📞

Quảng Ninh tạo đột phá từ chính quyền số

12:00 | 11/11/2018
Mô hình chính quyền số của Quảng Ninh không chỉ là hình mẫu cho nhiều địa phương noi theo, học tập mà đã dần được cộng đồng quốc tế ghi nhận, biểu dương.

Giảm 40% thời gian, tiết kiệm 70 tỷ đồng/năm

Không phải kê khai hàng chồng hồ sơ giấy, không phải đi lại nhiều lần, bây giờ, để làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, anh Nguyễn Anh Dũng - Trưởng bộ phận kiểm soát chất lượng, Công ty TNHH Dược Phẩm Hạ Long - chỉ phải nộp hồ sơ qua mạng.

“Chỉ cần ngồi văn phòng, tôi có thế gửi hồ sơ qua mạng, theo dõi xem hồ sơ đã được xử lý đến khâu nào. Nhờ dịch vụ công trực tuyến, doanh nghiệp chúng tôi hầu như không phải mất thời gian đi lại, tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí”, anh Dũng cho hay.

Vốn là một xã vùng sâu của huyện miền núi Bình Liêu nhưng trong vòng vài năm qua, xã Tình Húc đã có trên 10.000 công văn nhận và chuyển qua mạng Internet. Ông Vi Hồng Lâm – Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tình Húc – cho biết, hiện, toàn bộ công văn, chỉ thị, báo cáo…đến và đi từ xã lên huyện, tỉnh, các sở, ngành và ngược lại đều được xử lý trên mạng. Nếu thực hiện như trước đây, thì phải in 10.000 công văn đó và đem ra bưu điện gửi – không chỉ tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc.

Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

“Điều quan trọng, mỗi cá nhân có một tài khoản và các công văn được scan rồi gửi vào từng tài khoản liên quan chỉ trong vòng vài phút” – ông Lâm chia sẻ – “Nhận được công văn, người đứng đầu chỉ đạo, giao cho cá nhân cụ thể nào đó phụ trách hoặc phối hợp thực hiện công việc và ấn định mốc thời gian hoàn thành”.

Trên 90% các văn bản, giấy tờ tại Trung tâm hành chính công của tỉnh Quảng Ninh được trao đổi trực tuyến. Gần 250 đơn vị khác thuộc tỉnh Quảng Ninh cũng đang xử lý hồ sơ trên hệ thống điện tử.

Theo ông Võ Đức Hạnh – Phó Ban thường trực Ban Quản lý điều hành Dự án chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh – đến nay, việc trao đổi văn bản qua mạng đã được thực hiện ở tất cả các cấp trong hệ thống Đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể…, từ cấp xã tới cấp tỉnh.

Tính đến tháng 10/2018, Quảng Ninh đã có trên 4,6 triệu văn bản được trao đổi qua mạng giữa 609 đơn vị trong tỉnh. Trong khi đó, Hà Nội có trên 3,7 triệu văn bản trao đổi qua mạng giữa 148 đơn vị; đứng thứ 3 là TP. Hồ Chí Minh với trên 3,5 triệu văn bản. Với trung bình khoảng 7.000 đồng/lần chuyển phát nhanh, theo ông Hạnh, nếu gửi qua bưu điện số văn bản trên, ngân sách Quảng Ninh sẽ mất gần 33 tỉ đồng; chưa kể lượng in ấn khổng lồ.

Ước tính, sau hơn 5 năm áp dụng chính quyền điện tử, người dân và doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh đã giảm tới hơn 40% thời gian làm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí xã hội lên tới 70 tỷ đồng/năm

“Tiền bạc là một chuyện, hiệu quả ở chỗ là gửi đi nhận được ngay, giúp xử lý công việc nhanh hơn. Hơn nữa, mỗi văn bản gửi đi đều có dấu lưu trên máy và có ấn định thời gian xử lý công việc, buộc các đơn vị, cá nhân phải nêu cao trách nhiệm của mình” – ông Hạnh cho biết.

Điểm sáng về chính quyền số

Tại Hội Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018 với chủ đề: “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số”, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đánh giá cao cách làm của Quảng Ninh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định Văn phòng Chính phủ sẽ đồng hành với Quảng Ninh và nhấn mạnh mô hình ở Quảng Ninh sẽ là nền tảng để đánh giá xây dựng mô hình chính quyền điện tử quốc gia.

Trong 3 năm gần đây (2016, 2017, 2018), tỉnh Quảng Ninh liên tiếp giữ vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam (ICT INDEX). Năm 2017, Quảng Ninh xếp thứ 1/63 về Chỉ số PCI – chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đồng thời đứng ở vị trí thứ 1/63 trong Bảng xếp hạng về Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX).

Tỉnh Quảng Ninh với điểm nhấn là hệ thống Chính quyền điện tử do Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) triển khai đã trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được vinh danh ở hạng mục Chính quyền số. (Nguồn: ASOCIO)

Mô hình chính quyền số của Quảng Ninh không chỉ là hình mẫu cho nhiều địa phương noi theo, học tập mà đã dần được cộng đồng quốc tế ghi nhận, biểu dương. Ngày 8/11, tại Nhật Bản, Quảng Ninh đã vinh dự nhận Giải thưởng ASOCIO 2018 dành cho chính quyền số do Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) trao thưởng. Đây cũng là giải thưởng CNTT uy tín hàng đầu, có ảnh hưởng rất lớn trong ngành CNTT trong khu vực. 

Chia sẻ về thành công của Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Xây dựng Chính quyền điện tử sẽ làm thay đổi mô hình xử lý, thay đổi lề lối làm việc nên để triển khai thành công trước tiên cần có sự quyết tâm cao độ từ phía lãnh đạo tỉnh và sự đồng thuận cao của các cấp. Các yếu tố như tuyên truyền, đào tạo, xây dựng hạ tầng CNTT… cũng đóng vai trò quan trọng đối với việc triển khai thành công Chính quyền điện tử. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần lựa chọn được đối tác triển khai có đủ năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực đồng hành cùng tỉnh trong suốt quá trình triển khai thực hiện và quản trị, duy trì, nâng cấp hệ thống liên tục theo sự phát triển của chính quyền điện tử”.