không gặp được Thủ tướng. Đến ngày thứ ba trong lúc Thủ tướng đang ở văn phòng thì tôi đã liên lạc được với ông. Sau khi báo cáo các nội dung thỏa thuận tôi xin ký ngay lần này tại Hà Nội. Ban đầu, Thủ tướng khá e dè vì việc này nhạy cảm, lại chưa đưa ra bàn trong chính phủ. Tôi nói, tùy Thủ tướng quyết định, nhưng nếu không ký được lần này thì thời cơ có thể sẽ qua đi và không biết đến khi nào. Tôi đã lấy uy tín và sinh mệnh chính trị của tôi ra để đảm bảo cho thỏa thuận này. Ngày hôm sau tôi nhận được điện báo từ Bộ Ngoại giao là Thủ tướng đồng ý”.

Quan hệ Việt Nam-Thái Lan qua ký ức của cựu Bộ trưởng Bhichai Rattakul

NGƯỜI BẠN VIỆT NAM TỐT NHẤT

Cơn mưa rào bất chợt ập đến xối xả, gõ đồm độp xuống mái hiên cắt ngang câu chuyện của chúng tôi. Ông dẫn tôi đến dãy tủ trưng bày cơ man các kỷ vật sưu tầm trong nhiều năm công tác của ông gồm các loại phần thưởng của Hoàng gia, huân chương, kỷ niệm chương, tượng, phù điêu, quà lưu niệm của chính phủ các nước bè bạn tặng.

Ông chỉ cho tôi chiếc khung ảnh màu vàng khá to chiếm hầu hết ngăn tủ. Đó là tấm văn bằng Huân chương hữu nghị của Chủ tich nước Việt Nam tặng ông. Ông nói đây là một trong những phần thưởng đặc biệt nhất của mình, rất tự hào mỗi khi giới thiệu về tấm huân chương này cho những bạn bè, người thân đến thăm. Ông với tay lấy ra một chiếc hộp màu đỏ hình chữ nhật, các góc đã bị sờn theo thời gian, mặt trên in hình quốc huy của Việt Nam. Ông mở hộp bên trong chiếc Huân chương Hữu nghị hầu như vẫn còn tươi mới.

Ông kể về chuyến đi Việt Nam để nhận tấm Huân chương hữu nghị: “Từ ngày tôi sang Hà Nội lần đầu tiên để ký hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao với ngài Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh, đến khi tôi trở lại Việt Nam để nhận tấm huân chương này, hai nước chúng ta đã đi được một quãng đường rất dài nhưng cũng rất gian nan. Cảm ơn Việt Nam về sự ghi nhận những việc chúng ta đã làm với nhau. Tôi cảm thấy vui sướng vì ngày nay chúng ta là những người bạn thân thiết. Việt Nam đã vào ASEAN, điều tôi đã bắt đầu nghĩ tới khi lần đầu đến Hà Nội, nhưng không ngờ hơn 20 năm sau mới hoàn thành. Điều tuyệt vời nhất là ước mơ ASEAN của cả 10 nước Đông Nam Á đã thành hiện thực. Tôi nghĩ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đã là láng giềng tốt phải chơi thân với nhau, không bao giờ để các thế lực bên ngoài chia rẽ vì những lợi ích của họ. Đó là điều mà lịch sử đã chứng minh và chúng ta không bao giờ được phép quên đi. Ông Nguyễn Cơ Thạch là người như vậy, luôn đòi hỏi sự bình đẳng và không bị chi phối bởi các nước lớn”.

Quan hệ Việt Nam-Thái Lan qua ký ức của cựu Bộ trưởng Bhichai Rattakul

“Năm nay là năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Được biết giữa ông và ông Nguyễn Cơ Thạch có mối quan hệ cá nhân rất thân thiết và tin cậy. Quan hệ giữa các nhà lãnh đạo hai nước trước đây cũng như bây giờ luôn là một yếu tố quan trọng đối với quan hệ giữa hai nước chúng ta?” – tôi hỏi.

Bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm với cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, ông Bhichai chia sẻ: “Ông Nguyễn Cơ Thạch là người bạn Việt Nam tốt nhất của tôi. Khi tôi nhận được tin ông ấy mất, tôi đã khóc. Mối quan hệ của tôi với ông Nguyễn Cơ Thạch trở nên thân thiết, gần gũi sau khi ông ấy nhận chức Ngoại trưởng thay ông Nguyễn Duy Trinh và có nhiều lần qua lại Thái Lan. Ban đầu là đối tác, về sau là mối quan hệ cá nhân rất quý mến nhau. Chúng tôi có sự tin tưởng lẫn nhau và rất hợp nhau về tư duy về hầu hết mọi vấn đề. Bây giờ không biết mối quan hệ cá nhân kiểu này giữa các nhà lãnh đạo như thế nào nhưng khi đó thì rất hiếm. Tôi nhớ có lần, ông ấy đi công tác ở Paris, tôi cũng có việc đến Paris và chúng chúng tôi đã hẹn gặp nhau nói chuyện trong hai ngày. Hồi đó chúng tôi nói rất nhiều chuyện, nhưng tôi còn nhớ một trong những chủ đề mà cả hai chúng tôi say sưa nhất là phải làm sao để Việt Nam sớm gia nhập ASEAN. Những cuộc gặp như thế với ông Thạch để lại những kỷ niệm không bao giờ quên”.

Chúng tôi vừa đứng vừa nói chuyện. Đoạn ông khoác vai tôi rất thân tình như người thân: “Tôi mong sao chóng hết dịch Covid-19, để được trở lại Việt Nam một lần nữa, để được gặp những người bạn. Tôi cũng muốn đến thăm phu nhân của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, chắc bà vẫn còn sống”

Tôi nói với ông rằng Phu nhân của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch năm nay ngoài 90 nhưng bà vẫn còn khỏe mạnh. Phu nhân chắc là rất vui mừng nếu biết ông có ý định đến thăm phu nhân. “Chắc chắn tôi sẽ quay lại thăm Việt Nam”, ông nói.

Cơn mưa rào vừa tạnh cũng là lúc tôi chào ông Bhichai ra về. Bầu trời hừng sáng lên sau cơn mưa. Khí trời mát mẻ, rất dễ chịu. Ngoài vườn cây cối um tùm, ướt sẫm, xanh màu ngọc. Tôi từ biệt ông ra về và hẹn một ngày gần đây sẽ lại đến thăm ông. Xe lao qua các con phố về Đại sứ quán. Tôi cảm thấy mình thật may mắn được sống và làm việc tại một đất nước hiền hòa, với những con người thân thiện, thông minh và nhân từ.

Tôi có một niềm tin rằng người Thái Lan và người Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhưng khi hiểu nhau và tin cậy lẫn nhau thì không có gì có thể chia cắt tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Quan hệ Việt Nam-Thái Lan qua ký ức của cựu Bộ trưởng Bhichai Rattakul

Thiết kế: Phạm Anh Tuấn

Ảnh: Tư liệu Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan

Đọc thêm

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

"Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Brazil 112 năm trước chính là biểu tượng cho sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc. Dù cách xa nửa vòng trái đất, nhưng nhân dân hai nước đã có những điểm chung..." Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

‘Nước Mỹ trên hết’, ‘chia sẻ trách nhiệm’, ‘áp lực tối đa’, ‘cây gậy và củ cà rốt’… sẽ là những cách tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại mang ‘thương hiệu’ riêng của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác 8 ngày với gần 80 hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đạt được kết quả tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương.
Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18-20/8, Đảng, Nhà nước Trung Quốc thu xếp đón tiếp đặc biệt trọng thị, bố trí các biện pháp lễ tân, an ninh cao nhất theo nghi thức chuyến thăm cấp Nhà nước với nhiều biệt lệ, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

"Những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua có những dấu ấn to lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại.
'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

Việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán, phù hợp với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể hóa các cam kết để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước. Chính việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, phù hợp với chiến lược friend-shoring của Mỹ để sắp xếp lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia an toàn và đáng tin cậy.