Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Bùi Hùng Cường) |
Tiềm năng phát triển du lịch hàng đầu
Quảng Bình là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam, có diện tích tự nhiên 8.065 km2, dân số hơn 900 ngàn người. Quảng Bình được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng và giàu tài nguyên phát triển du lịch hàng đầu ở Việt Nam.
Trái tim của du lịch Quảng Bình là Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO hai lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2003 và năm 2015, với các tiêu chí về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học và cảnh quan môi trường. Đây cũng là Di sản đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đạt 3/4 tiêu chí dành cho một Di sản thiên nhiên thế giới.
Quảng Bình được mệnh danh là “Vương quốc của hang động”, nơi có hàng ngàn hang động lớn nhỏ với những giá trị hàng đầu thế giới, như động Sơn Đoòng lớn nhất thế giới, hang Én lớn thứ ba thế giới, hang Va có hệ thống thạch nhũ độc đáo hàng đầu thế giới, động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường, hang Tối, hang Tú Làn…cùng với hệ thống hang động kỳ vĩ là các dòng sông, những cánh rừng nguyên sinh với hệ động vật, sinh vật vô cùng đa dạng và phong phú.
Hang Sơn Đoòng. (Ảnh: Trần Tuấn Việt) |
Động Thiên Đường. (Ảnh: Thành Vương) |
Hệ thống hang động ở Quảng Bình được New York Times bình chọn là điểm đến hấp dẫn nhất châu Á và xếp vị trí thứ 8/52 thế giới; các tạp chí, trang web du lịch hàng đầu thế giới như Lonely Planet, Telegraph, Trip Advisor… đánh giá Quảng Bình là một trong những nơi đáng trải nghiệm nhất tại Việt Nam. Phong Nha – Kẻ Bàng là một trong các thương hiệu đại diện cho du lịch Việt Nam khi quảng bá ra thị trường quốc tế.
Quảng Bình còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi giao thoa và tiếp biến văn hoá với các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, có nhiều giá trị to lớn về mặt sử liệu, văn hoá và giáo dục. Dải đất miền Trung này nổi tiếng về du lịch biển đảo với dải cát ven biển dài nhất Việt Nam, với nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ, nước trong cát mịn như Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú, Đá Nhảy, Hải Ninh…và nhiều món ăn hải sản tươi ngon, hương vị độc đáo.
Trên cơ sở các lợi thế, Quảng Bình đang chú trọng phát triển các khu nghỉ dưỡng, thể thao giải trí ven biển, du lịch chữa bệnh, phục hồi chức năng, du lịch ẩm thực. Du lịch Quảng Bình tập trung khai thác và phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao phục vụ đa dạng nhu cầu, với 3 nhóm chính, bao gồm: Trung tâm du lịch khám phá, trải nghiệm thiên nhiên của khu vực châu Á; Các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, các lễ hội văn hóa, truyền thống, giá trị văn hóa phi vật thể gắn với cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư; Các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí cao cấp ven biển.
Đến Quảng Bình để thành công
Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bởi nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng và hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nền kinh tế tổng hợp, đa dạng, đặc biệt là phát triển du lịch.
Sở hữu hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, Quảng Bình nằm ở vị trí huyết mạch quan trọng trên các tuyến giao thông quốc gia như: Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh; hệ thống giao thông đường sắt Bắc-Nam; cảng biển Hòn La; cảng hàng không Đồng Hới với công suất đạt 3 triệu lượt khách/năm sau khi nâng cấp (công suất khai thác trung bình từ 2018 đến nay đạt hơn 600.000 khách/năm).
Đồi cát Nhân Trạch. (Ảnh: Thành Vương) |
Vũng Chùa - Đảo Yến. (Ảnh: Thành Vương) |
Quảng Bình còn nằm ở vị trí chiến lược trên trục hành lang phát triển kinh tế Đông-Tây, có Quốc lộ 12A-con đường ngắn nhất nối Việt Nam với Lào, Thái Lan qua cửa khẩu Quốc tế Cha Lo và cầu Hữu Nghị III, là cửa ngõ phía Đông của cả vùng Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanma.
Đặc biệt, trong thời gian tới, sân bay Đồng Hới được nâng cấp và mở rộng lên cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) với công suất đạt 3 triệu khách/năm, hàng hóa đạt từ 50-100 ngàn tấn/năm sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy cơ hội giao thương, đi lại và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Quảng Bình có 2 Khu kinh tế: Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ khu vực Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mekong; Khu kinh tế biển Hòn La nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình. Cùng với 8 khu công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch, Quảng Bình còn được quy hoạch là trung tâm phát triển năng lượng lớn của cả nước....
Không chỉ hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và của Đông Nam Á với nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, bờ biển Quảng Bình dài hơn 116km và độ che phủ rừng đạt trên 68%, đứng thứ 2 cả nước là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế rừng, kinh tế biển.
Vừa qua, Quảng Bình đã ban hành Danh mục các dự án tiềm năng tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2024 với tổng số 23 dự án, trong đó, 6 dự án lĩnh vực nông nghiệp, 7 dự án lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ, 6 dự án lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp và 4 dự án hạ tầng kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở để các nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư đối với các lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh sẵn có và định hướng phát triển của địa phương.
Về ưu đãi đầu tư, Luật Ðầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đã có nhiều nội dung về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác đầu tư phát triển. Cùng với việc áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung ưu đãi của Chính phủ, Quảng Bình còn có chính sách hỗ trợ về bồi thường, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật ngoài hàng rào dự án; hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động và các chính sách hỗ trợ đặc thù như: Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (hỗ trợ về chăn nuôi bò thịt; hỗ trợ đầu tư cơ sở chế biến nông sản; hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm); hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh với các nội dung: Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm…
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình xác định tạo đột phá từ cải cách hành chính, chuyển từ nền hành chính quản trị sang nền hành chính phục vụ; chủ động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn với các tiêu chí hợp tác đầu tư mới nhằm lựa chọn được những nhà đầu tư có tâm, có tầm, phù hợp với chủ trương phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam.
Toàn cảnh Phong Nha. (Ảnh: Oxalis) |
Với phương châm hợp tác cùng phát triển, chính quyền tỉnh Quảng Bình cam kết sẽ làm hết sức mình để tạo môi trường an toàn, thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả bền vững.
UBND tỉnh sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư từ lúc khảo sát lập dự án và xuyên suốt trong quá trình dự án đi vào hoạt động để sát cánh cùng tháo gỡ vướng mắc, giải quyết khó khăn, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu quả đầu tư cho từng dự án, bởi “Thành công của doanh nghiệp chính là sự đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình”. Đó cũng là thông điệp Quảng Bình muốn gửi đến các nhà đầu tư, nhằm hiện thực hóa kỳ vọng kinh tế - xã hội để Tỉnh nhà ngày càng phát triển, sớm trở thành một trung tâm du lịch tầm cỡ ở khu vực và trên thế giới.
Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Quảng Bình sẽ tạo được niềm tin mạnh mẽ đối với nhà đầu tư khi chọn dải đất miền Trung đầy nắng gió, là điểm đến để đầu tư và phát triển.
| Việt Nam tự tin xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, tự tin ... |
| Thị trường được 'làm sạch', chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng như thế nào? Các tiêu chí nâng hạng tập trung vào hai yếu tố chính: Quy mô và thanh khoản (định lượng) và khả năng tiếp cận thị ... |