Nhưng có về tận nơi, chứng kiến khung cảnh sản xuất nhộn nhịp với hàng trăm mẫu mã đang chờ xuất xưởng và người từ khách sạn lớn trên Hà Nội về đặt sản xuất quạt trang trí, quạt dùng kê thực đơn, tặng cho khách du lịch các nước... mới thấy con số doanh thu mỗi năm hơn 3 tỷ đồng, thu lãi gần 1 tỷ đồng mà chủ nhân của nó đưa ra có lẽ còn khiêm tốn.
Nhưng rồi những câu chuyện anh Đoàn kể cho chúng tôi nghe về phương thức chào bán sản phẩm tại các khách sạn lớn hay chuyện “khó tính” của khách hàng Nhật Bản... vẫn không hấp dẫn bằng chuyện sống chết với nghề, yêu quý công việc chế tác những chiếc quạt nghệ thuật “khổng lồ” của cha anh - nghệ nhân Dương Văn Mơ. Từ sau khi chiếc quạt gỗ lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam có chiều rộng 9m, cao 4,5m được trưng bày tại lễ hội phố hoa vào dip Tết Kỷ Sửu 2009 vừa rồi thương hiệu quạt Chàng Sơn càng trở nên nổi tiếng và cũng ít người biết được rằng chiếc quạt đơn sơ nhưng đậm chất văn hóa làng quê Việt Nam đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Chiếc quạt gỗ lớn nhất Việt Nam rộng 9m, cao 4,5m do chính nghệ nhân Dương Văn Mơ và Phí Quang Bộ thực hiện.
Thoạt nhìn, chúng tôi cứ ngỡ ông là người làm thuê trong xưởng của anh Đoàn. Dáng cao gầy, tóc bạc, tay lấm lem bột màu, hồ dán, ăn vận xuềnh xoàng... khi chúng tôi vào ông lại ý tứ lui xuống xưởng, cần mẫn, tỷ mỷ bên những chiếc quạt múa xinh xắn. Chỉ khi tôi cất tiếng hỏi: - Bác làm nghề được lâu chưa ạ? Ông mới cười: - Tôi đang là người theo nghề bền nhất xã đây!
Theo ông Mơ, làng ông có nghề làm quạt truyền thống từ nhiều đời, nhưng hiện tại cả xã chỉ còn duy nhất gia đình ông đứng ra thuê thợ, lo bao tiêu tất cả sản phẩm cho họ; riêng ông từ thủa bé đã gắn bó với nghề làm quạt và trở thành nghệ nhân duy nhất của làng còn lưu giữ, phát triển nghề làm quạt nghệ thuật. Nhớ những năm 80, nhà có 5 người con, ruộng cấy chỉ vừa đủ ăn, tiếng là gia đình làm quạt gia truyền, sản xuất không kịp bán, nhưng tiền thu về cũng chỉ đủ cải thiện bữa ăn trong gia đình. Sản xuất nhiều nhưng có lãi là bao, giá thành chỉ có 200 đồng/chiếc. Thế rồi đất nước đổi mới, cơ khí hóa, điện khí hóa tràn về nông thôn, đến tận ngõ, vào từng nhà... Điện sáng, quạt máy chạy vù vù, quạt giấy “thất thế”, trở thành công cụ hữu ích nhất đối với các vãi khi lên chùa. Dạo đó, dân trong làng đua nhau chuyển nghề, quạt giấy gia truyền của gia đình ông cũng có nguy cơ “tuyệt chủng”. Gia cảnh túng bấn, 5 đứa con đều đang tuổi ăn học, ông như người cha lâm vào thế bần hàn, nếu không thay đổi, không đột phá... tất sẽ mất nghề. Đắn đo, suy nghĩ cả tuần, trí não của người cha yêu thương các con đã thắng thế. Ông quyết tâm khôi phục dòng quạt nghệ thuật, trang trí mà cha ông đã truyền lại. Đôi chân ông đã biết bao lần lên tới tận đỉnh núi Ba Vì, chùa Thầy, chùa Tây Phương, Đá Chông để thu vào ống kính những tấm ảnh đẹp nhất vùng xứ Đoài mang về làm chất liệu sáng tác quạt nghệ thuật.
Ý chí và nghị lực của người cha đã thắng. Năm 1987, chiếc quạt rộng 1,8m được ông tỷ mỷ sáng tạo từ những chất liệu dân gian: Mây, tre, giấy bồi, bột màu đã hoàn thành, đẹp không chê vào đâu được. Khi quạt xòe ra, cả khung cảnh mây, nước, cuộc sống của người dân dưới chân núi Thầy hiển hiển trước mắt, sống động, bình dị lạ thường. Chiếc quạt đó ông đã bán lại cho một khách hàng, giá gần 1 triệu. Bữa đó, cả nhà liên hoan mừng ông thành công với “cuộc đại cách mạng” trong đời sống gia đình.
