📞

Quốc đảo Solomon: Chỉ dấu về 'chiến địa' mới ở Nam Thái Bình Dương?

Đinh Tuấn Anh và Ngô Tùng Dương 08:15 | 02/12/2022
Trong chuyến thăm Australia ngày 6/10, Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare một lần nữa khẳng định không cho phép nước ngoài đặt cơ sở quân sự ở quốc đảo này. Đây là diễn biến mới nhất liên quan tới Thỏa thuận khung an ninh giữa Solomon và Trung Quốc ngày 19/4.
Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh năm 2019. (Nguồn: Reuters)

Dù nội dung chưa công bố nhưng bản thảo rò rỉ trên Twitter (ngày 24/3) cho thấy một số điểm đáng chú ý như Solomon có thể nhờ Trung Quốc triển khai lực lượng tới đảo quốc để duy trì trật tự an ninh; tàu Trung Quốc có thể tiếp liệu, quá cảnh ở đây…

Quan hệ Trung Quốc-Solomon tiếp tục gây chú ý vào tháng 8 vừa qua khi đảo quốc Nam Thái Bình Dương vay Trung Quốc 66 triệu USD để xây dựng 161 tháp viễn thông do hãng Huawei vận hành và từ chối hai tàu chiến của Mỹ và Anh cập cảng tiếp liệu như thường lệ.

Trung Quốc đã mở chiếc hộp “Pandora”?

Ngay trong tháng 4, Mỹ và các đồng minh khu vực đồng loạt phản ứng, đặc biệt nhấn mạnh nguy cơ Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở Solomon. Nhiều động thái, tuyên bố được đưa ra, cụ thể Mỹ cử phái đoàn cấp cao tới Solomon và cảnh báo sẽ đáp trả nếu Solomon cho phép Trung Quốc triển khai căn cứ quân sự (ngày 22/4); Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố không chấp nhận căn cứ Trung Quốc ở khu vực trong khi Ngoại trưởng Marise Payne chỉ trích thỏa thuận an ninh này thiếu minh bạch (ngày 23/4); Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Ngoại trưởng Nanaia Mahuta cho rằng thỏa thuận an ninh này không cần thiết (ngày 21/4). Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi ngày 22/4 nhấn mạnh thỏa thuận này ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực Thái Bình Dương.

Từ tháng 5 tới nay, khu vực chứng kiến Mỹ, các đồng minh đẩy mạnh can dự trên nhiều phương diện. Về ngoại giao, sau chuyến thăm của Phái đoàn cấp cao Mỹ tới Fiji, Papua New Guinea, Solomon, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tới thăm Fiji và Palau (ngày 7-8/5); tân Ngoại trưởng Australia thăm New Zealand và Solomon (ngày 15/6).

Đáng chú ý, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 12/7 tuyên bố Washington sẽ mở Đại sứ quán Mỹ tại Kiribati Tonga, mở lại Đại sứ quán tại Solomon, và lần đầu tiên chỉ định đặc phái viên tại Diễn đàn quốc đảo Thái Bình Dương.

Về an ninh, New Zealand xây dựng “kế hoạch hành động” với Solomon về an ninh biển và kéo dài thời gian triển khai quân đội ở đây tới tháng 5/2023; Đối thoại Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Nhật-Australia lần đầu khẳng định sẽ tận dụng các khuôn khổ nòng cốt khu vực như Diễn đàn quốc đảo Thái Bình Dương, Đối thoại các bộ trưởng quốc phòng Nam Thái Bình Dương (ngày 11/6).

Trên thực địa, Nhật Bản và Solomon lần đầu tiên diễn tập chung ở Nam Thái Bình, với sự tham gia của tàu khu trục Mỹ (ngày 8/8). Về hợp tác, nhóm Bộ tứ (Quad) cam kết hợp tác với quốc đảo Thái Bình Dương về an ninh biển, giáo dục, biến đổi khí hậu (ngày 24/5) trong khi Mỹ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Anh ngày 24/6 khởi xướng Sáng kiến đối tác Thái Bình Dương xanh với các quốc đảo. Đặc biệt trong tháng 9, Mỹ đã tổ chức Thượng đỉnh lần đầu tiên với các đảo quốc Thái Bình Dương và công bố Chiến lược đối tác Thái Bình Dương.

Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/4 khẳng định thỏa thuận Trung Quốc và Solomon dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Những suy đoán việc Trung Quốc xây dựng căn cứ ở Solomon là vô căn cứ.

Bắc Kinh ngày 20/5 đã công bố Tầm nhìn Tôn trọng lẫn nhau và cùng phát triển với các nước Thái Bình Dương. Theo đó, từ năm 1992 tới 2021, giao thương của Trung Quốc và các đối tác Nam Thái Bình trung bình tăng 13% hàng năm và lớn gấp 30 lần quá khứ.

Trung Quốc cam kết xây dựng cộng đồng Trung Quốc - Nam Thái Bình Dương bền chặt, cùng chia sẻ tương lai. Đáng chú ý, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã có chuyến thăm 8 quốc đảo ở Thái Bình Dương từ ngày 26/5-4/6, nhằm thúc đẩy nghị trình hợp tác với khu vực. Rõ ràng, các bên đều có những tính toán riêng.

Động lực đằng sau hành động của mỗi bên

14 quốc đảo Nam Thái Bình Dương với dân số khoảng 2,3 triệu người, nằm ở khu vực rộng lớn, gồm hàng trăm hòn đảo. Khu vực này có vị trí chiến lược, giàu tài nguyên nhưng nhiều nước chưa phát triển.

