Điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. (Nguồn: AFP) |
Phân tích của INS cho thấy, bộ gene của virus được phát hiện ở Peru khác với các bộ gen gây ra đợt bùng phát hiện nay ở Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Mỹ và Canada.
Cụ thể, Giám đốc điều hành Trung tâm các bệnh truyền nhiễm của INS Óscar Escalante giải thích, ca nhiễm virus đậu mùa khỉ đầu tiên ở Peru thuộc về chủng virus xuất hiện ở Tây Phi, có khả năng gây chết người thấp hơn biến thể được phát hiện ở lưu vực sông Congo.
Ông Escalante chỉ ra rằng, các nhà khoa học đã xác định hai nhóm biến thể của virus đậu mùa khỉ, một nhóm bắt nguồn từ Trung Phi và nhóm còn lại từ Tây Phi.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chủng virus xuất hiện ở Tây Phi có tỷ lệ tử vong trung bình là 1%, thấp hơn biến thể Trung Phi, với khả năng gây chết người từ 3-6%.
Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân theo các biện pháp phòng ngừa và tiếp tục giám sát bộ gene để có thể đánh giá trong tương lai phòng trường hợp virus có sự biến đổi.
Với nghiên cứu này, sau Brazil, Peru đã trở thành quốc gia thứ hai ở Nam Mỹ thực hiện nghiên cứu giải trình tự gene virus đậu mùa khỉ. Các thông tin liên quan đã được chia sẻ trong cơ sở dữ liệu GISAID với cộng đồng khoa học thế giới.
Trước đó, hôm 28/6, Peru ghi nhận thêm hai trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, nâng tổng số ca nhiễm virus được xác nhận tại quốc gia Nam Mỹ lên ba trường hợp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Peru Jorge López cho biết, các bệnh nhân nói trên đều thuộc nhóm “có yếu tố nguy cơ” do tiếp xúc với ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được ghi nhận ở một người nước ngoài cư trú tại thủ đô Lima.
Ông López khẳng định, đây là các ca bệnh không nghiêm trọng, bệnh nhân đã được cách ly tại nhà và giám sát liên tục.
Trong khi đó, các bệnh viện trên cả nước đã chuẩn bị để thiết lập khu vực cách ly trong trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nặng.