📞

Quảng Ninh nỗ lực thúc đẩy công tác bình đẳng giới

19:19 | 16/09/2018
Thực hiện Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới nhằm rút ngắn khoảng cách giữa giới nam và giới nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, từ năm 2007 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực đẩy mạnh công tác bình đẳng giới dưới nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

Tạo điều kiện cho phụ nữ làm kinh tế

Từ một hộ gia đình nghèo trong thị xã, chị Lê Thị Thà, Giám đốc HTX Hoa Phong ở phường Xuân Sơn, thị xã Đông Triều – một địa phương ở vùng sâu của tỉnh Quảng Ninh, đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua đất để nuôi thủy sản và gia cầm, thành lập hợp tác xã để kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

Sau một thời gian đi vào triển khai, mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn xây dựng trên chuỗi giá trị nông sản khép kín hiệu quả đã đem lại thu nhập khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm nông dân trên địa bàn thị xã.

Chị Thà chỉ là một trong rất nhiều tấm gương phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang được chính quyền địa phương tạo điều kiện làm ăn, kinh doanh và vươn lên từ đói nghèo. Mặc dù thiệt thòi hơn do với phụ nữ vùng đô thị, song phụ nữ các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế, xã hội địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình Xây dựng nông thôn mới và thực hiện có hiệu quả Chương trình 135.

Phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã tự tin tham gia làm kinh tế. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Có nhiều chị đã mạnh dạn vay vốn mở trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô, thu hút và tạo việc làm cho lao động dôi dư, nông nhàn trong cộng đồng dân cư với tổng nguồn vốn gần 400 tỷ đồng; có 763 hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số đã chủ động đề nghị được hỗ trợ đất để sản xuất, phát triển kinh tế gia đình với tổng diện tích trên 149ha…

Có thể kể ra một số gương phụ nữ dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh giỏi như: Chị Làu Sám Múi (dân tộc Dao, bản Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà); chị Đặng Thị Liên (dân tộc Dao, thôn Bằng Lau, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ); chị Lý Thị Hà (dân tộc Dao, thôn Tân Lập, xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ); chị Trần Thị Linh (dân tộc Sán Dìu, thôn Đông Hải, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà)…

Tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, nhận thức của hệ thống chính trị, xã hội, gia đình và bản thân người phụ nữ về bình đẳng giới được nâng cao rõ rệt. Các cấp uỷ đảng đã cụ thể hoá nội dung bằng chương trình, hành động cụ thể, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Ở mỗi cấp, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, Hội đồng Nhân dân liên tục tăng sau mỗi nhiệm kỳ và luôn cao hơn tỷ lệ chung của toàn quốc. Số lượng, chất lượng cán bộ nữ tham gia tại các cơ quan, sở, ban, ngành được nâng cao, từng bước trẻ hoá. Hiện nay, số lượng cán bộ, công chức, viên chức nữ của tỉnh là 22.936 người, chiếm 67,5% tổng số cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; hằng năm, tỷ lệ lao động nữ được giải quyết việc làm luôn đạt từ 40 - 45%, vượt chỉ tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; gần 1.000 cán bộ, công chức, viên chức nữ có trình độ thạc sĩ, chiếm 48% và 5 nữ tiến sĩ, chiếm 35,7% tổng số tiến sĩ; tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 24%; nữ lao động nông thôn được đào tạo nghề đạt 54,9%…

Tỷ lệ phụ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng tăng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 49,8% các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Các cán bộ nữ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, thể hiện tốt vai trò là người lãnh đạo, quản lý... Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng, khẳng định sự chủ động, nỗ lực vươn lên của phụ nữ làm chủ tri thức, tham gia các hoạt động xã hội.

Truyền thông về bình đẳng giới bằng hình thức sân khấu hóa thường xuyên được tỉnh khuyến khích, đẩy mạnh. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới

Ngoài việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các chị em phụ nữ làm kinh tế, tham gia vào các hoạt động kinh tế - chính trị…, tỉnh Quảng Ninh thời gian qua cũng thường xuyên tổ chức các đợt vận động, các chương trình hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ… góp phần tích cực nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới.

Với chủ đề “Chủ đồng phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ”, tỉnh Quảng Ninh sẽ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 từ 15/11 – 15/12 gồm nhiều hoạt động phong phú: Lễ phát động Tháng hành động; tổ chức cuộc thi Tìm hiểu về Luật bình đẳng giới bằng hình thức sân khấu hóa; tuyên truyền trên hành trình xe buýt bằng các pano, khẩu hiệu, thông điệp truyền thông…

Mục đích chính của Tháng hành động nhằm: thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng…trong việc chống bạo lực và xâm hại phụ nữ, trẻ em; đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới; tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em; giảm thiểu tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ trẻ em, kịp thời xử lý các vụ việc bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em…