Đối với Trung Quốc, nước này có nhu cầu mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, bao gồm ở Nam Thái Bình Dương. Những năm qua, với chính sách đầu tư hào phóng, Trung Quốc gặt hái nhiều thành công.

Về chính trị, 8 quốc đảo ở Thái Bình hiện là đối tác chiến lược toàn diện của Trung Quốc, mức quan hệ ngoại giao cao nhất. Về thương mại, tính đến năm 2021, 10 quốc đảo Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao đều ký văn bản hợp tác BRI.

Trong giai đoạn từ 2013-2018, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào khu vực tăng từ 900 triệu USD lên tới 4,5 tỷ USD. Về an ninh, nhu cầu tìm kiếm căn cứ hải ngoại của Trung Quốc là rõ ràng. Tại Solomon, Trung Quốc có ý định thuê đảo Tulagi, căn cứ cũ của Mỹ năm 2019 và tiếp tục tìm kiếm các địa điểm thích hợp.

Đối với Solomon, quốc đảo này cần các nguồn tài trợ bên ngoài và sự đảm bảo an ninh cần thiết. Phần nào sự xao lãng của phương Tây, đặc biệt là Australia đã mở ra những điều kiện thuận lợi.

Ví dụ, phân bổ viện trợ của Australia cho Solomon giảm mạnh kể từ năm 2009 (khoảng 43% từ 2009-2019, ở mức 129 triệu USD). Về an ninh, trong cuộc bạo loạn ở thủ đô Honiara tháng 11/2021, Solomon thậm chí nhờ sự giúp đỡ của quân đội Australia, New Zealand, Fiji và Papua New Guinea.

Thực tế, chính quyền Solomon thừa nhận việc tìm kiếm các thỏa thuận an ninh mới để đối phó tình trạng bạo loạn là cần thiết bởi thỏa thuận an ninh với Australia không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Đối với Mỹ và các đồng minh, quan hệ gần gũi Trung Quốc-Solomon có những thách thức. Khu vực Nam Thái Bình Dương có ý nghĩa chiến lược đối với Mỹ, Australia, New Zealand và thường được coi là khu vực sân sau.

Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower năm 1954 từng tuyên bố khu vực này là “Hồ của Mỹ” (American Lake). Trong Thế chiến II, quần đảo Solomon là chiến trường ác liệt giữa Mỹ và Nhật Bản. Ngoài ra, sự hiện diện quân sự Trung Quốc tạo ra nguy cơ về an ninh. Solomon chỉ cách bờ Đông của Australia chưa tới 2.000 km và cách Bộ Tư lệnh Ấn-Thái của Mỹ ở Hawaii khoảng 5.740 km.

Đặc biệt với Australia, căn cứ của Trung Quốc có thể giám sát mọi hoạt động quân sự cho tới các tuyến cáp ngầm kết nốt Australia với Nhật Bản, Hawaii, Guam. Bờ Đông cũng là khu vực Australia dự định xây dựng căn cứ mới cho các tàu ngầm hạt nhân từ thỏa thuận AUKUS.

Những khía cạnh để ngỏ

Hơn hai thập niên qua, Trung Quốc can dự mạnh mẽ với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương. Thỏa thuận khung an ninh giống như một “hồi chuông cảnh tỉnh”. Qua đó, chúng ta có thể nhận thấy một số khía cạnh đáng chú ý:

Thứ nhất, khả năng Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương. Nhiều năm qua, Trung Quốc tìm kiếm các cảng và sân bay có vị trí chiến lược ở các quốc gia từ Djibouti tại Đông Phi, Sri Lanka, Pakistan tại Nam Á, căn cứ Ream ở Đông Nam Á cho đến các quốc đảo Kiribati, Vanuatu, French Polynesia ở Thái Bình Dương.

Thứ hai, Trung Quốc đang hướng tới “người cung cấp an ninh” bên cạnh vai trò đầu tư kinh tế. Nước này nhắm vào nhu cầu phát triển lực lượng cảnh sát của các quốc đảo. Từ năm 2020, Trung Quốc tài trợ xây dựng học viện cảnh sát ở Samoa. Tại Solomon, Trung Quốc từng tặng thiết bị và cân nhắc thành lập một học viện cảnh sát.

Thứ ba, xu hướng nước nhỏ “cân bằng” giữa nước lớn ngày càng phổ biến. Cách tiếp cận này giúp tranh thủ lợi ích, và tránh làm mất lòng các bên. Trong bối cảnh tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Solomon ngày 6/9 cáo buộc Australia “can thiệp nội bộ” khi đề xuất hỗ trợ đảo quốc này tổ chức bầu cử. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Australia mới đây, Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare đã hoan nghênh khoản hỗ trợ trị giá 10,86 triệu USD của Australia cho Đại hội thể thao Thái Bình Dương và cuộc bầu cử tại Solomon.

Nhìn chung, Nam Thái Bình Dương nhiều khả năng sẽ là “chiến địa” mới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thỏa thuận an ninh Trung Quốc - Solomon không chỉ giới hạn ở quan hệ song phương mà còn hàm ý về cạnh tranh chiến lược, mô hình phát huy ảnh hưởng của Trung Quốc. Trung Quốc đang có lợi thế nhưng liệu điều này sẽ tiếp tục?

Mỹ và các đồng minh dường như đã “thức tỉnh” trong khi các đảo quốc cũng thận trọng hơn. Trung Quốc không thể đạt được thỏa thuận an ninh và thương mại với 10 quốc đảo trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị vào tháng 6.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhóm tác giả.