Thời kỳ đầu vất vả với việc sáng tác quạt tranh nghệ thuật để nuôi sống gia đình đã qua lâu rồi, nay nhớ lại ông Mơ vẫn thấy vui. Vui vì thời đó quạt nghệ thuật ông làm để nuôi sống nghề truyền thống và cũng là để duy trì một nghề cổ của làng Giáo. Nay thì niềm vui ấy đã được nhân lên khi quy luật xưa đã quay trở lại: nghề truyền thống nuôi quạt nghệ thuật.
Con cái đã lớn, kinh tế gia đình khá giả, nay ông chỉ chú tâm sáng tác tranh trên những chiếc quạt “khổng lồ”, rộng 3m để mang đi dự triển lãm khắp các vùng trong cả nước. Để có được một chiếc quạt ưng ý, người nghệ nhân phải bỏ công chọn từng ống tre, đạt 3 chuẩn: dẻo, già, không mối mọt để làm nan quạt. Tiếp đến là công đoạn trọn mây để đan viền quạt. Sợi mây phải mượt, óng, dài để khi đan không phải nối nhiều đoạn. Khi vào giấy cho nan quạt phải khéo léo, tỷ mỷ, sao cho giấy không bị nhàu, nếp gấp phẳng, đều, tiện cho công việc vẽ tranh. Khi vẽ, điều khó nhất của người họa sỹ là căn chuẩn nếp gấp giữa các nan quạt. Phải tính toán kỹ lưỡng sao cho khi hoàn thành, gấp quạt lại không ảnh hưởng đến tranh, các nếp gấp nằm vào đúng khoảng không, không được cắt người hay cắt vật. Nếu trường hợp bắt buộc phải cắt, thì cái tài của người vẽ chính là tạo mối liên kết sao cho người xem không biết vật đó bị cắt nếu không tận tay sờ vào hiện vật. Khi các công đoạn làm quạt hoàn thiện, người họa sỹ sẽ phủ lên đó một lớp sơn bóng để giữ cho quạt sáng đẹp, bền lâu. Chính vì những kỹ thuật tinh tế đó và vì cả chất liệu dân gian độc đáo của sản phẩm nên quạt nghệ thuật của gia đình nghệ nhân Dương Văn Mơ rất được yêu chuộng trên thị trường, dù giá thành rất cao. Hiện nay, mỗi năm nghệ nhân Mơ làm hơn 100 chiếc quạt nghệ thuật, chủ yếu làm theo yêu cầu của khách đến đặt hàng. Thông thường quạt làm theo đơn đặt hàng chỉ to 1,8m, tiện cho việc di chuyển, còn những chiếc to từ 2 đến 3,5m chỉ được ông làm trước mỗi kỳ tham dự Hội chợ làng nghề, Hội chợ các sản phẩm du lịch Việt Nam. Được biết, năm nào ông Mơ cũng nhận được đơn đặt hàng từ những vị khách nước ngoài. Chuyến xuất ngoại đầu tiên của quạt nghệ thuật lại do một vị khách người Mỹ đến đặt. Nguồn thu từ sản phẩm quạt nghệ thuật mỗi năm với gia đình ông cũng không nhỏ, thường từ 40 đến 60 triệu đồng, tùy theo đơn đặt hàng của khách. Như năm nay ông đã sản xuất được hơn 70 chiếc, dự kiến trong những tháng trước Tết Nguyên đán, gia đình ông sẽ xuất xưởng hơn 30 chiếc, vì thông thường đây là dịp khách hàng tìm đến quạt nghệ thuật làm quà biếu, mừng nhà mới.
Dẫu không phải là họa sỹ, lại chưa từng học qua lớp vẽ nào, nhưng nghệ nhân Mơ chỉ cần nhìn bức tranh gốc đặt hàng của khách là có thể sáng tác y khuôn mẫu lên chiếc quạt. Biết chuyện bí quyết nhà nghề “tế nhị” nên chúng tôi không hỏi và ông cũng thừa nhận: một lão nông như ông, không học qua trường lớp hội họa nào mà vẽ được tranh thuần thục như vậy, thì rõ là có bí quyết gia truyền rồi! Điều băn khoăn và mong mỏi nhất của ông hiện nay là làm sao truyền được nghề cho con, cháu trong làng. Cả làng Giáo, cả xã Chàng Sơn bao năm qua hiện vẫn chỉ có duy nhất một mình ông duy trì nghề làm quạt nghệ thuật. Các con ông là niềm hy vọng gần nhất, chúng cũng mỗi người mỗi việc, chẳng có ai chịu học. Ngay cậu con trai Dương Văn Đoàn nổi tiếng trên thị trường Hà Nội, Sài Gòn với các loại quạt giấy nay vẫn mải làm ăn, chưa “ngó ngàng” tới việc giữ gìn bí quyết nhà nghề. Thời gian qua mau, nghệ nhân Mơ tuổi mỗi ngày một cao, sức mỗi ngày một yếu, mong mỏi kiếm tìm học trò để truyền nghề của ông xem chừng gặp khó khăn, bởi đất Chàng Sơn là đa đất nghề. Mà quả thực, nghề phụ ở đây đang trên đà đơm hoa, kết trái, tạo dựng vị trí vững chắc trên thị trường.
Theo HNMO