📞

Quảng Ninh - vùng đất “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”

08:47 | 24/10/2013
Khi nhắc đến Quảng Ninh, ông Phạm Thế Duyệt (ảnh), tự hào: Quảng Ninh là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, là vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống hào hùng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tôi tự hào là đã trưởng thành đi lên từ vùng mỏ.

Ngày 1/5/1930, người dân Hòn Gai đã được chứng kiến lá cờ đỏ búa liềm tung bay trên núi Bài Thơ, tượng trưng cho tinh thần quật khởi của giai cấp công nhân và lao động khu mỏ. Cũng nơi đây, nhiều nhà cách mạng tiền bối của Đảng đã từng hoạt động xây dựng phong trào cộng sản trong tầng lớp công nhân như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Đức Cảnh… Đó là mở đầu câu chuyện của ông Phạm Thế Duyệt, một cán bộ trưởng thành từ Vùng mỏ với chúng tôi.

Đi lên từ gian khó

Với ông Phạm Thế Duyệt, hai từ “Vùng mỏ” đã trở nên quá đỗi thân thuộc. Vừa rót trà ông vừa bảo, tôi công tác ở vùng mỏ được hơn 20 năm. Từ Mạo Khê đến Hà Tu, Vàng Danh, Đèo Nai, Cọc 6, Cao Sơn, Mông Dương, Cẩm Phả… mỏ nào tôi cũng từng đặt chân đến. Ngày ấy, máy móc thiết bị phục vụ khai thác than còn chưa hiện đại như bây giờ, anh em trực tiếp khai thác than trong hầm lò rất vất vả. Đời sống công nhân mỏ lúc đó cũng còn nhiều thiếu thốn. Mặc dù vậy, anh em thợ mỏ vẫn đoàn kết, đồng tâm, vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc, tất cả vì sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Phạm Thế Duyệt, sinh năm 1936 tại Hải Dương. Các chức vụ ông đã đảm nhiệm như: Bí thư Thành ủy Hà Nội; Ủy viên thường vụ-thường trực Bộ Chính trị; Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN khóa V; Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, X, XI. Ông cũng có nhiều năm công tác, gắn bó với vùng than Quảng Ninh.

Nhớ lại sau ngày thành lập Tỉnh 30/10/1963, mặc dù công việc còn rất bề bộn, nhưng Quảng Ninh đã phải đối mặt ngay với cuộc chiến tranh phá hoại leo thang đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ. Điển hình là trận chiến thử lửa đầu tiên ngày 5/8/1964 đã đi vào lịch sử. Lực lượng dân quân tự vệ thị xã Hồng Gai đã phối hợp với các đơn vị bộ đội hải quân, pháo cao xạ đánh trả quyết liệt, bắn rơi 3 máy bay phản lực Mỹ, bắt sống 1 phi công. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người đã có mặt tại Hồng Gai ngày 5/8/1964, sau này nhớ lại đã viết: “Tôi đã tận mắt chứng kiến trận chiến đấu oanh liệt của các đơn vị pháo cao xạ, tàu hải quân, dân quân, tự vệ, công an vũ trang và nhân dân Hồng Gai chiều ngày 5/8/1964 giáng trả không quân Mỹ đến gây tội ác tại đây. Ba máy bay phản lực bị bắn rơi, 1 giặc lái Mỹ bị bắt sống. Đó là chiến công tuyệt vời của quân và dân Quảng Ninh, là kết quả 10 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, là sự mở đầu cho những thành tựu to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Quảng Ninh…”.

“Sản xuất than cũng như đánh giặc”

Quảng Ninh cũng là vùng đất vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tới 9 lần, ông Phạm Thế Duyệt tự hào nhớ lại. Ông kể: ngày 15/11/1968, trong buổi gặp mặt đoàn đại biểu ngành than, Bác căn dặn: Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh, quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp, vượt mọi khó khăn nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc… Bác mong tất cả công nhân và cán bộ cố gắng hơn nữa, đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp…

Những năm sau này tôi không còn công tác ở vùng mỏ, nhưng vẫn thường xuyên quan tâm theo dõi. Để ngành than phát triển, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra thì điều quan trọng là phải chú trọng xây dựng, đào tạo lớp cán bộ kế cận có năng lực trình độ quản lý cùng với đội ngũ công nhân kỹ thuật, thợ lành nghề. Những năm gần đây, anh em đã phát huy vận dụng đường lối đổi mới, áp dụng công nghệ trong sản xuất vì thế mà ngành than đã có những bước phát triển không ngừng.

Phát huy thế mạnh trong Đổi mới

Nói về thành tựu mà Quảng Ninh đạt được sau 50 năm thành lập tỉnh, ông Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh thêm: Là Tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản, (chiếm tới 90% sản lượng than cả nước), nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng cho các ngành sản xuất trong nước và xuất khẩu, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, với hệ thống cảng biển, cảng nước sâu, hệ thống cửa khẩu giao thương với các thị trường lớn sẽ là một lợi thế lớn cho Quảng Ninh mà không phải địa phương nào cũng có được. Vì vậy, Quảng Ninh cần phát huy thế mạnh và tiềm năng sẵn có của mình, là nơi hội tụ đầy đủ những yếu tố, điều kiện thuận lợi để phát triển vùng kinh tế trọng điểm…

Về tiềm năng phát triển du lịch, ông Phạm Thế Duyệt cho rằng, với hàng loạt các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh mà thiên nhiên đã ưu ái dành cho vùng mỏ như Vịnh Hạ Long, Yên Tử, bãi cọc Bạch Đằng, Đền Cửa Ông, Đình Quan Lạn, Đình Trà Cổ, núi Bài Thơ... thì Quảng Ninh càng có nhiều cơ hội để phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch văn hóa tâm linh… Trong chiến lược phát triển kinh tế, Quảng Ninh được xác định là một điểm của vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, là cửa ngõ quan trọng của hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh…

Là người nhiều năm gắn bó với vùng mỏ, ông Phạm Thế duyệt điểm lại chặng đường 50 năm đã đi qua. Để Móng Cái, Vân Đồn sớm trở thành hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, thì Quảng Ninh còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, với truyền thống bất khuất của vùng mỏ anh hùng, ông tin tưởng rằng, Quảng Ninh sẽ ngày càng phát triển, đi lên cùng đất nước.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, định hướng phát triển kinh tế của Quảng Ninh trong những năm tới là phát triển kinh tế xanh gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa chủ yếu vào yếu tố phát triển chưa bền vững (tài nguyên hữu hạn: than, đất; nhân công rẻ) sang phát triển bền vững (dựa vào vị trí địa chính trị, tri thức, khoa học công nghệ, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, cảnh quan, văn hóa, truyền thống, con người...); từ phát triển theo bề rộng (vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên) sang phát triển theo chiều sâu (với đặc điểm của nền kinh tế xanh, trung tâm là Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long) một cách hài hòa và hợp lý.

Bên cạnh đó, Tỉnh chú trọng tới việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên tập trung cho các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp với hàm lượng khoa học công nghệ cao trong sản phẩm, những ngành kinh tế biển có lợi thế. Tiếp tục thúc đẩy phát triển dự án đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái; Xây dựng sân bay Vân Đồn, hoàn thiện Đề án “Xây dựng hai đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái” .

Hà Huy Hoàng